00:00 Số lượt truy cập: 2662376

Hướng dẫn kỹ thuật đốn trẻ vườn bưởi lâu năm già cỗi 

Được đăng : 13/05/2019

 

Vườn bưởi được trồng từ trên 10 năm, mật độ trung bình và chăm sóc tốt thì sẽ giao tán, lúc này cành cây này giao, đan xem với cành cây khác, nên vườn bưởi thiếu ánh sáng, cây sinh trưởng và phát triển kém, quả sẽ ít, chất lượng giảm. Đặc biệt khi mưa bão sẽ gây dụng nhiều vì quả bị va đập vào nhau. Đồng thời vườn bưởi mắc nhiều bệnh và các loại sâu phát triển, gây hại cho cây.

Đối với vườn bưởi trồng thưa sau từ 15 đến 20 năm lúc này cây đã già cỗi xuất hiện nhiều cành già, quả ít, nhiều cây không đậu quả.

Để khắc phục 2 trường hợp trên cần tiến hành đốn đau, đốn trẻ làm cho vườn bưởi thông thoáng tạo sức trẻ cho vườn bưởi, tăng khả năng quang hợp, chống chịu sâu bệnh, ra hoa kết quả và nâng cao chất lượng quả, cần tiến hành các bước kỹ thuật sau:

Lần 1

Đầu mùa xuân, chọn những cành đã già cỗi, tiến hành cắt bỏ 40%, cao khoảng 2,5m so với mặt đất, cắt bỏ các cành vóng, kết hợp tạo tán để ánh nắng có thể xuyên qua các lớp, tầng lá, đảm bảo các cành còn lại đều có đủ ánh sáng để quang hợp. Khi cắt dùng kéo, hoặc cưa sắc cắt dứt khoát không để cành bị dập, xước, chẻ….; sau đó lấy nước vôi đặc  quyét ngay lên vết cắt. Trước khi cắt cành  cây thứ 2 cần vô trùng dụng cụ cắt để tránh lây lan bệnh tật truyền từ cây này sang cây khác. Sau cắt cành 20 ngày cây bắt đầu nảy mầm và phát triển cành mới ra hoa, cần kết hợp bón 10 kg phân hữu cơ hoai mục và 1kg NPK 20-20-20 cho/1 cây. Đồng thời vườn cây xuất hiện các loại sâu non phá hoại như Bù lạch, sâu vẽ bùa…. Cần kiểm tra và phun thuốc tiêu diệt kịp thời bằng các loại thuộc được khuyến cáo bán trên thị trường, tiến hành quét nước vôi lên thân cây để hạn chế sâu đục thân cây.

Lần 2 .

Tiến hành cắt tỉa lần 2 sau cắt tỉa lần 1 khoảng 12 tháng, lần này tiến hành cắt 40% số cành già, yếu, còi cọc… kết hợp bón 10 kg phân hữu cơ hoai mục và 1kg phân NPK 20-20-20 cho 1 cây; Phương pháp và kỹ thuật cắt như lần 1; Đồng thời vườn cây xuất hiện các loại sâu non phá hoại như  Bù lạch, sâu vẽ bùa…. Cần kiểm tra và phun thuốc tiêu diệt kịp thời bằng các loại thuộc được khuyến cáo bán trên thị trường; tiến hành quét nước vôi đặc lên thân cây để hạn chế sâu đục thân cây.

Lần 3.

Sau cắt lần 2 khoảng 1 năm, tiến hành cắt hết những cành già, cũ còn lại, kết hợp cắt tỉa những cành kém hiệu quả của năm thứ 1. Phương pháp và kỹ thuật cắt như lần 1 và lần 2.

Sau khi cây phát triển bình thường có 1 tán cây mới, khỏe mạnh, sức sống rất cao, khả năng ra hoa, nhiều, lúc này cần phun thuốc kích thích đậu quả và kiểm tra vườn cây, nếu đậu quả nhiều cần tỉa bớt quả để cây có khả năng nuôi dưỡng tốt, quả to, chất lượng cao. Đồng thời phải bón phân tăng lên theo tỷ lệ năng suất của cây.

Dùng chế phẩm tăng khả năng đậu quả cho bưởi như:  K-Humate; A-H502/503; N-H60/602; K-H70/702 khoảng 2 - 3 lần, 2 lần trước khi nở hoa 2 - 3 ngày; 1 lần sau khi đậu quả khi quả bằng ngón tay, liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất để bổ sung dinh dưỡng vi lượng, đa lượng tăng khả năng chống chịu sâu bệnh cho cây, hạn chế làm rụng quả non. Kết hợp theo dõi thường xuyên vườn bưởi để phát hiện sâu bệnh phá hoại cây, hoa, quả.

Phun phòng bệnh mốc sương, chống thối nụ, hoa cho bưởi bằng các loại thuốc đặc hiệu sau: Ridomin gold 72WP; Aliette 80WG, phun ít nhất 2 lần, lần 1 trước khi nở hoa 5 - 7 ngày, lần 2 lúc quả có kích thước bằng đầu ngón tay. Nếu phun phòng bằng các loại thuốc trừ bệnh mốc sương đặc hiệu có tác dụng nội hấp này, gặp thời tiết bất lợi như mưa phùn kéo dài, bưởi vẫn sai hoa, nhiều quả.

Việc đốn trẻ vườn bưởi cần được tiến hành sau thu hoạch; đối với những vườn bưởi đã già cỗi không cho quả hoặc quả ít, nhỏ, chất lượng thấp thì cắt tỉa vào đầu mùa xuân ở miền bắc và đầu mùa mưa ở miền Nam.

Trước khi thực hiện đốn đau, đốn trẻ cần thu hoạch quả đúng lúc bưởi chín khoảng 80% để dành quỹ thời gian để cây tập trung sức và có thời gian để tiến hành cắt tỉa, đảm bảo sinh trưởng và phát triển cho cây ra hoa đậu quả năm tiếp theo.

T.Khuyên