00:00 Số lượt truy cập: 2637568

Hội Nông dân tỉnh Thái Bình với Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi (giai đoạn 2015 - 2020) 

Được đăng : 10/12/2020

Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Hội Nông dân và ngành nông nghiệp phong trào nông dân thi đua SX - KD giỏi đã là động lực giúp hội viên, nông dân vươn lên khai thác có hiệu quả tiềm năng về đất đai, nguồn vốn và lao động nhàn rỗi ở nông thôn; rất nhiều hộ gia đình hội viên, nông dân đã giám nghĩ, giám làm, mạnh dạn đầu tư biến những vùng đất hoang hóa, vùng đất trũng cấy lúa kém hiệu quả để trở thành các trang trại, gia trại chăn nuôi, thủy sản trù phú, thu lãi hàng trăm triệu đồng một năm. Trong cơ chế cạnh tranh gay gắt của thị trường nhiều hộ đã mở rộng liên doanh, liên kết tổ chức dạy nghề, tạo việc làm và thu nhập cho hàng trăm lao động. Nhiều hộ gia đình tìm mọi cách mở rộng thị trường tiêu thụ một khối lượng lớn nông sản và cung ứng vật tư, nông nghiệp thiết yếu cho nông dân. Phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi thực sự là động lực thúc đẩy ý chí vươn lên làm giàu của nhiều hộ gia đình góp phần thúc đẩy kinh tế của các địa phương phát triển, cảnh quan môi trường và bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới. Kết quả đó đã góp phần làm tăng giá trị thu nhập trong toàn tỉnh. năm 2018, tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP (giá so sánh 2010) đạt 49.870 tỷ đồng, tăng 10,53% so với năm 2017, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch tăng 9,5%).  Trong phong trào Nông dân thi đuaxây dựng nông thôn mới, với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", các cấp Hội trong tỉnh đặc biệt là cấp cơ sở đã vận động nông dân tham gia đóng góp ngày công, tiền, vật liệu, hiến đất... trị giá hàng trăm tỷ đồng xây dựng các công trình đường giao thông liên thôn, liên xã, đường điện, kênh mương, trường học, trạm xá, nhà văn hoá thôn... 100% các xã đã hoàn thành lập qui hoạch chung, 100% số xã hoàn thành dồn điền đổi thửa, từ 3,67 thửa/hộ, sau khi dồn điền đổi thửa xuống còn 1,79 thửa/hộ. Kết cấu hạ tầng nông thôn được tăng cường, bộ mặt nông thôn nhiều đổi mới. Sau 10 năm triển khai thực hiện, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và sự đồng tình, hưởng ứng của cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh; đến nay, toàn tỉnh đã có 263/263 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 7/7 huyện được công nhận huyện NTM, thành phố Thái Bình được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Tỉnh Thái Bình đã hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới.

Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi là biện pháp quan trọng thực hiện giảm nghèo và làm giầu, là sự kết dính gắn bó chặt chẽ tình đoàn kết trong cộng đồng nông thôn

Vận động tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, đời sống là việc làm thường xuyên của tổ chức Hội. Vì vậy tổ chức Hội Nông dân đã thường xuyên chỉ đạo và vận động các hộ SX - KD giỏi, các hộ có thu nhập khá, hộ có điều kiện giúp đỡ những gia đình nông dân nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn về mọi mặt để họ có điều kiện vươn lên thoát nghèo; những năm qua, với chỉ tiêu mỗi chi hội tham gia giúp đỡ 2 đến 3 hộ nghèo, các cấp Hội đã giúp trên 50.000 hộ nghèo và hàng chục ngàn hộ khác, thông qua việc hỗ trợ hàng chục ngàn cây, con giống, hàng trăm tấn thức ăn gia súc, vật tư, phân bón giá trị hàng tỷ đồng và hàng trăm ngàn ngày công lao động. Qua 5 năm, các cấp Hội đã vận động hội viên nông dân tương trợ giúp đỡ nhau được 701.223 triệu đồng (kể cả các loại vật tư như giống cây, con, vật tư  các loại... qui thành tiền mặt), và 927.781 ngày công lao động. Đặc biệt, bình quân mỗi trang trại, gia trại đã tiếp nhận bình quân từ 10 - 20 lao động thuộc các hộ nghèo vào làm việc để giải quyết việc làm tạo thu nhập ổn định.

Được sự giúp đỡ của các hộ sản xuất kinh doanh giỏi, các hộ nghèo có điều kiện phát triển và mở rộng sản xuất, có việc làm tăng thu nhập, ổn định được cuộc sống. Hoạt động của phong trào đã góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trong tỉnh đến năm 2019 xuống còn 2,66%, từng bước thu hẹp khoảng cách giầu nghèo ở nông thôn, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu xóa đói giảm nghèo của tỉnh.

Đẩy nhanh việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào thực tiễn, tạo bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu lao động trong nông nghiệp, nông thôn.

Tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật cho nông dân là nội dung quan trọng của hoạt động hỗ trợ cho phong trào sản xuất - kinh doanh giỏi. Để việc chuyển giao khoa học kỹ thuật đạt hiệu quả, các cấp Hội đã chủ động liên kết với ngành nông nghiệp từ tỉnh đến cơ sở, các công ty, các nhà máy… chuyển giao kiến thức KHKT, những tiến bộ công nghệ tiên tiến giúp nông dân áp dụng vào sản xuất. Kết quả hàng năm đã mở trên 3.000 lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân với bình quân 250.000 lượt người dự, và tổ chức được hàng trăm đợt cho cán bộ, hội viên đi tham quan, trao đổi học tập kinh nghiệm sản xuất ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Thông qua các lớp chuyển giao KHKT, tổ chức tham quan mô hình, hội viên nông dân chuyển biến nhận thức và đã áp dụng vào thực tiễn. Giá trị sản xuất ngành trồng trọt tăng 3,64% so với năm 2017, tổng diện tích gieo trồng đạt 207,983 ha, qua đó góp phần làm tăng thu nhập cho nông dân trong tỉnh. Qua tập huấn KHKT và những kiến thức về quản lý thị trường nhiều hộ nông dân đã hiểu rõ tầm quan trọng của sản xuất hàng hóa vì vậy nhiều vùng sản xuất hàng hoá lớn tập trung được hình thành, như: vùng sản xuất lúa ở xã Vũ Tây, Bình Định (Kiến Xương), xã Nguyên Xá (Vũ Thư); vùng cây màu ở xã An Khê, Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ), xã Trọng Quan (Đông Hưng)… Do áp dụng những kiến thức KHKT, quy trình chăn nuôi tiên tiến đã được hội viên nông dân áp dụng vào sản xuất và đạt hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ đã mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất từ vài chục con trước đây nay đã nuôi hàng trăm, hàng ngàn con lợn nái ngoại, lợn choai, lợn thịt. Trong phong trào phát triển kinh tế trang trại, gia trại xuất hiện ngày càng nhiều các điển hình tiêu biểu. Chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại tiếp tục phát triển; đến tháng 8/2020 toàn tỉnh có 687 trang trạichăn nuôi có doanh thu trên 1 tỷ đồng trở lên; nhiều hộ chăn nuôi trang trại, gia trại đã nắm vững và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào xử lý môi trường. Tổng diện tích nuôi trồng thủy hải sản đạt 15.113 ha, tăng 0,7% so với năm 2018; sản lượng nuôi trồng đạt 147 nghìn tấn, tăng 8% so với năm 2018; khai thác thủy sản phát triển mạnh theo hướng dánh bắt xa bờ. Trong phong trào nông dân thi đua sản xuất đã xuất hiện ngày càng nhiều điển hình tiên tiến về cải tiến kỹ thuật, đầu tư phương tiện máy móc phát triển sản xuất và dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất lao động, từng bước hiện đại hoá trong sản xuất nông nghiệp. Trong sản xuất tiểu thủ công nghiệp, đặc biệt ở các làng nghề nông dân đã đưa nhiều loại máy móc vào sản xuất để cải tiến mẫu mã sản phẩm và nâng cao năng suất lao động. Tính đến hết tháng 12 năm 2019 toàn tỉnh có 247 làng nghề tập trung ở một số nghề truyền thống như: chạm bạc, chiếu cói, dệt, móc sợi..., thu hút trên hàng trăm nghìn lao động nhàn rỗi ở nông thôn, bình quân thu nhập từ 4.000.000, - 5.000.000,đồng/người/tháng.

Thúc đẩy mạnh mẽ sự liên kết, hợp tác giữa 4 nhà và tiếp tục hoàn thiện quan hệ sản xuất phù hợp với cơ chế thị trường

Để giúp hội viên nông dân SX – KD có hiệu quả, trong những năm qua, tổ chức Hội và ngành nông nghiệp đã tăng cường liên kết với các tổ chức, công ty, nhà máy cung ứng những yếu tố đầu vào cho sản xuất của hội viên và nông dân. Trong những năm qua các doanh nghiệp, công ty luôn sát cánh với Hội Nông dân và ngành nông nghiệp giúp hội viên nông dân về vốn, vật tư nông nghiệp, kiến thức KHKT đó là: Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Ngân hàng Chính sách - Xã hội đã ký với tổ chức Hội tín chấp cho nông dân vay vốn phát triển sản xuất với tổng số tiền các nguồn vốn đến nay là 3.085 tỷ đồng cho 63.475 hộ vay, trong đó: Nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách - Xã hội là 1.098 tỷ đồng cho 35.711 hộ vay; vốn vay Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn tính đến nay đạt 1.987 tỷ đồng cho 27.764 hộ vay. Quỹ Hỗ trợ nông dân đã hỗ trợ cho hội viên sản xuất kinh doanh giỏi vay với tổng số tiền 29,034 tỷ đồng, trong đó ủy thác của Trung ương Hội 13,6 tỷ đồng đầu tư 32 mô hình cho 369 hộ vay, Hội Nông dân tỉnh quản lý trực tiếp 9 tỷ đồng cho vay 25 mô hình cho 272 hộ vay, còn lại của 8 huyện quản lý quỹ 4,078 tỷ đồng cho vay 20 dự án cho 966 hộ vay. Các Công ty Thức ăn gia súc, Công ty cổ phần giống cây trồng Thái Bình, Công ty cổ phần giống chăn nuôi Thái Bình, Công ty phân lân Văn Điển, Công ty phân bón Bình Điền, Công ty Phân bón và hóa chất Lâm Thao và các trung tâm khuyến nông, khuyến ngư... đã liên doanh liên kết, liên ngành đã giúp hội viên nông dân mỗi năm hàng chục ngàn tấn phân bón trả chậm, hàng ngàn lớp chuyển giao KHKT, hàng trăm ngàn cây, con giống có chất lượng cao. Cũng chính từ phong trào sản xuất - kinh doanh giỏi đã hình thành các loại hình hợp tác sản xuất, kinh doanh mới đó là: sự liên kết hợp tác giữa các nhóm hộ, các câu lạc bộ, các hợp tác xã chuyên… trong sản xuất - kinh doanh, trong tiêu thụ nông sản phẩm. Điển hình các câu lạc bộ chăn nuôi ở Kiến Xương, Hưng Hà, Đông Hưng… hợp tác xã chuyên giống cây trồng, rau màu xuất khẩu ở Vũ Chính (Thành Phố), Đông Hải (Quỳnh Phụ), hợp tác xã tiêu thụ nông sản của Công ty cổ phần giống chăn nuôi Thái Bình, nhóm hộ tiêu thụ lúa gạo ở Đông La, (Đông Hưng), nhóm hộ tiêu thụ sản phẩm tiểu thủ công nghiệp Thái Xuyên (Thái Thuỵ), Đông Giang (Đông Hưng)… Qua phong trào SX – KG giỏi đã tạo ra các mối liên kết giữa nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp ngày càng chặt chẽ, mối quan hệ giữa giai cấp nông dân, giai cấp công nhân và tầng lớp trí thức ngày càng mật thiết, các phương thức sản xuất, kinh doanh mới được hình thành và phát triển.

Góp phần xây dựng và phát triển các hợp tác xã, củng cố và xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh

Phong trào thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi được phát động rộng rãi và đã thu hút hàng vạn hộ nông dân tham gia, hàng nghìn hộ được giúp đỡ từ nghèo, đói vươn lên trở thành hộ khá, giàu. Điều đó khẳng định phong trào thi đua có ý nghĩa và tác dụng to lớn, đã đáp ứng nguyện vọng chính đáng của hội viên nông dân. Nhiều nội dung hoạt động của Hội được đổi mới, nhiều quyền lợi của hội viên, nông dân và xã viên hợp tác xã được đáp ứng nên đã thu hút, tập hợp thêm được nông dân vào tham gia sinh hoạt, hoạt động Hội và các tổ hợp tác, hợp tác xã, các nhóm hộ nghề nghiệp… Trong quá trình xây dựng và phát triển, Hội Nông dân tỉnh đã tổng kết được nhiều mô hình, những kinh nghiệm từ thực tiễn phong trào, tiêu biểu cho từng lĩnh vực, từng vùng sản xuất, từng loại hình sản xuất trong tỉnh. Chính vì thế, trong những năm qua Hội đã tập hợp thu hút thêm được nhiều nông dân vào Hội, đưa tổng số hội viên nông dân toàn tỉnh là 305.697 hội viên, chiếm 75% so với hộ nông dân. Củng cố 419 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, phần lớn các hợp tác xã hoạt động đạt hiệu quả. Qua phong trào thi đua, hội viên và xã viên đã ngày càng tin tưởng và gắn bó với tổ chức Hội và HTX, tham gia tích cực các hoạt động của Hội và đóng góp đầy đủ nghĩa vụ đối với HTX và chính quyền địa phương. Vai trò nòng cốt của tổ chức Hội và hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp trong phong trào phát triển kinh tế, xã hội ở nông thôn ngày càng được khẳng định.

 

Văn Khôi