Bệnh Minamata ở Nhật Bản và Tê tê say say ở Việt Nam: Bệnh lạ có căn nguyên từ môi trường ô nhiễm
Được đăng : 03/11/2016
Một sự trùng hợp kỳ lạ, hai quốc gia có vị trí địa lý cách nhau khá xa nhưng lại xuất hiện (gần như cùng thời điểm) một căn bệnh lạ (mà y văn thế giới chưa từng có) đã làm hoang mang trong dân chúng, kèm theo những khó khăn trong việc phòng bệnh và điều trị. Mặc dù chúng có triệu chứng lâm sàng khá giống nhau nhưng được gọi dưới những cái tên địa phương khác nhau: Bệnh Minamata ở Nhật Bản và bệnh Tê tê say say ở Việt Nam. Chỉ đến khi khoa học vào cuộc, người ta mới biết chúng có chung một căn nguyên mà nguồn gốc chính là từ sự ô nhiễm về môi trường sống.
Bệnh Minamata ở Nhật Bản
Cách đây tròn nửa thế kỉ, tại Nhật Bản đã xuất hiện một căn bệnh kỳ lạ ở người và súc vật. Người ta gọi nó là bệnh Minamata (lấy tên vịnh Minamata, thành phố Kumamoto - nơi xảy ra căn bệnh này). Theo các tài liệu ghi nhận: Vào những năm giữa thập niên 50 của thế kỷ trước, tại vùng này đã xảy ra hiện tượng bất thường: mèo chạy lung tung như bị điên, nhảy cả xuống biển mà chết. Ngư dân rất lo lắng do mèo chết hàng loạt nên chuột phát triển nhanh, cắn hỏng lưới đánh cá. Nhà chức trách chỉ lo biện pháp diệt chuột mà không để tâm tìm hiểu nguyên nhân của hiện tượng bất thường này. Vì thế, căn bệnh kì lạ không những không được ngăn chặn mà còn ngày càng lan rộng và gây tác hại trên người. Người mắc bệnh có triệu chứng rối loạn thần kinh, cảm giác bồn chồn, đứng ngồi không yên, có người nói năng lảm nhảm, lấy tay cào cấu vào tường trông rất thê thảm, nhiều người đã chết. Trong suốt nhiều năm, người bệnh không những không được chạy chữa mà còn bị cộng đồng xa lánh, xua đuổi vì nghi ngờ họ đã mắc phải một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Sau một thời gian dài nghiên cứu, giới khoa học đã có căn cứ xác định đây là hội chứng nhiễm độc thần kinh do thủy ngân mà nguyên nhân gây bệnh là do Công ty Chisso - một công ty hóa chất lớn ở Nhật Bản - đã đổ thẳng ra biển chất thải công nghệ có thành phần thủy ngân hữu cơ (Methyl mercury) không qua xử lý, từ đó gây nhiễm độc cho cá và nhiều sinh vật biển. Người và súc vật (đặc biệt là mèo) ăn cá nhiễm độc nên đã bị mắc bệnh và chết. Chỉ đến khi xác định được căn nguyên thì người bệnh mới được hưởng sự chăm sóc chữa bệnh và bồi thường thiệt hại.
Bệnh tê tê-say say ở Việt Nam
Đây cũng là một căn bệnh lạ xuất hiện ở nước ta, phổ biến ở Kim Bôi và rải rác ở một số huyện khác của tỉnh Hòa Bình, đến cả số đồng bào vùng lòng hồ sông Đà đã chuyển vào tỉnh Kon Tum làm kinh tế mới cũng có những biểu hiện bệnh tương tự. Nó là căn bệnh có tính địa phương, có nguồn gốc khá lâu, từ những năm 70, năm nào cũng có người mắc nhưng rộ lên từng đợt (1975-1976, 1987, 1997), xảy ra gần như quanh năm song phát mạnh vào những tháng hè. Vào các đợt bùng phát của bệnh, số người mắc và tái phát lên đến hàng nghìn, làm hàng chục người chết trong thời gian ngắn. Tại thôn Hợp Thung, xã Long Sơn, huyện Kim Bôi có tới 70% người bị bệnh. Nhiều gia đình bị mắc bệnh cả nhà, người bị lâu nhất cũng đã hơn chục năm, có gia đình 6 người thì có 2 con bị bệnh và chết liên tiếp trong 2 năm 1997-1998. Trước một căn bệnh lạ, người dân địa phương cứ gọi nó là bệnh "tê tê - say say" mô tả theo đúng các biểu hiện thường gặp: tê mỏi, buồn bực chân tay, đi lại khó khăn, đứng không vững, chếnh choáng, chóng mặt, mỏi hàm, mờ mắt, mệt mỏi, khó thở đến mức đang làm việc hay đi trên đường cũng phải dừng lại nghỉ. Theo kinh nghiệm, người dân ở đây đã tự chữa bằng cách tự tiêm Vitamin B1 mỗi khi có dấu hiệu phát bệnh. Ngành Y tế đã chẩn đoán đây là hội chứng viêm nhiều dây thần kinh và hướng dẫn một phác đồ dự phòng, điều trị bằng Vitamin B1. Tuy nhiên, nguyên nhân bệnh vẫn còn là ẩn số.
Trong kế hoạch khoa học và công nghệ giai đoạn 2001-2005, một đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước (mã số KC 10.09) đã được triển khai với mục tiêu "Nghiên cứu tình hình sức khỏe, bệnh tật cộng đồng dân cư vùng khai khoáng mỏ và phòng chống một số bệnh mới có liên quan. Các nhà khoa học thuộc Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường đã xác định nguyên nhân của bệnh tê tê - say say ở Hòa Bình là do nhiễm độc thủy ngân mạn tính. Kết quả xét nghiệm đã tìm thấy trong tóc, nước tiểu của bệnh nhân, trong một số thủy sản (cá, cua, ốc…) tại đây có hàm lượng thủy ngân rất cao. Người dân sống trong vùng khai thác vàng (có sử dụng các hợp chất thủy ngân trong quá trình tinh chế) nên đã bị nhiễm độc thủy ngân liều nhỏ dài ngày, chủ yếu qua đường thực phẩm. Hy vọng nghiên cứu này sẽ giúp đề xuất một phác đồ phòng chữa bệnh hoàn chỉnh và hiệu quả.
Bài học về bảo vệ môi trường
Bệnh Minamata đã để lại bài học không chỉ cho Nhật Bản mà còn cho cả thế giới về sự cần thiết phải xây dựng những đối sách hợp lý nhằm bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế. Một diễn đàn quốc tế về ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe đã được Trung tâm nghiên cứu và giáo dục Minamata của Trường Đại học Kumamoto Gakuen và Hội đồng Môi trường Nhật Bản phối hợp tổ chức tại Tp. Kumamoto (Nhật Bản) vào tháng 9/2006 vừa qua với chủ đề "Bài học gì từ 50 năm phát hiện ra bệnh Minamata?" đã thu hút sự tham dự của hơn 300 đại biểu đến từ 141 vùng lãnh thổ của 12 quốc gia (trong đó có Việt Nam). Bài học cho mỗi quốc gia là không vì tăng trưởng kinh tế mà bỏ qua nguy cơ ô nhiễm môi trường tiềm ẩn gây hậu họa lâu dài cho đất nước và con người, không những không đảm bảo phát triển bền vững mà chi phí cho việc khắc phục hậu quả có khi còn tốn kém không dễ dàng đo đếm được.
Còn ở nước ta, việc khai thác trái phép các khoáng sản kim loại (trong đó có vàng) có sử dụng các hóa chất chứa thủy ngân trong quá trình tuyển quặng rõ ràng đang gây nên một thảm họa. Hầu hết chất thải rắn và nước chứa các chất độc hại như cyanua, thủy ngân… đã ngấm vào nguồn nước, tích tụ vào các loài thủy sinh, gây tác hại trực tiếp tới sức khỏe của cộng đồng dân cư tại địa phương. Cùng với thiệt hại lớn lao về kinh tế do thất thoát nguồn tài nguyên quốc gia, đây còn là mầm mống của những căn bệnh lạ có căn nguyên từ môi trường sinh thái bị ô nhiễm nặng nề.