Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm vừa được QH biểu quyết thông qua sáng nay (21-11) đã nhấn mạnh đến trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, bảo quản vắc xin, sinh phẩm y tế và cán bộ làm công tác tiêm chủng mở rộng.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm của Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH đọc trước QH sáng nay cho thấy, về phạm vi điều chỉnh của Luật, có ý kiến cho rằng HIV/AIDS cũng là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và đã có luật riêng quy định về việc phòng, chống HIV/AIDS. Vì vậy cần phân định rõ mối quan hệ giữa hai luật này để tránh những quy định trùng lặp. UBTVQH nhận thấy ý kiến này là xác đáng và đã tiếp thu bổ sung vào cuối khoản 1, Điều 1 của dự thảo Luật.
Liên quan đến việc phân loại bệnh truyền nhiễm, có một số ý kiến đề nghị cần bổ sung thêm các nguyên tắc, tiêu chí xác định đối với từng nhóm bệnh truyền nhiễm và quy định rõ tên các bệnh truyền nhiễm thuộc các nhóm A, B, C; một số ý kiến khác đề nghị chỉ cần phân loại các nhóm bệnh A, B, C và giao cho Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành danh mục cụ thể các bệnh truyền nhiễm thuộc các nhóm; nếu quy định cụ thể từng loại bệnh truyền nhiễm trong Luật, mỗi khi có sự chuyển đổi bệnh từ nhóm này sang nhóm khác hay xuất hiện bệnh dịch mới lại phải sửa đổi Luật thì rất chậm trễ, khó đáp ứng được yêu cầu phòng, chống dịch bệnh.
Về tiêm chủng mở rộng, có ý kiến đề nghị làm rõ tiêm chủng mở rộng là tiêm chủng tự nguyện hay bắt buộc; đề nghị những trường hợp tiêm chủng bắt buộc được Nhà nước miễn phí; làm rõ “các đối tượng khác” được tiêm chủng mở rộng là những đối tượng nào? Có bắt buộc không và có miễn phí cho các đối tượng đó hay không? Về các ý kiến trên, UBTVQH cho rằng đối tượng của Chương trình Tiêm chủng mở rộng là đối tượng bắt buộc phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bao gồm trẻ em và phụ nữ có thai. Nhà nước có trách nhiệm đảm bảo kinh phí để phục vụ việc tiêm chủng mở rộng cho những đối tượng này. Tiếp thu các ý kiến trên, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng xác định rõ các đối tượng bắt buộc phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế và được Nhà nước miễn phí.
Về trách nhiệm trong việc tổ chức sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế, có ý kiến đề nghị cần quy định rõ việc xử lý rủi ro, biến chứng do tiêm chủng và chỉ nên giới hạn trách nhiệm đối với các trường hợp tiêm chủng bắt buộc, còn trường hợp tiêm chủng tự nguyện là sự thỏa thuận của các bên theo hợp đồng dân sự.Có ý kiến lại đề nghị trong mọi trường hợp cơ sở y tế đều phải chịu trách nhiệm, không phụ thuộc vào quy định tiêm chủng bắt buộc hay tiêm chủng tự nguyện.
Về vấn đề này, UBTVQH cho rằng, việc xảy ra tai biến trong sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau liên quan đến các khâu sản xuất, bảo quản, cung ứng, sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế... Do đó, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, bảo quản vắc xin, sinh phẩm y tế và cán bộ làm công tác tiêm chủng, sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình gây ra cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật. Riêng đối với trường hợp bị tai biến thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng, trước hết Nhà nước cần có trách nhiệm bồi thường cho người bị tai biến, sau đó tổ chức, cá nhân nào có lỗi gây ra thiệt hại thì phải có trách nhiệm bồi hoàn lại cho Nhà nước.
QH đã biểu quyết thông qua toàn văn Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm với 443/445 đại biểu tán thành, đạt tỷ lệ nhất trí cao 89,86%. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2008.
Trước đó vào đầu phiên làm việc buổi sáng, sau khi biểu quyết thông qua 10 điều cụ thể, QH cũng đã biểu quyết thông qua toàn bộ Luật phòng, chống bạo lực gia đình với 438/448 đại biểu tán thành, đạt tỷ lệ 88,84%. Luật cũng bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2008.