00:00 Số lượt truy cập: 3016019

Tập huấn giảng viên nguồn về an toàn vệ sinh lao động cho cán bộ, hội viên Hội Nông dân 

Được đăng : 26/06/2024
Tiếp tục triển khai kế hoạch thực hiện chuỗi các hoạt động trong khuôn khổ Dự án “Thúc đẩy tiếp cận an sinh xã hội và điều kiện lao động tốt hơn cho nữ nông dân và lao động thời vụ nông nghiệp trong chuỗi giá trị tôm và lúa gạo tại Việt Nam”, liên tục trong các ngày 18 – 20/6 và 24 - 26/6, Ban Quản lý Dự án, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Hội Nông dân tỉnh các tỉnh An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và Sóc Trăng tổ chức thành công 2 khoá tập huấn giảng viên nguồn về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) cho cán bộ, hội viên hội nông dân 4 tỉnh tham gia Dự án. Khóa tại An Giang gồm 2 tỉnh An Giang và Sóc Trăng, khóa tại Bạc Liêu gồm Cà Mau và Bạc Liêu.

 

Theo đó, 64 cán bộ Hội Nông dân cấp tỉnh, huyện, xã và thành viên nòng cốt của các Hợp tác xã (HTX), Tổ hợp tác (THT), Chi Tổ hội nghề nghiệp đến từ 4 tỉnh tham gia Dự án được trang bị kiến thức cơ bản về ATVSLĐ bởi các chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này đến từ Cục ATVSLĐ - Bộ LĐTB&XH. 

Thời gian mỗi khóa học là 3 ngày, với sự hỗ trợ nhiệt tình của các chuyên gia, thông qua phương pháp học trải nghiệm lấy học viên làm trung tâm, cùng với tinh thần hăng hái và trách nhiệm, bằng các hoạt động thiết thực, sinh động như: khảo sát thực tế, thảo luận nhóm, làm bài tập tại chỗ, tập thuyết trình, hỏi và đáp… hầu hết các học viên đã nắm được những kiến thức cơ bản về ATVSLĐ, kỹ năng truyền đạt, chia sẻ vấn đề ATVSLĐ cho người khác. 

Phát biểu khai mạc khóa tập huấn tại Bạc Liêu, đồng chí Nguyễn Thị Việt Hà – Phó Trưởng Ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án nhấn mạnh: “Hiện nay, sản xuất lúa và nuôi trồng thủy sản đang là thế mạnh của bà con nông dân vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Có rất nhiều nguy cơ, tiềm ẩn những rủi ro gây mất an toàn, đe dọa xâm phạm đến sức khoẻ, tính mạng của người lao động trong chuỗi sản xuất lúa gạo và nuôi tôm. Theo một thống kê gần đây, Bộ LĐTB&XH đã công bố số liệu đáng chú ý về tình hình Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Theo đó, cứ 100.000 lao động nông thôn thì có 799 bị tai nạn về điện; 856 người bị tai nạn do sử dụng máy móc; 1.700 người bị ảnh hưởng sức khỏe do thuốc bảo vệ thực vật… Việc tuân thủ quy định của pháp luật về ATVSLĐ trong sản xuất nông nghiệp bảo vệ sức khoẻ, tính mạng những người nông dân khi tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp với các loại máy móc, nông cụ được sử dụng, vận hành trong sản xuất (máy kéo, máy làm đất, máy gieo trồng, máy thu hoạch và vận chuyển nông sản ở nông thôn, một số loại máy cố định: máy tuốt lúa, máy xay xát gạo, bơm nước, máy nghiền, trộn thức ăn gia súc…), những người tiếp xúc với các loại hóa chất như các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc chữa bệnh, hóa chất xử lý môi trường..v.v.”

Tập huấn giảng viên nguồn về ATVSLĐ cho cán bộ, hội viên hội nông dân được triển khai diễn ra tại An Giang và Bạc Liêu lần này về cơ bản nhằm mục tiêu đào tạo các giảng viên nguồn cho các đối tượng là cán bộ của HND tỉnh, huyện, xã, thành viên nòng cốt của HTX, THT, Chi tổ hội nghề nghiệp - những người sẽ đóng vai trò chính trong tổ chức thực hiện các hoạt động dự án như nâng cao năng lực, tuyên truyền, vận động nông dân”

Sau khóa tập huấn, các học viên trở thành những báo cáo, tuyên truyền viên về vấn đề ATVSLĐ. Các học viên tham gia sẽ trực tiếp tập huấn, kèm cặp, truyền đạt kiến thức về ATVSLĐ tới những người tham gia lao động sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là lao động trong chuỗi lúa tôm tại địa phương.

“ Ngoài việc trang bị kiến thức về ATVSLĐ cho các cán bộ, Hội viên nông dân nhằm tránh những rủi ro, tai nạn đáng tiếc xảy ra trong đời sống và sản xuất, các khóa tập huấn, tuyên truyền về ATVSLĐ còn là nhân tố thúc đẩy, tập hợp nông dân liên kết sản xuất, từ đó nâng cao vai trò, vị thế của người nông dân trong chuỗi sản xuất tôm và lúa gạo, đặc biệt là đối tượng nữ nông dân và lao động thời vụ. Hội Nông dân tỉnh An Giang nói riêng cũng như các tỉnh thành khác thuộc vùng Đồng bằng Sông Cửu Long nói chung rất mong muốn được tiếp tục tham gia, đồng hành cùng Dự án trong thời gian tới.” – Đồng chí Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang chia sẻ.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang Nguyễn Minh Đức trao giấy chứng nhận hoàn thành khóa tập huấn cho các học viên.

Trong bài phát biểu bế mạc khóa tập huấn tại tỉnh Bạc Liêu, đồng chí Nguyễn Hoàng Thoại – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu đánh giá cao việc tuyên truyền, đào tạo cán bộ, hội viên hội nông dân về lĩnh vực ATVSLĐ, để từ đó hướng dẫn nông dân hiểu biết, tuân thủ các biện pháp phòng ngừa, đảm bảo an toàn, tránh các rủi ro, tai nạn không đáng có trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trong chuỗi sản xuất tôm lúa của địa phương. Đồng chí cũng nhấn mạnh rằng, thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu sẽ quyết liệt triển khai, lồng ghép, nhân rộng việc tuyên truyền, hướng dẫn về ATVSLĐ tới tất cả các địa phương trong tỉnh.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu Nguyễn Hoàng Thoại phát biểu bế mạc khóa tập huấn.

Trong quá trình khóa tập huấn diễn ra, học viên lớp tại An Giang cùng chuyên gia tiến hành khảo sát thực tế vấn đề ATVSLĐ tại cơ sở trồng lúa nông dân sản xuất kinh doanh giỏi Trần Văn Ngàn, thị trấn Phú Hòa, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang; học viên khóa tại Bạc Liêu được trải nghiệm khảo sát ATVSLĐ cơ sở nuôi tôm thẻ chân siêu thâm canh công nghệ cao tại Công Ty TNHH Một Thành Viên Long Mạnh, địa chỉ tại ấp 15 - Xã Vĩnh Hậu A - Huyện Hoà Bình - Bạc Liêu.

 

Ánh Dương