00:00 Số lượt truy cập: 3228287

An toàn vệ sinh thực phẩm: Người tiêu dùng vẫn bị đe doạ! 

Được đăng : 03/11/2016
Những kiểm tra mới đây nhất của cơ quan chức năng cảnh báo: Vấn đề an toàn thực phẩm rất đáng lo ngại bởi tuy qua nhiều khâu kiểm tra, nhưng hệ thống quản lý lại bị chặt khúc, rời rạc giữa các ngành, dẫn đến tình trạng an toàn vệ sinh thực phẩm không hề có đơn vị chịu trách nhiệm chính.
Rau sạch vẫn... không sạch


Kết quả kiểm tra mới đây nhất của đoàn kiểm tra liên ngành cho biết, trong 790 mẫu rau củ được bày bán tại các chợ đầu mối, có 3,9% các sản phẩm rau củ như rau dền, cải ngọt, cần tây, cà chua bị nhiễm dư lượng thuốc trừ sâu vượt quá mức cho phép.

Cũng với những mặt hàng này, nhưng có nguồn gốc xuất xứ nhập từ Trung Quốc thì mức độ vi phạm còn vượt hơn rất nhiều với tỉ lệ 19,23%, trong đó những mặt hàng như táo hồng, táo xanh, tỏi, hành... có dư lượng thuốc trừ sâu vượt mức cho phép nhiều nhất.

Ở những cơ sở kinh doanh rau sạch trên địa bàn TPHCM cũng vẫn mắc phải "lỗi" này, với xấp xỉ 3,3% mẫu rau được gọi là rau an toàn chứa tỉ lệ dư lượng thuốc trừ sâu quá mức an toàn cho người tiêu dùng. Đợt kiểm tra này còn cho thấy: Loại rau củ là mặt hàng bị nhiễm dư lượng thuốc trừ sâu nhiều và cao nhất, như khoai tây của Đà Lạt, khổ qua (mướp đắng) của Tiền Giang.

Ngoài các loại củ quả, rau ăn lá như rau dền, rau muống, cải ngọt (do các huyện ngoại thành TPHCM cung cấp) cũng có dư lượng thuốc trừ sâu cao...

Chưa có cơ quan chịu trách nhiệm chính

Đó là ý kiến của BS Lê Trường Giang - Phó GĐ Sở Y tế TPHCM. BS Giang cảnh báo: Hiện nay, vấn đề an toàn thực phẩm (về cả rau củ quả lẫn gia súc, gia cầm, thuỷ cầm...) trong khâu quản lý của ta vẫn còn bị cắt khúc, chưa một đơn vị nào chịu trách nhiệm chính. BS Giang đã lấy hình ảnh con tôm làm ví dụ: Trong giai đoạn nuôi thì do ngành nông nghiệp chịu trách nhiệm, lưu thông trên thị trường lại do thương mại quản lý.

Và đến khi nấu ăn không an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng thì lại thuộc trách nhiệm ngành y tế. Cuối cùng, ngành y tế luôn phải gánh chịu, giải quyết hậu quả và vẫn lại bị kêu ca liên tục...

Theo thông tin từ Quản lý thị trường TPHCM cho biết, trong năm 2006, chỉ tính riêng trong lĩnh vực kinh doanh sản phẩm gia cầm (thịt và các loại trứng gia cầm không rõ nguồn gốc), cơ quan chức năng đã xử lý, lập biên bản 2.733 vụ buôn lậu, kinh doanh trái phép trong lĩnh vực hàng gia cầm, tăng 305 vụ so với cùng kỳ năm trước.