00:00 Số lượt truy cập: 2667377

Hướng dẫn kỹ thuật gieo mạ vụ xuân các phía Bắc 

Được đăng : 16/02/2019
Vụ Xuân ở các tỉnh phía bắc thường gặp rét đậm, rét hại gây khó khăn cho việc gieo mạ xuân. Nhiều năm nông dân thiếu mạ để cấy dẫn đến việc bỏ ruộng. Để sản xuất an toàn, hiệu quả, đảm bảo có mạ khỏe, cấy đủ diện tích lúa vụ xuân khâu làm mạ rất quan trọng.

 

1. Giống.

Chuẩn bị giống: 

Nên chọn các giống lúa thuần: Thiên ưu 8, HT1, RVT, DQ11; lúa TBR225 (chân đất tốt, thâm canh),…; nên chọn những giống có năng suất cao, có khả năng kháng bệnh tốt, chất lượng gạo ngon, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương và khả năng đầu tư. Chọn mua ở nhứng địa chỉ có uy tín cao , có pháp nhân kinh doanh giống cây trồng, để mua được giống tốt.

Xử lý hạt giống:

          Đây là biện pháp quan trọng không được bỏ qua với mọi giống lúa, để diệt hết mầm bệnh tồn tại trên hạt giống, hạn chế lây lan ra đồng ruộng. Ngâm thóc giống trong nước nóng 540C trong 15 phút (pha nước theo tỷ lệ 3 sôi 2 lạnh khuấy đều, sau đó đổ thóc vào ngâm ngập trọng nước).

Ngâm, ủ hạt giống: 

Thóc giống sau khi được xử lý tiến hành đãi sạch và ngâm trong nước sạch. Đối với lúa lai ngâm từ 24 - 30 giờ; đối với lúa thuần ngâm 50 - 55 giờ; trong quá trình ngâm thóc, cần thay nước 1 ngày 2 lần; khi hạt thóc hút no nước, đãi sạch nước chua, để ráo nước, cho vào thúng tre, phủ bao tải đay ẩm, ủ ở nhiệt độ từ 28 - 350c, cần kiểm tra nhiệt độ thúng ủ, nếu thúng ủ nhiệt độ cao quá, và bị khô tiến hành phun nước và đảo trộn nhẹ để hạt giống có đủ độ ẩm và trở lại nhiệt độ trong giới hạn cho phép.

Chú ý:

Đối với làm mạ khay khi hạt nứt nanh, nhú mầm như gai dứa là gieo được; đối với mạ dầy súc: mầm dài bằng ½ hạt thóc thì đem gieo.   

       

2. Làm đất, gieo mạ.

-Làm đất: Chọn vùng đất gieo mạ xa đường giao thông, khuất gió, thuận tiện cho tưới tiêu. Đất cày bừa kỹ, nhặt sạch cỏ dại. Trước khi bừa lần cuối bón 3 tạ phân chuồng hoai mục, 10 kg phân tổng hợp NPK5.10.5.5. Chia luống rộng 1,2 m làm rãnh sâu  từ 10 – 15 cm, rãnh rộng 20cm, cán phẳng mặt luống. Mỗi sào lúa cấy cần 10m2 đất gieo mạ.

Gieo mạ: Sau khi làm luống xong phải gieo mạ ngay để hạt giống chìm xuống bùn giúp giữ ấm chân mạ, Mật độ gieo 1 kg thóc giống/10m2 đất, gieo xong phủ một lớp tro bếp trên bề mặt luống mạ.

3. Chăm sóc.

 Che phủ nilon cho mạ: Vụ xuân hay gặp phải thời tiết thay đổi thất thường, do vậy cần thiết phải áp dụng biện pháp che phủ nilon để chắn gió lạnh, sương muối…bảo vệ mạ an toàn.

Cách làm: Lấy các thanh tre, nứa tươi rộng 3,0 cm, dài 2 m uốn cầu vồng cắm chặt xuống 2 mép luống mạ; cách nhau 1,5 m theo chiều dài luống mạ. Buộc liên kết các thanh lại với nhau bằng một thanh tre trên đỉnh cầu vồng và dài theo chiều dọc luống. Dùng nilon màu trắng trong khổ rộng 1,4 m chùm kín theo chiều dài luống mạ, lấy bùn dưới rãnh luống đè kín kỹ xung quanh mép nilon phủ 2 bên và 2 đầu luống đảm bảo luống mạ được che kín hoàn toàn sau khi gieo để tránh bị gió lùa và chống chuột chui vào phá hoại mạ.

Sau khi gieo luôn giữ cho mạ đủ ẩm, khi mạ có 2 lá cho nước ngập sàn mặt luống mạ. Khi nhiệt độ ban ngày trên 20°C, có nắng ấm phải tiến hành mở nilon hai đầu luống mạ để tạo thông thoáng, không làm cháy lá và mạ, chiều tối tiếp tục che đậy lại và chèn cặt như cũ. Khi cây mạ được 3 lá đem cấy, chọn những ngày ấm để cấy. Trước khi cấy 3 ngày mở dần nilon làm cho mạ thích nghi dần với môi trường.

 Đối với mạ sân, mạ khay gieo gần nhà, có che chắn kín xung quanh dùng bóng điện ánh sáng đỏ, công suất lớn thắp điện sưởi ấm cho mạ vào những lúc rét đậm, rét hại.

Chú ý:  Không bón phân thúc cho mạ ở giai đoạn trước khi cấy vì cây mạ sẽ non, mềm, chống chịu kém, rất dễ chết khi cấy ra ruộng nếu gặp rét.

L.K