00:00 Số lượt truy cập: 2662520

Hướng dẫn kỹ thuật sử dụng phân viên nhả chậm dùng cho mía 

Được đăng : 04/06/2019

 

1.    Kỹ thuật làm đất

-        Tiến hành vệ sinh đồng ruộng để diệt trừ cỏ dại, mầm mống sâu bệnh, làm cho đất tơi xốp, thông thoáng. Cày đất là khâu quan trọng giúp bộ rễ mía ăn sâu, chịu hạn, chống đổ và tăng khả năng cung cấp dinh dưỡng cho cây.

-        Cày lần đầu sâu khoảng 40-50cm, lần sau sâu 20-30cm, cày 2 lần vuông góc nhau, sau mỗi lần cày là một lần bừa để cho đất nhỏ.

-        Khoảng cách hàng trồng tùy theo điều kiện chăm sóc. Nếu xới bằng máy khoảng cách 1-1,2m, nếu chăm sóc thủ công có thể trồng dày hơn khoảng 0,8-1m. Đào hốc rộng 20-30cm, sâu 20-30cm. Bón lót toàn bộ phân nền hữu cơ, phân lân và thuốc Basudin trước khi đặt hom 1-2 ngày.

2.    Gieo trồng

-        Hom giống

+ Lấy từ ruộng mía 7-8 tháng tuổi là tốt nhất.

+ Chặt ngang giữa lóng, không chặt sát mầm. Mỗi hom mía có từ 2-3 mầm tốt.

+ Trồng khi hom càng tươi càng tốt. Giống nảy mầm chậm cần phải ngâm ủ.

-        Lượng hom: 3.000-5.000 hom/sào.

+ Đặt hom: giống chuẩn bị xong là có thể đặt ngay. Hom đặt thành một hàng giữa rãnh mía, hai hom cách nhau từ 10-20cm (tùy theo giống).

+ Đối với nền đất ẩm khi đặt hom nên ấn nhẹ cho lún xuống nửa thân hom, để giữ độ ẩm cho  mầm và rễ dễ phát triển. ở nền đất khô, hom đặt xuống phải lấp một lớp đất mỏng để cố định hom và giữ ẩm.

3.    Bón phân (tính cho 1 ha)

-        Yêu cầu:

+ Đối với đất chua (pH=4-4,5) bón 1.000kg vôi sau khi cày lần cuối.

+ Bón lót 10-15 tấn phân chuồng. Bón bổ sung 170-200 kg Supe lân.

+ Lượng phân viên nhả chậm (PVNC): 780-890 kg (lượng phân này tương đương với 150kg N, 46kg P2O5; 93 kg K2O - 170kg N, 53kg P2O5; 108 kg K2O).

+ Đất tốt giảm lượng PVNC nêu trên.

-        Cách bón PVNC

+ Bón sau khi đặt hom

+ Cứ mỗi hàng mía hom thì rạch 2 hàng, cách hom mía 10cm, sâu 10-15cm.

+ Bón PVNC dọc theo đường rạch với khoảng cách các viên phân từ 11-12cm (tương đường 8-9 viên/m).

+ Bón bổ sung theo 2 hàng này lượng lân supe Lâm thao nêu trên.

+ Khi bón xong nhớ lấp chặt hai hàng được bón phân.

+ Bón vá áo: Khi mía có lóng, nếu thấy mía xấu, bón thêm 50-100 kg urê/ha.

4.    Xen canh cải tạo đất mía

Bón tháng đầu khi mía còn non, nên trồng xen lạc hoặc đậu xanh vừa tăng thu nhập, vừa nâng cao năng suất mía.

5.    Tưới nước

-        Bình quân trong 1 vụ mía thường tưới 15-20 lần. Thời kỳ mía nảy mầm đẻ nhánh, 1 tháng nên tưới 4 lần.

-        Mía đẻ nhánh làm lóng 2-3 lần/tháng.

-        Mía làm lóng 1-2 lần/tháng

-        Mía sắp thu hoạch ngừng tưới nước từ 20 ngày trở lên.

Lưu ý: Đất trồng mía không được để nước ngập úng, phải thoát nước nhanh.

6.    Phòng trừ sâu bệnh

-        Đất mới khai hoang hoặc có mối dùng 20-30kg thuốc Diaphos, Padan để rải.

-        Sâu đục thân: Dùng Diaphos, Padan rải vào gốc mía.

-        Rệp: Dùng Supracide, Trebon, Bascide để xịt

-        Bệnh than: Đưa cây bị bệnh ra khỏi ruộng và đốt để tiêu hủy mầm bệnh.

Lưu ý: Những ruộng mía đã nhiễm bệnh than cần được xử lý cẩn thận.

7.    Một số lưu ý khi chăm sóc mía gốc

-        Cây mía là cây thu hoạch hàng năm, nhưng để lưu gốc nhiều năm. Nếu chăm sóc tốt năng suất vụ mía gốc thường tăng hơn so với vụ mía tơ. Thời gian chăm sóc vụ gốc sớm hơn, khẩn trương hơn, thu hoạch sớm hơn vụ mía tơ.

-        Sau khi thu hoạch không quá 3 ngày, phải đốt hoặc dọn sạch lá mía sạch ra khỏi ruộng; dùng máy, trâu bò cày xả hoặc cuốc hai bên hàng mía làm đứt lớp rễ già.

-        Dùng toàn bộ PVNC, phân lân để bón vào hai bên hàng mía ở độ sâu 10-15cm. Chú ý lấp chặt đất nơi bón phân.

-        Khi mía có lóng, nếu thấy mía xấu bón thêm 50-100 kg urê/ha.

-        Việc chăm sóc tưới nước như vụ mía tơ./.

Đặng Thủy