00:00 Số lượt truy cập: 2662894

Ăn nem, gỏi, coi chừng chết vì giun xoắn 

Được đăng : 03/11/2016
Vào trung tuần tháng 6/2008, sau khi ăn cỗ (tiệc) có món thịt lợn, 23 người dân Sơn La bị tiêu chảy, sốt cao, đau cơ... dữ dội.  Viện Các bệnh truyền nhiễm & nhiệt đới xác định, những người này đã bị nhiễm giun xoắn có trong thịt lợn.

Con lợn 20 tuổi và bữa cỗ chết người

Theo lời anh H.A.S (39 tuổi, giáo viên ở bản Păng Khúa) - bệnh nhân suy kiệt nặng nhất vừa hồi phục), thực phẩm chính trong bữa cỗ tai hại nói trên là một con lợn khoảng 20 tuổi, đã ốm và bỏ ăn một tháng, khi thịt đã bị loét vai, có giòi trong tai, cơ teo gần hết nên rất ít nạc (mỡ chiếm 50kg trong 70kg tổng trọng lượng).

Chỉ 3-4 ngày sau bữa cỗ, 23 người đã ăn các món tiết canh và lạp (thịt sống ủ chua, tương tự món nem) đồng loạt đau bụng, đi ngoài. 1-2 tuần sau, họ đều sốt cao kéo dài (có lúc rét run), đau mỏi cơ toàn thân, đau tăng dần đến mức không thể đi lại được. Tình trạng đau miệng họng, đau khi hít thở khiến họ rất mệt, nói khó, ăn kém, dẫn đến suy kiệt, phù và teo cơ .

Các nạn nhân đã được đưa vào BV huyện Bắc Yên chữa trị ngay, nhưng không cải thiện được tình trạng đau cơ khủng khiếp (nhất là ở hai đùi). Ngày 16/6 bà chủ của bữa tiệc (77 tuổi) qua đời. 3 ngày sau, một thanh niên 33 tuổi tử vong. 5 bệnh nhân suy kiệt nặng được đưa vào BV Đa khoa tỉnh Sơn La, 5 trường hợp khác (trong đó có anh S.) được chuyển lên Viện Các bệnh truyền nhiễm & nhiệt đới Quốc gia (CBTN&NĐQG) cấp cứu.

Tại Viện, sau khi khai thác kỹ tiền sử và kết hợp với biểu hiện lâm sàng đau cơ nổi trội, các bác sĩ đã triển khai hướng xét nghiệm tìm bệnh giun xoắn. Các bệnh nhân đã được sinh thiết cơ; Kết quả sinh thiết cơ tứ đầu đùi cho thấy hình ảnh ấu trùng giun xoắn tạo nang trong tế bào cơ. Kết quả xét nghiệm mẫu huyết thanh thực hiện tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư. cũng đồng thời giúp các bác sĩ khẳng định bệnh giun xoắn ở các bệnh nhân này.

Nhờ được chẩn đoán đúng, kịp thời, điều trị bằng thuốc diệt giun đặc hiệu, các bệnh nhân đã  đỡ đau dần, đỡ mệt, ăn được, hết phù, dứt sốt, nâng cao thể trạng và chuẩn bị ra viện.

Ăn thịt sống dễ bị nhiễm giun xoắn

Bệnh giun xoắn được phát hiện vào năm 1835; sau đó, người ta nhanh chóng tìm ra giun xoắn ở khắp nơi trên thế giới. 

Trong 20 năm qua, bệnh này liên tục được phát hiện ở nhiều quốc gia, thậm chí còn bùng dịch. Theo thông báo của WHO, tháng 3/2001, dịch giun xoắn đã xảy ra ở Italy làm hàng ngàn người mắc; 50% số lợn điều tra trong đợt dịch này bị nhiễm giun xoắn. 
 
Nhiều nhà khoa học đã đề nghị đưa bệnh giun xoắn lên hàng bệnh cần báo dịch.
Theo PGS-TS Nguyễn Đức Hiền - Viện trưởng Viện CBTN&NĐQG, giun xoắn là bệnh nặng đặc biệt nguy hiểm, khó chữa, vượt hẳn ra ngoài giới hạn các bệnh giun sán thông thường bởi rất dễ gây tử vong. Ai cũng có thể nhiễm giun xoắn nếu ăn phải ấu trùng giun xoắn (có tên Trichinella) còn sống trong thịt động vật nấu chưa chín (thường gặp nhất là lợn nhà, nhất là khi chế biến thành các món tiết canh, nem, gỏi).

Loại ấu trùng này cũng từng được Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM phát hiện trong lươn, loài thủy sản rất được ưa chuộng tại các quán nhậu trên địa bàn.

Món lòng luộc chưa kỹ cũng chứa nhiều nguy cơ do ấu trùng giun xoắn sau khi vào dạ dày, xuống ruột non, nở thành giun trưởng thành và xâm nhập vào niêm mạc ruột. Ấu trùng do giun cái đẻ ra sẽ theo máu xâm nhập các cơ, phát triển thành kén, tồn tại ở đây khoảng 20 năm và duy trì khả năng gây nhiễm suốt thời gian này.

Điều đặc biệt nguy hiểm của giun xoắn là bệnh này có thể làm cho bệnh nhân suy kiệt, với các triệu chứng đau bụng, nôn, tiêu chảy 2 - 7 ngày sau khi ăn. Một tuần sau, bệnh nhân sốt cao, mê man, đau các khớp xương, đau cơ, khó nuốt, khó thở, phù mặt, nhất là ở hai mi mắt. Giữa tuần lễ thứ ba, thấy đau dữ dội, khó cử động, cơ thể gầy sút, sức khỏe suy sụp nhanh do không ăn được. 

Hình ảnh ấu trùng giun xoắn tìm thấy trong tế bào cơ tứ đầu đùi của bệnh nhân H.A.S. (Ảnh: Viện CBTN&NĐQG)

Bệnh nhân có thể tử vong vào tuần thứ hai và tuần thứ 7 tùy mức độ nhiễm. Phần lớn tử vong do suy nhược cực độ, kèm theo biến chứng phổi và loét da. Những người may mắn sống sót vẫn thấy đau các cơ và bứt rứt trong nhiều tháng sau đó.

Trong khi đó, theo PGS-TS Nguyễn Đức Hiền, phát hiện đúng giun xoắn không dễ, bởi đây là bệnh giun duy nhất gây sốt cao kéo dài ở giai đoạn đầu, dễ bị chẩn đoán nhầm thành các bệnh nhiễm khuẩn nặng như thương hàn, sốt rét...

Thêm nữa, giun xoắn lại là bệnh trước nay hiếm gặp và ít được chú ý tại Việt Nam. 

Theo một tài liệu giáo khoa về ký sinh trùng những năm 1980 thì nước ta mới chỉ có một số trường hợp mắc giun xoắn từ nước ngoài đem về và một ổ bệnh nội địa ở Nghĩa Lộ (Hoàng Liên Sơn). Gần đây, đã có những báo cáo về các vụ bùng phát do giun xoắn tại Mù Cang Chải (Yên Bái) năm 1970 (có 26 người mắc, chết 4 người); tại Tuần Giáo (Điện Biên) năm 2002 (22 người mắc, chết 2 người), năm 2004 (20 người).

Năm 2004 Viện CBTN&NĐQG đã tiếp nhận một phụ nữ mắc giun xoắn, với biểu hiện nổi trội là sốt kéo dài và đau cơ.

Sau 5 trường hợp bệnh nhân mắc giun xoắn đang điều trị, Viện CBTN&NĐQG nghĩ đến khả năng bệnh giun xoắn đang lưu hành trong khu vực Tây Bắc Bộ. Theo Viện, trước mắt nên có sự kết hợp các ngành để điều tra, phát hiện bệnh, điều trị các trường hợp mắc, kiểm dịch sát sinh phát hiện thịt nhiễm giun xoắn, và tăng cường tuyên truyền nhân dân tích cực phòng bệnh, tuyệt đối không ăn các loại thịt chưa nấu chín.

4 triệu chứng cơ bản của bệnh giun xoắn:

- Phù mi mắt là dấu hiệu đặc trưng của bệnh, có thể kèm theo phù và chảy máu kết mạc, đôi khi phù toàn bộ đầu, có khi phù cả cổ và chi trên.

- Đau cơ: Đau khi thở sâu, ho, nhai, nuốt, khi đại tiện. Đau cả ở cơ mặt và cổ.

- Sốt: Thân nhiệt tăng dần, sau 2-3 ngày thì đạt tới tối đa. Trong trường hợp nhiễm nhẹ, bệnh có thể tiến triển với sốt âm ỉ.

- Tăng bạch cầu ái toan: Bạch cầu ái toan tăng trong những ngày đầu của bệnh, thậm chí trong thời kỳ ủ bệnh và tăng cao nhất vào tuần thứ 3 của bệnh.

Ngoài những triệu chứng nêu trên còn xuất hiện những nốt ban trên da giống mày đay.

Trong trường hợp bệnh nặng, thường xảy ra các biến chứng vào tuần thứ 3, thứ 4 như: viêm cơ, viêm phổi, viêm não làm bệnh nhân có thể tử vong.