00:00 Số lượt truy cập: 2785885

Xuân Lộc chuyển mình nhờ nông nghiệp công nghệ cao 

Được đăng : 12/09/2022
Sau khi hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới sớm nhất cả nước, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai đang phấn đấu xây dựng huyện đạt nông thôn mới kiểu mẫu của cả nước. Nhờ ứng dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến mà những năm gần đây khu vực này đã hình thành nên các vùng chuyên canh cây công nghiệp và cây ăn quả đem lại hiệu quả kinh tế cao, là nơi sản xuất, phân phối và chế biến nông sản hàng đầu của tỉnh.

dua-luoi-1
Mô hình trang trại dưa lưới ứng dụng công nghệ cao của Công ty TNHH Trang Trại Việt ở Xuân Lộc - Đồng Nai


Những năm gần đây, nông nghiệp của huyện Xuân Lộc không ngừng phát triển và trở thành lĩnh vực thế mạnh thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện. Huyện  có 9 sản phẩm nông nghiệp chủ lực được chứng nhận tiêu chuẩn GAP, 46 cơ sở sản xuất, kinh doanh đăng ký xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, 10 chuỗi liên kết sản xuất trên các loại cây trồng và hơn 200 trại chăn nuôi tập trung. Huyện đã hình thành và phát triển vùng chăn nuôi heo tập trung quy mô lớn nhất tỉnh. Vùng chuyên canh cây trồng quy mô từ vài trăm đến hơn 1 ngàn ha như: sầu riêng (xã Xuân Định), thanh long (xã Xuân Hưng), chôm chôm (xã Bảo Hòa), bắp (xã Xuân Phú, xã Lang Minh)... Trên địa bàn huyện đã xây dựng được 15 mã vùng trồng, gồm 9 vùng cây xoài, 4 vùng chôm chôm, 2 vùng thanh long nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Toàn huyện có 52 đơn vị được hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa; chủ yếu là các sản phẩm nông sản, trái cây tươi; hỗ trợ 3 đơn vị làm mã số mã vạch sản phẩm nhằm tăng cường tính công khai và phục vụ nhận diện sản phẩm. Địa phương rất chú trọng đầu tư cho chương trình OCOP, hỗ trợ các HTX, đơn vị xây dựng nhãn hiệu hàng hóa nhằm mục đích không ngừng nâng cao giá trị sản phẩm, phát triển bền vững các nông sản chủ lực của địa phương. H.Xuân Lộc hiện có 7/9 sản phẩm nông nghiệp chủ lực đã được cấp chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP gồm: rau, xoài, sầu riêng, bưởi - cam - quýt, chôm chôm, heo, gà. Trong đó, có 18/50 trang trại trồng trọt sản phẩm chủ lực áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt. Trong đó, đa số các trang trại có hợp đồng liên kết với doanh nghiệp bao tiêu.

Để kêu gọi các dự án nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp chế biến, huyện thực hiện nhiều chính sách ưu tiên, ưu đãi với nhà đầu tư, đối tác liên kết. Huyện đã quy hoạch sẵn 4 tiểu vùng sản xuất tập trung để phát triển các loại cây trồng, vật nuôi mang tính đặc trưng, phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương và có giá trị kinh tế cao. Ông Viên Hồng Tiến cũng cho biết thêm, ngoài các vùng, tiểu vùng nông nghiệp công nghệ cao hiện hữu, huyện tiếp tục rà soát quỹ đất công và thu hồi các dự án hết hạn, đưa vào quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhằm tạo quỹ đất sạch, lớn cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, huyện cũng hướng dẫn và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được hưởng các chính sách ưu tiên, ưu đãi của pháp luật và của tỉnh, nhất là về thủ tục đất đai, thuế, đầu tư cơ sở hạ tầng đường giao thông, thủy lợi, đường điện… để doanh nghiệp triển khai dự án được thuận lợi. Hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức sản xuất và làm chứng nhận tiêu chuẩn: GAP, Organic, HACCP, ISO, OCOP; xây dựng chỉ dẫn địa lý và mã số vùng để thuận lợi hơn khi xuất khẩu.

Từ một huyện thuần nông, đến nay nhờ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đã tạo sự chuyển mình cho nền nông nghiệp của huyện Xuân Lộc. Phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị và hiệu quả sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững vừa là mục tiêu, vừa là động lực để huyện Xuân Lộc trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu.

Hùng Phạm