00:00 Số lượt truy cập: 2662101

Yên Bái: Phát triển chuỗi sản phẩm quế hữu cơ được các thị trường khó tính như Nhật, Châu Âu, Mỹ chấp nhận 

Được đăng : 27/09/2019

 
154537que

Lãnh đạo HTX Quế hồi Việt Nam giới thiệu sản phẩm quế đã được sơ chế để xuất khẩu.

Với diện tích 70.000 ha
quế Yên Bái có diện tích và sản lượng vỏ quế cao nhất trong cả nước, tập trung chủ yếu ở các huyện Văn Yên, Trấn Yên, Văn Chấn. Sản lượng vỏ quế khô khai thác bình quân năm đạt 20.000 tấn, tinh dầu quế đạt 600 tấn. Chất lượng vỏ quế có hàm lượng tinh dầu từ 2,7 đến 3,2% được đánh giá là có sự khác biệt, tốt hơn so với các loại quế trồng ở những vùng khác. Xuất phát từ Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc thông qua Hội Nông dân Việt Nam các cấp triển khai, các cấp Hội đã hướng dẫn nông dân vùng trồng quế xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên xây dựng ”mô hình phát triển chuỗi giá trị Quế hữu cơ”. Ban đầu năm 2015 chỉ từ 04 nhóm nông dân sản xuất quế gồm 33 thành viên của xã Đào Thịnh được Hội Nông dân các cấp lựa chọn tham gia Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại (FFF) giai đoạn I (2015 – 2017). Khi đó, các nhóm nông dân chưa tiếp cận với thị trường, thu nhập các hộ thấp.

 

Chương trình đã tổ chức được 07 khóa tập huấn về kỹ năng thúc đẩy, phân tích thị trường và phát triển kinh doanh, phát triển và quản lý tổ chức, quản lý tài chính; tham gia 07 chuyến tham quan những mô hình sản xuất kinh doanh từ rừng thành công trong và ngoài nước; tham gia 03 hội chợ, giới thiệu sản phẩm; 04 hội nghị khách hàng, kết nối thị trường đã giúp nông dân nâng cao năng lực về khả năng kinh doanh và vận động chính sách; tổ chức các diễn đàn với chính quyền và các bên liên quan để giải quyết những khó khăn trong sản xuất rừng và trang trại. Từ đó nông dân có nhiều sự thay đổi về nhận thức, về tinh thần hợp tác, về sản xuất kinh doanh theo nhu cầu thị trường và gắn với chế biến. Cuối năm 2015, 04 nhóm này đã thành lập thành Tổ hợp tác Liên nhóm Quế xã Đào Thịnh, lập kế hoạch sản xuất kinh doanh, viết đề xuất với Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại thử nghiệm trồng, chăm sóc 1,7ha Quế hữu cơ tại xã Đào Thịnh, Trấn Yên.

 

Thấy được được hiệu quả của phát triển quế hữu cơ, tháng 4/2017, Tổ hợp tác đã liên liên kết với Công ty Quế Hồi Việt Nam thành lập Hợp tác xã Quế Hồi Việt Nam. Hợp tác xã với 23 thành viên, trong đó 18 nông dân của Tổ hợp tác, 04 thành viên của Công ty Quế Hồi Việt Nam, 01 pháp nhân là công ty. Mục tiêu là tập trung xây dựng vùng sản xuất quế hữu cơ, nhằm bảo vệ đất, bảo vệ môi trường, sinh thái bền vững; tạo ra sản phẩm quế an toàn, chất lượng, giá trị cao, đảm bảo sức khỏe cho con người.

 

Đến nay mô hình đã có một số kết quả nổi bật như: Đã triển khai và áp dụng thành công quy trình sản xuất hữu cơ cho 500 ha quế tại xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên từ tháng 09/2017 và có kế hoạch tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu tại các địa phương khác; sản phẩm Quế hữu cơ đang được 600 hộ thực hiện sản xuất tại xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên với diện tích 500 ha; Sản phẩm Quế được chứng nhận Hữu cơ quốc tế bởi tổ chức Control Union và được các thị trường khó tính như Nhật, Châu Âu, Mỹ chấp nhận; Sản phẩm của người dân được bao tiêu toàn bộ và tăng đến 20% so với sản xuất quế truyền thống.

 

Nhà máy chế biến sản phẩm quế hữu cơ của Hợp tác xã tại xã Đào Thịnh đã đi vào hoạt động với tổng diện tích trên 14.000 m2, công suất từ 80 - 100 tấn quế tươi/tháng, dây chuyền máy móc hiện đại thực hiện các khâu chế biến như: cắt, thái, tháp tinh cất tinh dầu. Nhà máy sản xuất 12 loại sản phẩm chính như: quế điếu thuốc, quế ống, quế tăm, quế bột, tinh dầu quế và có sức cạnh tranh mạnh, giá bán ổn định. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, Hợp tác xã đã sản xuất được 200 tấn quế khô thành phẩm xuất khẩu sang thị trường EU, Nhật Bản, Ấn Độ.

 

Hiện tại, nhà máy của Hợp tác xã đang giải quyết việc làm cho trung bình 100 lao động. Điều kiện, môi trường làm việc của thành viên, người lao động đảm bảo, thu nhập bình quân đạt 6 triệu đồng/người/tháng. Giá quế vỏ tươi của người dân liên kết sản xuất Quế hữu cơ cho hợp tác xã tăng đến 20% so với sản xuất truyền thống.

  Việc thực hiện quy trình sản xuất quế hữu cơ của Hợp tác xã Quế Hồi Việt Nam đã giúp xã Đào Thịnh có một sản phẩm chủ lực là sản phẩm quế hữu cơ theo chuỗi giá trị, tạo việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho các thành viên, người lao động, góp phần tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế, tăng thu nhập để xây dựng nông thôn mới bền vững tại địa phương.Vai trò của Hội Nông dân trong hỗ trợ, giúp đỡ nông dân sản xuất, phát triển kinh tế được khẳng định.

Đặng Thủy