00:00 Số lượt truy cập: 2638514

Quảng Trị: 21.803 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp 

Được đăng : 11/07/2018
Trong 5 năm qua, xác định phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho hội viên nông dân là nhiệm vụ hàng đầu của các cấp Hội, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh triển khai thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đến 100 % cơ sở Hội.

Đến nay, phong trào ngày càng phát triển sâu rộng, có sức lan tỏa trên nhiều lĩnh vực và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Phong trào đã tạo động lực khích lệ nông dân mạnh dạn đầu tư sản xuất; đổi mới cách làm, cách nghĩ, vươn lên làm giàu. Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ; khai thác tiềm năng, thế mạnh về đất đai, lao động của địa phương; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Từ đó đã xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt, nhiều gương sản xuất giỏi, nhiều nông dân đã trở thành chủ doanh nghiệp, chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chủ trang trại, gia trại làm ăn hiệu quả, cho thu nhập cao, tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục ngàn lao động ở địa phương.

Các cấp Hội đã xây dựng được 193 mô hình phát triển kinh tế trang trại, gia trại, mô hình kinh tế hộ điển hình như: Ứng dụng công nghệ sinh học trong nuôi trồng thủy sản tại Đông Giang; chăn nuôi lợn sinh sản ở Vĩnh Lâm; cải tạo đàn bò ở Cam Lộ; trồng chuối sạch, tái canh cây cà phê ở Hướng Hóa; cải tạo vườn tiêu ở Vĩnh  Linh; lúa chất lượng cao ở Hải Lăng, Triệu Phong; trồng rau màu cao cấp, hoa, cây cảnh ở thành phố Đông Hà;…

Toàn tỉnh hiện có 21.803 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, tăng 1.601 hộ so với đầu nhiệm kỳ; giúp đỡ cho 5.177 hộ nông dân thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh xuống còn 13,7%.

Để giúp cho hội viên nông dân có kiến thức, vốn làm ăn, các cấp Hội đã tổ chức 557 lớp dạy nghề cho 1.922 lao động; mở 1.250 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 132.686 lượt hội viên tham gia; tổ chức 50 buổi hội thảo trao đổi kinh nghiệm, 32 cuộc tham quan các mô hình kinh tế có hiệu quả trong và ngoài tỉnh. Phối hợp với các Ngân hàng tạo điều kiện cho 35.223 hội viên nông dân vay vốn với dư nợ trên 1.400 tỷ đồng. Ngoài ra, các cấp Hội cũng đã xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân trên 18 tỷ đồng, với 945 lượt hộ vay.

Từ các nguồn vốn đã tạo điều kiện cho hội viên nông dân đầu tư phát triển sản xuất, mở rộng quy mô, nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả, gắn với xây dựng thương hiệu nông sản hàng hóa. Hạt tiêu Quảng Trị đã được cấp Giấy chứng nhận mở rộng chỉ dẫn địa lý từ 4 xã lên thành 38 xã. Cục sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho 09 sản phẩm đặc sản của Quảng Trị gồm: Rượu men lá Ba Nang, cao dược liệu Định Sơn, đậu đen xanh lòng Triệu Vân, nước mắm Cồn Cỏ, nước mắm Cửa Việt, nước mắm Mỹ Thủy, khoai môn Vĩnh Linh, rau an toàn Đông Hà và chuối Hướng Hóa.

Đến nay, tỉnh Quảng Trị đã có 16 nhãn hiệu tập thể và 04 nhãn hiệu chứng nhận. Từ đó đã hình thành các vùng nguyên liệu nông sản hàng hóa chủ lực 6 cây và 2 con như: Cà phê Arabica, hồ tiêu, cao su, lúa chất lượng cao, cây ăn quả, dược liệu, gỗ rừng trồng; bò và tôm nuôi ở các địa phương./.

BBT