00:00 Số lượt truy cập: 2669921

Lào Cai: Tổng kết Phong trào thi đua "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" giai đoạn 2015 – 2020 

Được đăng : 04/06/2020

 Là một tỉnh miền núi vùng cao biên giới có trên 75% dân số là nông dân, tỉnh Lào Cai luôn coi trọng những vấn đề liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2015-2020 mục tiêu xác định phát triển nông nghiệp là mũi nhọn, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành chương trình toàn khóa về đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế, trọng tâm là Đề án: “Tái cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp” với những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, theo đó hàng năm tập trung ưu tiên 60-65% nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Trong 5 năm quasản lượng các loại nông sản đều tăng, nổi bật nhất là sản lượng lương thực có hạt tăng với tốc độ cao năm 2019 đã đạt con số 340.000 tấn, tăng 58.200 tấn so với 2015; các vùng cây lương thực, cây ăn quả, cây chè, dược liệu, rau, hoa, quả... được qui hoạch sản xuất theo qui mô lớn hình thành rõ nét; tỷ trọng ngành nông chiếm 12,5% tổng sản phẩm nội địa, tăng trưởng bình quân cả giai đoạn đạt trên 6,02%; cơ cấu cây trồng vật nuôi chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa phù hợp với lợi thế cáctiểu vùng khí hậu thổ nhưỡng ở mỗi địa phương; các tiến bộ kỹ thuật sản xuất, cây, con giống mới, phân bón được quan tâm phổ biến chuyển giao nhân rộng, công tác qui hoạch và rà soát qui hoạch được chỉ đạo đảm bảo việc tập trung sản xuất theo vùng, định hướng sản xuất theo mô hình liên kết doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, kinh tế trang trại, gia trại có bước phát triển khá toàn diện.  So với năm 2015 giá trị sản xuất diện tích canh tác đạt 80 triệu đồng/ha, tăng 1,6 lần 35 triệu đồng; tỷ lệ tán che phủ rừng đạt 56 %, tăng 2,7%. Nông nghiệp, nông thôn Lào Cai đã ngày càng tạo ra nhiều hơn nữa những tiền đề vật chất cần thiết nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo an ninh lương thực, góp phần tích cực vào đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế và đẩy mạnh chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh trong những năm vừa qua.

Về nông thôn, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được đầu tư tăng cường hoàn thiện, nhất là giao thông nông thôn, hệ thống thuỷ lợi mở rộng đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, giao thương dịch vụ hàng hóa mở rộng giữa các vùng, mạng lưới thu mua nông sản của các hộ kinh doanh, của doanh nghiệp phủ đến thôn bản kích thích sản xuất hàng hóa; các chính sách an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ khuyến khích sản xuất phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn của Trung ương, của tỉnh cùng với các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu, hiệu quả cao được các ngành, đoàn thể tuyên truyền, tổ chức đối thoại phổ biến kinh nghiệm, tôn vinh, khen thưởng nhân rộng đã khuyến khích động viên nông dân các dân tộc vươn lên trong sản xuất, phát huy tốt tác dụng hiệu quả trong làm giàu và giảm nghèo bền vững. Đời sống vật chất, tinh thần của đa số nông dân khu vực nông thôn ngày càng được cải thiện, nâng cao rõ rệt; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững thu được kết quả to lớn, tính đến đầu năm 2020, có 55/127 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bằng 38,46% tổng số xã, đạt 102% so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đạt 80 triệu đồng/người/năm, tăng 35 triệu đồng so với 2015, đặc biệt tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh năm 2019 còn 11,46%, tương đương 19.708 hộ; công tác chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh, phổ cập giáo dục, xây dựng đời sống văn hoá, thông tin, thể thao cho nông dân cũng được quan tâm và đẩy mạnh hơn. Hệ thống chính trị ở nông thôn được tăng cường, qui chế dân chủ cơ sở mở rộng, vai trò chủ thể của nông dân được phát huy tốt; vị thế chính trị giai cấp nông dân được nâng cao, tinh thần làm chủ nông thôn của nông dân ngày càng thể hiện rõ; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực nông thôn được giữ vững, bức tranh toàn cảnh kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn trong tỉnh tiếp tục có những chuyển biến mạnh mẽ trong những năm vừa qua.

Hội Nông dân các cấp trong tỉnh là đơn vị được phân công cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” của tỉnh đã chủ động, tích cực vào cuộc, hàng năm giao chỉ tiêu vận động, phát động để cán bộ, hội viên, nông dân đăng ký thi đua thực hiện các tiêu chí phong trào, tập trung phối hợp đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ trực tiếp cho nông dân về kỹ thuật sản xuất, kinh doanh, giống, vốn, vật tư, liên kết sản xuất; tổ chức đối thoại trực tiếp giữa hộ sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu với nông dân để học tập kinh nghiệm, phổ biến kiến thức kỹ năng và nêu gương ý chí quyết tâm làm giàu; tổ chức các hội nghị đối thoại trực tiếp với nông dân về chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn với nông dân, giúp nông dân tiếp cận chính sách hỗ trợ sản xuất.

Công tác tuyên truyền, vận động với chủ đề “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được phổ biến rộng rãi đến nông dân về các tiêu chuẩn chung và tiêu chí về định mức thu nhập; những cách làm hay, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh hiệu quả từ phong trào được nêu gương thường xuyên, liên tục thông qua nhiều kênh thông tin và có nhiều đổi mới về cả nội dung và hình thức, hàng trăm mô hình SXKD giỏi, tiêu biểu xuất sắc được tuyên truyền phổ biến kinh nghiệm thông qua hình thức tuyên truyền như đài, báo, bản tin, cổng thông tin điện tử các ngành, hoạt động đối thoại trực tiếp, tham quan học tập kinh nghiệm từ các mô hình, lĩnh vực thông tin thị trường hàng hóa nông sản được giới thiệu mở rộng góp phần làm thay đổi nhận thức và hành vi của nông dân về nội dung định hướng cốt lõi của phong trào thi đua để khơi dậy khát vọng làm giàu trong nông dân, ngày càng có nhiều hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, nhiều hộ có thu nhập cao và bền vững, hộ nghèo được hỗ trợ giúp đỡ, động viên từ hộ sản xuất kinh doanh giỏi cùng với các chính sách hỗ trợ vượt qua khó khăn để vươn lên thoát nghèo bền vững.

Trong 5 năm qua, các cấp Hội Nông dân cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo đã tổ chức được gần 60 nghìn buổi tuyên truyền cho trên 1,8 triệu lượt người, tổ chức 52 hội nghị đối thoại giữa nông dân sản xuất kinh doanh giỏi với nông dân cho trên 4 nghìn lượt nông dân về kinh nghiệm của các hộ sản xuất kinh doanh giỏi; tổ chức 38 hội nghị đối thoại chính sách cho trên 3,2 nghìn lượt người về các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn; xây dựng hàng trăm phóng sự, hàng nghìn bài viết biểu dương gương tập thể, hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu các cấp,… để động viên, khuyến khích hộ nông dân vươn lên sản xuất kinh doanh giỏi và làm giàu chính đáng.

Hội Nông dân các cấp trong tỉnh phối hợp với các đơn vị chuyên môn tổ chức trên 40 nghìn lớp tập huấn kiến thức chuyển giao khoa học kỹ thuật, hội nghị đầu bờ cho 150 nghìn lượt nông dân.

Chủ trì phối hợp tổ chức Hội thi “Nhà nông đua tài” gắn với chủ đề xây dựng nông thôn mới từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh có 100 đội dự thi với gần 700 thí sinh tham dự thu hút hàng vạn lượt người xem, trận chung kết được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Lào Cai để phổ biến kiến thức nông thôn mới, xác định vai trò chủ thể của nông dân, khuyến khích nông dân đóng góp nhân lực, góp tiền, hiến công, hiến kế, hiến đất,.. trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở mỗi địa phương, đơn vị.

Tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp giữa hộ nông dân SXKD giỏi với nông dân hàng năm để trao đổi, giúp nông dân có những kinh nghiệm, kỹ năng xây dựng phương án sản xuất, cách thức trong trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả, kiến thức kinh doanh và hạch toán kinh tế trong sản xuất kinh doanh giỏi, từng bước giải quyết bài toán và nguyên nhân tại sao cùng địa phương, con người, chính sách, đất đai, khí hậu mà có hộ sản xuất giỏi, có hộ chưa sản xuất giỏi,…để khuyến khích, động viên hộ nông dân tích cực vươn lên làm giàu chính đáng.

Tổ chức các hội nghị đối thoại trực tiếp chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn để tuyên truyền phổ biến hướng dẫn nông dân tiếp cận với các cơ chế chính sách của trung ương, của tỉnh phát huy vai trò động lực từ chính sách, thông qua đối thoại tổng hợp các ý kiến đề xuất với HĐND, UBND tỉnh sửa đổi và ban hành các chính sách của địa phương hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn phù hợp với thực tiễn để nông dân dễ tiếp cận, đưa chính sách vào cuộc sống.

Các cấp Hội thành lập và duy trì hoạt động hơn 1.100 Tổ vay vốn/Tổ liên kết và Tổ Tiết kiệm và vay vốn, phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn cho gần 30 nghìn hộ nông dân vay vốn, dư nợ đạt hơn 2.000 tỷ đồng để phát triển sản xuất, chăn nuôi và mở rộng qui mô các mô hình sản xuất, kinh doanh của hộ theo hướng sản xuất hàng hóa. Hàng năm, cho vay nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân bình quân 26 tỷ đồng, cho 39 dự án mô hình sản xuất hiệu quả để tuyên truyền nhân rộng.

Chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng các mô hình kinh tế hợp tác, tổ hợp tác, chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, nhóm sở thích,.. tham gia chuỗi giá trị hàng hóa nông sản; phối hợp xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, tham gia xúc tiến thương mại quảng bá tiêu thụ nông sản tại các hội chợ, điểm du lịch,… tham gia hoạt động tôn vinh sản phẩm nông nghiệp Việt Nam tiêu biểu xuất sắc hàng năm; tôn vinh nông dân xuất sắc Việt Nam do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với các bộ ngành trung ương tổ chức.

Năm 2020 đã có 100% xã, phường, thị trấn có hộ nông dân SXKD giỏi các cấp. Cuối năm 2019 điều tra, thống kê thông qua bình xét từ thôn bản, tổ dân phố, nông dân các dân tộc trong tỉnh đã bình xét, suy tôn 15.793 hộ đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, tăng 521 hộ so với năm 2017, chiếm 12,70% tổng số hộ nông nghiệp, nông thôn, tăng gấp 17 lần so với kỳ tổng kết lần thứ nhất năm 1992, trong đó: Hộ đạt tiêu chuẩn SXKD giỏi cấp Trung ương (với mức thu nhập bình quân 20,6 triệu đồng/người/tháng trở lên) có 110 hộ, tăng 13 hộ so với năm 2017 và tăng 17 hộ so với năm 2015.

Hộ nông dân SXKD giỏi cấp tỉnh (với mức thu nhập 10,3 triệu đồng/ người/tháng trở lên) có 1.072 hộ chiếm 6,78% so với hộ nông dân SXKD giỏi các cấp.

Hộ nông dân SXKD giỏi cấp huyện (với mức thu nhập 5,2 triệu đồng/ người/tháng trở lên) có 3.615 hộ.

Hộ nông dân SXKD giỏi cấp xã (với mức thu nhập 3,4 triệu đồng/ người/tháng trở lên) có 10.996 hộ, trong đó có 530 hộ nghèo vượt khó vươn lên đạt tiêu chuẩn hộ sản xuất giỏi, tăng 218 hộ so với năm 2017.

Thu nhập của hộ nông dân không ngừng tăng cao, có 12.807 hộ thu nhập mức trên 150 triệu đồng/năm trở lên, trong đó có 194 hộ thu nhập cao từ 800 triệu đồng trở lên, có 51 hộ và thu nhập trên 1,5 tỷ đồng/năm.

 Toàn tỉnh có gần 360 trang trại do hộ sản xuất giỏi làm chủ, đây là những mô hình sử dụng nhiều đất, có quy mô sản xuất và khối lượng hàng hóa lớn, chủ động được vật tư hàng hóa đầu vào, thực hiện tốt công tác bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, có thu nhập cao, thu hút nhiều lao động và tạo điều kiện giúp đỡ các hộ trong vùng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp tạo thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn có thương hiệu có chỗ đứng trên thị trường.

Thông qua phong trào nông dân các dân tộc trong tỉnh đã mạnh dạn tiếp thu và áp dụng tiến bộ kỹ thuật cây, con giống mới vào sản xuất, đến nay có 2.409 ha ứng dụng công nghệ cao, giá trị bình quân 250 triệu/ha; mô hình sản xuất theo hướng ứng dụng một phần công nghệ cao đạt 13,2 nghìn ha.

Năm 2019, UBND tỉnh Lào Cai đã tổ chức trao Giấy chứng nhận 51 sản phẩm OCOP cấp tỉnh của 31 doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình trên địa bàn 26 xã, phường, thị trấn. Các sản phẩm thuộc 4 nhóm ngành là thực phẩm, đồ uống, dược liệu và dịch vụ du lịch và bán hàng được chứng nhận từ 3 sao trở lên, trong đó: 01 đạt tiêu chuẩn 5 sao cấp tỉnh như chè Shan hữu cơ Bắc Hà của HTX chè Bản Liền; 11 sản phẩm đạt 4 sao như gạo lứt Séng Cù của HTX Tiên Phong Mường Vi, rượu Bản Phố của HTX Duy Phong, trà phun sương Actiso Sa Pa của Công ty TNHH MTV Traphaco Sa Pa... công nhận 39 sản phẩm khác đạt tiêu chuẩn 3 sao cấp tỉnh. Dự kiến hết năm 2020 có thêm 40 sản phẩm, lũy kế sẽ có 90 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao cấp tỉnh trở lên. Hội Nông dân các cấp được giao trực tiếp quản lý nâng cao 17 nhãn hiệu tập thể như thịt trâu sấy Bảo Yên, khoai môn Bảo Yên, rượu bản phố Bắc Hà, quế Nậm Đét Bắc Hà, quýt Mường Khương, đậu tương Mường Khương, bưởi Múc Bảo Thắng,...

Hộ sản xuất kinh doanh giỏi là hộ luôn gương mẫu đi đầu thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, đặc biệt là tham gia đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện các tiêu chí thu nhập, nhà ở, giao thông đường làng ngõ xóm, vệ sinh môi trường và giúp đỡ các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để nâng cao thu nhập; trong 5 năm vừa qua nông dân các dân tộc trong tỉnh đã đóng góp trên 350 tỷ đồng, trên 3 triệu ngày công lao động, hiến 128 ha đất, làm mới và nâng cấp 593km đường đến trung tâm xã, 2.476 km đường giao thông nông thôn và các kết cấu hạ tầng nông thôn khác; chỉnh trang hàng ngàn nhà cửa. Đến cuối năm 2019 toàn tỉnh có 52 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 36,4% số xã vượt 104% mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XV đề ra.

Từ tổ chức triển khai đến kết quả đạt được của phong trào thi đua những năm qua đã tăng cường mối liên kết, gắn bó tình làng nghĩa xóm, phát huy tinh thần tương thân, tương ái giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất và đời sống ở nông thôn, từng bước khắc phục tính ỷ lại, trông chờ vào chính sách hỗ trợ cho không của Nhà nước. Vai trò nòng cốt trong các phong trào thi đua của Hội Nông dân được thể hiện ngày càng một rõ nét, đặc biệt là ba phong trào thi đua do Hội phát động như: Phong trào thi đua nông dân sản xuất kinh doanh giỏi; phong trào thi đua nông dân xây dựng nông thôn mới và phong trào thi đua nông dân tham gia đảm bảo quốc phòng, an ninh. Thông qua các phong trào đã thu hút ngày càng đông đảo hội viên, nông dân tham gia, hội viên ngày càng gắn bó hơn với tổ chức Hội, hàng năm kết nạp mới hàng nghìn hội viên, nâng số hội viên toàn tỉnh lên trên 98 nghìn người; số cơ sở Hội, chi Hội vững mạnh tăng hàng năm; qua tổ chức phong trào đội ngũ cán bộ Hội các cấp trưởng thành, một số được điều động tăng cường sắp xếp bố trí vào các vị trí cao hơn trong các cơ quan Đảng, chính quyền các cấp đã góp phần xây dựng củng cố hệ thống chính trị cơ sở ngày một vững mạnh.

Vị thế chính trị của nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trong thời kỳ hội nhập được tôn vinh, đề cao; ngoài hoạt động kinh tế, hộ SXKD giỏi là hạt nhân tại cơ sở trong gương mẫu chấp hành chính sách, pháp luật, đi đầu trong các hoạt động an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo, đóng góp xây dựng nông thôn mới, hăng hái tham gia tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao vào các dịp lễ tết, ngày hội đại đoàn kết dân tộc, diễn ra sôi nổi rộng khắp tại các địa phương trong tỉnh, góp phần quan trọng nâng cao đời sống, mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho nông dân các dân tộc trong những năm qua.

NDLC