00:00 Số lượt truy cập: 2662928

QUY TRÌNH SẢN XUẤT CÂY BÍ XANH THEO TIÊU CHUẨN VietGAP 

Được đăng : 05/06/2019

 

1. Thời vụ: Vụ thu: Gieo 20/8 – 5/10, vụ đông xuân: Gieo 1/12 – 15/2, ngoài ra có thể trồng thêm vụ hè thu: gieo 25/6 – 5/7.

2. Giống:Lượng hạt cần gieo cho 1 ha khoảng 0,9 - 1,1 kg. Hạt nên ngâm từ 4 - 6 giờ rồi đem gieo.

3. Làm đất, mật độ trồng: Đất trồng Bí xanh phải để ải, tơi xốp, sạch cỏ, không có nguồn bệnh. Nếu làm dàn nên trồng luống rộng: 1,5 - 2,0m, khoảng cách trồng cây cách cây 40 – 50 cm và hàng cách hàng 80cm. Nếu không làm dàn (cây bò trên mặt luống) lên luống rộng trên 3,5m, trồng 2 hàng giữa luống, khoảng cách trồng (cây x cây) 40 - 50 cm, hàng trồng cách mép luống 15 - 20cm (hàng x hàng 2,5 - 3m). Chú ý nếu trồng bí bò cần có rơm, rạ,… phủ mặt luống cho bí bò và đỡ quả. 

4. Chăm sóc:               

4.1  Bón phân:  Phải đảm bảo lượng phân cân đối giữa N, P, K. Lượng phân cần cho 1ha: Phân chuồng hoai mục: 15-20 tấn, Phân đạm: 250-300 kg, Phân lân: 450-500 kg, Phân kali: 250-300 kg                          

- Bón lót: Toàn bộ phân chuồng + lân + 1/4 kali +1/4 đạm. Bón rải đều theo rạch hàng, trộn đều ở độ sâu 15-20cm và lấp kín đất trước khi gieo hạt hoặc trồng từ bầu ra ruộng.

- Thúc lần 1: Khi cây bắt đầu leo hoặc ngả ngọn bò (Sau khi cây mọc 30 - 40 ngày). Bón 1/4 kali +1/4 đạm.

- Thúc lần 2: Sau khi cây ra quả rộ, bón 1/3 kali + 1/3 đạm (số còn lại). 4.2 Các biện pháp chăm sóc khác:

- Vun lần 1 kết hợp với bón thúc khi cây 30 - 40 ngày, vun lần 2 kết hợp với bón thúc khi cây ra hoa rộ (55 - 65 ngày sau trồng). Bí xanh ra nhiều nhánh, mỗi cây cần để 1- 2 nhánh, mỗi nhánh cho đậu 1 - 2 quả, sau khi quả đậu 5 - 10 ngày có thể định quả sao cho mỗi gốc cây chỉ để 1 - 2 quả. Nếu để bí bò, khi cây dài 60 - 70 cm, dùng dây nilon buộc dây khỏi gió lật và tạo điều kiện ra rễ phụ (bất định) tăng khả năng hút chất dinh dưỡng cho cây.     

- Tưới nước: Cần dùng nước sạch như nước giếng khoan, nước sông lớn không bị ô nhiễm để tưới.

5. Phòng trừ sâu bệnh: Thành phần sâu bệnh hại Bí xanh cũng rất phong phú nhưng mức độ gây hại, thời điểm xuất hiện phụ thuộc nhiều vào giống, mùa vụ.

5.1 Một số sâu bệnh hại chính trên Bí xanh:               

-Bọ trĩ: thường xuất hiện ngay từ khi cây còn nhỏ và mật độ tăng dần khi cây phát triển thân lá mạnh. Bọ trĩ chích hút dịch ở lá, ngọn, thân non làm lá bị xoăn, cứng

- Rệp Aphis craccivora Koch: Chúng thường xuất hiện trong điều kiện thời tiết khô hanh, hạn hán.

- Bệnh sương mai giả Pseudoperonospora cubensis: bệnh xuất hiện trong điều kiện nhiệt độ thấp 18-200C, trời âm u có sương mù, mưa phùn, ẩm độ cao > 80%. Gây hại cả thân, lá và thường gây hại nặng trên bầu bí vụ thu đông và xuân hè sớm.

- Bệnh phấn trắng Erysiphe cichoracearum: bệnh xuất hiện suốt thời gian sinh trưởng của cây hại cả thân, lá và thường gây hại nặng trên Bí xanh vụ xuân hè sau đó đến thu đông sớm.

5. 2 Biện pháp phòng trừ tổng hợp:

- Biện pháp canh tác: Cày đất, để ải đất 2 - 3 tuần trước khi trồng. Áp dụng luân canh và xen canh triệt để, tốt nhất nên luân canh với cây lúa.

- Biện pháp sinh học: Sử dụng thuốc hợp lý, không phun thuốc trừ sâu bệnh định kỳ trên Bí xanh để bảo vệ nguồn thiên địch sẵn có trong tự nhiên, ưu tiên các loại thuốc sinh học, thuốc hoá học nhanh phân huỷ.

- Biện pháp hoá học: Theo dõi sự xuất hiện của một số sâu bệnh hại chính ở các mùa vụ đã ghi ở trên và phòng trừ chúng khi cần thiết:

Trên dưa bí vụ xuân hè chính vụ và muộn, vụ thu đông sớm thường bị một số sâu bệnh hại chính như: ruồi đục lá, sâu ăn lá, bọ trĩ, rệp … cần dùng một trong các loại thuốc sau:  Confidor 100SL, Elsin 10EC, Oshin 20WP, Elincol 12ME, Trebon 30EC,...Các loại thuốc trừ ruồi đục lá: Elincol 12ME; Kuraba WP, Tập kỳ 1.8EC.  Khi phun thuốc cần lưu ý: Các loại thuốc hoá học cần sử dụng đúng liều lượng, nồng độ, đúng cách theo khuyến cáo trên nhãn bao bì của từng loại thuốc.

6. Thu hoạch, đóng gói vận chuyển, bảo quản: Tuỳ theo mục đích sử dụng: tiêu dùng trực tiếp làm quả tươi, chế biến, xuất khẩu mà thu hái quả cho phù hợp. Bảo quản, vận chuyển tránh làm giập nát, nhãn mác ghi đầy đủ thông tin sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

 

N. Thương