00:00 Số lượt truy cập: 2667238

Một số kết quả công tác khoa học và công nghệ trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Hội Nông dân tỉnh Điện Biên 

Được đăng : 15/07/2019

 

  Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới phía Tây Bắc của tổ quốc, có diện tích tự nhiên 9.541,25 km2, có đường biên giới dài 455,573 km, tiếp giáp với 2 quốc gia Lào và Trung Quốc (với Lào 414,712 km, Trung quốc 40,861 km). Địa hình hiểm trở; có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh, có đầu mối giao thông  giữa khu vực tây bắc với các tỉnh Bắc Lào và tỉnh Vân Nam Trung Quốc, có Cảng Hàng không nội địa, có 10 huyện, thị, thành phố với 130 xã, phường, thị trấn, trong đó có 110 xã đặc biệt khó khăn, dân số trên 57 vạn người, với 85% dân số sống ở nông thôn, có 19 dân tộc anh em cùng chung sống với nhiều phong tục tập quán khác nhau, tạo nên nhiều nét văn hóa đa dạng, phong phú (trong đó, Thái 38%, Mông 34,8%, Kinh 18,4%, Khơ Mú 3,9%, còn lại là các dân tộc khác).

  Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước  đời sống, xã hội của tỉnh nói chung, nông thôn nói riêng có nhiều đổi mới tích cực góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống, vật chất, văn hóa tinh thần của hội viên, nông dân các dân tộc trong tỉnh; góp phần nâng cao nhận thức, niềm tin của nông dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, tích cực tham gia hoạt động Hội.

  Hội Nông dân tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền đổi mới cả về nội dung, hình thức,  góp phần nâng cao nhận thức về mọi mặt cho nông dân các dân tộc trong tỉnh, động viên nông dân phát huy tính tự chủ, tự lực, tích cực ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, phát triển kinh tế; khắc phục tính trông chờ, ỷ lại của một bộ phận nông dân; góp phần làm thất bại các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, lợi dụng vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng, dân tộc, dân chủ, nhân quyền tuyên truyền thành lập “Nhà nước Mông”, tích cực thực hiện nhiệm vụ bảo vệ An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển Kinh tế - Xã hội, đảm bảo Quốc phòng – An ninh trên địa bàn.

Phối hợp tuyên truyền để nông dân ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đời sống

           Công tác tuyên truyền của Hội trong việc vận động hội viên, nông dân đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế gắn với việc mạnh dạn ứng dụng khoa học, kỹ thuật chủ động trong việc tiếp nhận chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất được đổi mới. Hội đã tích cực phối hợp với Sở Khoa học và công nghệ, sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đẩy mạnh hoạt động chuyển  giao khoa học kỹ thuật cho nông dân góp phần hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn. Giai đoạn 2016 - 2019 việc ứng dụng khoa học và công nghệ của tỉnh phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, đã có 24 đề tài, dự án cấp tỉnh được phê duyệt triển khai thực hiện trong  lĩnh vực nông lâm nghiệp thủy sản. Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ triển khai tại địa phương 06 dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi. Hội phối hợp với sở Khoa học và công nghệ, sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tổ chức hàng ngàn lớp tập huấn kỹ thuật cho cho trên 10.000 lượt hội viên, nông dân.

          Việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp đã có nhiều khởi sắc, với tốc độ, số lượng ngày càng tăng, tạo ra được nhiều mô hình, giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế, góp phần chuyển dịch mạnh về cơ cấu sản xuất theo hướng kinh tế hàng hóa gắn với thị trường, tăng thu nhập cho hội viên, nông dân và thực hiện phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững theo đúng định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Nổi bật trong lĩnh vực này chính là việc xây dựng các mô hìnhchăn nuôi thuỷ sản nước lạnh (cá Tầm, cá Hồi) có giá trị kinh tế nhằm đa dạng hoá đối tượng nuôi và khai thác tiềm năng nguồn nước lạnh sẵn có của địa phương;  ứng dụng khoa học công nghệ trong gieo ươm cây giống, trồng xây dựng vùng sản xuất dược liệu như Đương Quy, Bạch Chỉ, Sâm Ngọc Linh... góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo tiền đề cho việc thực hiện nhanh dự án phát triển vùng nguyên liệu chuyên canh. Cùng với việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới trong thâm canh trên đất  một vụ lúa, đất dốc nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, góp phần xoá đói, giảm nghèo. Các cấp Hội đẩy mạnh phối hợp tuyên truyền về đầu tư phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương (gạo, cà phê, chè...), nhất là xây dựng chuỗi giá trị cho các sản phẩm chủ lực từ đầu vào cho đến đầu ra của sản phẩm góp phần nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài tỉnh hướng tới xuất khẩu.

          Hoạt động tuyên truyền ứng dụng khoa học công nghệ được đổi mới theo hướng gắn với ứng dụng, chuyển giao công nghệ cao bán sát các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Do đó đã phát huy hiệu quả trong các lĩnh vực sản xuất và đời sống. Nhìn chung các dự án, đề tài khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh về lĩnh vực nông nghiệp đều xuất phát từ những đề xuất, nhu cầu thực tế của địa phương nên khá sát thực và mang tính ứng dụng cao.

Từ những hoạt động thông tin tuyên truyền, tập huấn và phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh triển khai các đề tài dự án khoa học tại cơ sở đã góp phần chuyển biến tích cực, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, hội viên, nông dân về vai trò của Khoa học và Công nghệ đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong quá trình thực hiện đẩy mạnh  công tác khoa học và công nghệ để giúp hội viên nông dân trong tỉnh phát triển kinh tế, cải thiện đời sống Hội Nông dân tỉnh nhận thấy còn có những khó khan:Đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ của Tỉnh còn thiếu những nhà khoa học có khả năng nghiên cứu chuyên sâu, đủ năng lực và kinh nghiệm để triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm đặt ra trong từng lĩnh vực. Nhận thức và điều kiện tiếp thu, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ của một bộ phận cán bộ, hội viên nông dân còn hạn chế. Bên cạnh đó ngân sách địa phương còn hạn hẹp, vốn đầu tư chủ yếu từ ngân sách Trung ương, chưa đáp ứng được nhu cầu. Do đó kết quả các đề tài, dự án triển khai đạt kết quả tốt nhưng thiếu kinh phí để triển khai nhân rộng. Vì vậy Hội Nông dân tỉnh đưa ra một số giải pháp sau:

 Đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tới hội viên, nông dân nhằm tăng khả năng cạnh tranh của nông sản; huy động sức mạnh toàn xã hội phát triển nông thôn; tăng thu nhập và giảm nghèo, bảo vệ môi trường; phát triển nông nghiệp nông thôn.

Tiếp tục phối hợp xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất nhằm khai thác có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế của địa phương; tập trung khai thác và phát triển cây, con bản địa có giá trị nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác; từng bước tạo vùng sản xuất hàng hóa có chất lượng, hiệu quả kinh tế.

Phối hợp tuyên truyền gắn với triển khai các chương trình đề tài, dự án trong bảo quản và chế biến các sản phẩm nông lâm nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất cho hội viên, nông dân.

Đẩy mạnh phối hợp tuyên truyền thông tin khoa học và công nghệ trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm đưa nhanh các tiến bộ khoa học và công nghệ tới hội viên, nông dân; chú trọng tập huấn kỹ thuật, đào tạo, nâng cao kiến thức về khoa học và công nghệ trong sản xuất cho hội viên, nông dân qua các mô hình trình diễn.

Anh Tuấn