00:00 Số lượt truy cập: 2666655

Hướng dẫn kỹ thuật sản xuất giống lạc L20 vụ xuân đạt năng suất cao 

Được đăng : 26/09/2019

 

l201
Mô hình sản xuất giống 
lạc L20

Giống lạc L20 có khả năng chống chịu bệnh khá cao (bệnh đốm nâu, đốm đen và gỉ sắt). Giống lạc L20 có khả năng ngủ nghỉ tươi khá không nảy mầm trong vỏ quả khi chín gặp điều kiện không thuận lợi.

- Thời gian sinh trưởng Vụ Xuân khoảng 110 đến 115 ngày.

- Năng suất trung bình giống lạc L20 trong vụ Xuân đạt 40 – 47,0 tạ/ha.

- Khối lượng 100 quả 150 -160g, khối lượng 100 hạt trên 60g, tỉ lệ nhân đạt trên 78%.

Giống lạc L20 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ra Quyết định công nhận chính thức giống cây trồng nông nghiệp mới theo Quyết định số 2953/QĐ-BNN-TT ngày 07 tháng 07 năm 2017.

Thời vụ thích hợp cho năng suất cao ở vụ Xuân: 15/1- 25/2, vụ Thu Đông 15/8 đến 15/9. Mật độ thích hợp cho giống L20 từ 40 – 45 cây/m2. Lượng phân bón là: 15 tấn phân chuồng + 1000 kg N:P:K (3:9:6)+ 500 kg vôi bột/ha).

1. Thời vụ gieo trồng: Vụ Xuân 20/1 đến 5/2.

2. Làm đất, bón phân và gieo hạt:

Giống lạc L20 là giống cho năng suất cao, thích nghi với nhiều loại đất khác nhau;  tuy nhiên tốt nhất nên chọn loại đất có độ tơi xốp và độ ẩm cao, độ pH từ 5,5 – 6,5 và khả năng thoát nước tốt như đất pha cát, đất thịt nhẹ...; đất không bị ô nhiễm, tưới tiêu chủ động.

Làm đất:

Cày sâu, bừa kỹ, nhặt sạch cỏ dại, bón vôi bột, phun thuốc diệt mối, nấm, dế; sau đó bón lót toàn bộ phân chuồng ủ hoai mục, phân lân, phân kali.

Lượng phân cho 1 ha: 15 tấn phân chuồng, 40-50N, 120-135 kg P2O5, 80-90 kg K2O, 500 kg vôi bột. (trộn thêm 220kg lân với phân chuồng ủ, thời gian ủ 15-20 ngày, sau đó mới đem bón lót).

Cách bón: Rải đều 70% lượng vôi trước khi bừa lần cuối. Sau khi lên luống, bón toàn bộ phân chuồng, phân sinh học tổng hợp, đạm, lân, kali theo rãnh gieo, phủ kín 1 lớp đất trước khi gieo hạt. Lượng vôi còn lại bón đều khi kết thúc thời kỳ ra hoa rộ.

Làm luống, rạch hàng: Sauk hi làm đất, bón phân tiến hành làm luống, mặt luống rộng 1,0m,  rãnh sâu 20cm, rãnh luống rộng 0,3m; chia luống thành 4 hàng dọc theo chiều dài luống.

Gieo hạt:

Mua giống lạc ở những địa chỉ bán giống có uy tín, có đầy đủ pháp nhân kinh doanh giống cây trồng, đảm bảo có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Tiêu chuẩn chọn giống không pha tạp, không sâu bệnh, hạt giống to, mẩy, vỏ sáng, không sây sát, tỷ lệ nảy mầm cao.

Trước khi gieo, đem ngâm hạt trong nước ấm 40 – 45o C ngâm trong 12 giờ, sau đó vớt ra đem ủ cho nứt nanh rồi đem gieo, không để mầm nhú dài.

Đất gieo lạc phải đảm bảo ẩm độ 75%, nếu đất khô gieo xong phải tưới ẩm ngay để lạc phát triển bình thường.

Mật độ gieo: 42-44 hạt/m2. Gieo 2hạt/hốc, hạt cách hạt 2-3cm và lấp 1 lớp đất bột dầy 3 cm.

 Che phủ nilon: Nếu dung phương pháp che phủ nilo, chọn nilon dày 0,07-0,1mm màu đen, 1kg nilon phủ cho khoảng 100m2 đất. Vụ xuân, phủ nilon, khi  làm đất xong thì tiến hành đục lỗ, sau đó tra hạt hạt.(dung dầm tách đất sâu 4cm tra hạt và vùi đất cho kín hạt).

3. Chăm sóc:

Sau khi lạc mọc vươn lên khỏi mặt đất kiểm tra tại đồng ruộng, trồng dặm những cỗ lạc bị chết. Khi lạc chuẩn bị ra hoa rộ bón 1/3 vôi bột còn lại.

Tưới nước: Đảm bảo độ ẩm khoảng 70% vào các giai đoạn: Khi gieo, cây có 3-4 lá thật và khi ra hoa. Sử dụng các loại phân vi lượng: Phun bổ sung vi lượng (Mo, B, Zn, Mg) và 1 số chế phẩm sinh học vào thời kỳ theo hướng dẫn sử dụng trên bao bì.

4. Phòng trừ sâu bệnh:

Sâu hại:

 Sâu xám,Sâu khoang: Phát sinh gây hại trong suốt qúa trình sinh trưởng của lạc, ở thời kỳ đầu vụ mật độ sâu cao, cắn khuyết đến trụi lá làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của lạc, sâu hại nặng ở giai đoạn lạc ra hoa bói trở đi, cắn trụi lá. Dùng ba sudin, Vibasu trộn với đất bột rắc vào  rãnh trước khi gieo hạt theo hướng dẫn sử dụng trên bao bì. Khi phát hiện sâu phá hoại trên lá, dùng thuốc Sheppa pha nước phun lên lá, thân vào buổi chiều tối.

 Sâu cuốn lá: Sâu cuốn lá lạc gặm ăn hết biểu bì để lại lá non màu trắng, nếu mật độ cao làm ảnh hưởng đáng kể đến năng suất lạc. Dùng các loại thuốc  Basudin, Gottox, Ebamectin, Abamectin phun theo hướng dẫn sử dụng trên bao bì.

Rệp hại lạc: Rệp tập trung thành đám bám vào phần lá non, đọt non của lạc chích hút dịch cây làm lạc sinh trưởng kém, quăn queo, ra hoa đâm tia kém. Rệp phát sinh nhiều trong điều kiện thời tiết có mưa phùn, ruộng lạc ẩm ướt, rậm rạp.

Phòng trừ: Vệ sinh đồng ruộng và bón phân cân đối, dùng thiên địch để diệt trừ. Khi rệp phát triển nhiều dùng  Dipterex, Ofatox 50EC, Trebon 10EC để diệt trừ.

Bệnh hại:

Bệnh héo xanh vi khuẩn: Do vi khuẩn Pseudomonas Solanacerum gây ra.

Dùng các biện pháp canh tác luân canh với cây trồng nước, vên sinh đồng ruộng, bón phân cân đối.

Bệnh lở cổ rễ:

Bệnh chớm xuất hiện dùng thuốc Rovral 50WP, Ridomil… theo hướng dẫn trên bao bì.
Bệnh đốm vòng, gỉ sắt.

Khi bệnh chớm xuất hiện, nếu gặp điều kiện thời tiết thuận lợi nên phun trừ ngay bằng 1 trong các loại thuốc BVTV sau: Opus 75 EC, Carbenda 50SC, Polyram 80DF, Mancozeb 80WP, Sumi Eight 12.5WP, Folicur 250EW, 250WG...

Bệnh hại củ.

Sử dụng nấm đối kháng Trichoderma, chế phẩm EM ủ với phân chuồng bón lót để tạo ra nhiều vi sinh vật có lợi trong đất, tác dụng kìm hãm và hạn chế sự phát sinh gây hại của tập đoàn nấm đất gây hại củ lạc.

5.Thu Hoạch: Sau khi trồng được 110 ngày thấy lá lạc chuyển màu vàng dưới gốc, tiến hành nhổ thử, khi thấy tỷ lệ củ già chiếm 95% thì thu hoạch, nên thu hoạch vào ngày nắng, khô; sau khi thu hoạch, rửa sạch tiến hành phân loại và đem phơi khô ngay và bảo quản tránh bị nấm mốc, hoặc bị côn trùng, chuột phá hoại.

L.K