00:00 Số lượt truy cập: 3227761

Bệnh dịch tả 

Được đăng : 03/11/2016

Dịch tả còn gọi là dịch “bốn không” (0000) là bệnh nguy hiểm nhất trong hội chứng tiêu chảy. Bệnh đã được báo động từ thế kỷ thứ V trước công nguyên; chỉ tính riêng từ thế kỷ thứ XIX đến nay đã xảy ra 7 trận đại dịch trên thế giới và ngày nay đang tác hại ở 98 nước… 


Ở Việt Nam, từ năm 1975 dịch tả chủ yếu do chủng vi khuẩn Eltor, xảy ra quanh năm, nhưng thường xuất hiện nhiều vào các tháng 3-4 ở miền Nam và các tháng 6-7-8 ở miền Bắc. Tả là bệnh nhiễm độc, nhiễm khuẩn, truyền nhiễm lây lan nhanh, dễ gây thành dịch lớn và tỷ lệ tử vong cao từ 18-80% tùy hiệu quả công tác hồi sức cấp cứu, ở trẻ em có biến chứng thần kinh - màng não tủy, tử vong có thể rất cao. Nhờ công tác vệ sinh phòng dịch được đẩy mạnh mà dịch tả co dần diện tích tác hại vào từng vùng, từng địa phương.

Vi khuẩn tả có sức sống khá cao, chịu được nhiệt độ từ 15-420C, trong nước biển sống được đến 285 ngày, phục kích sẵn trong cá, tôm, cua, sò để sẵn sàng tấn công vào con người. Chúng sinh sản mạnh ở nhiệt độ 30-40oC, nên trong môi trường cơ thể con người ở 37oC là rất thuận lợi cho sự phát triển tai ác của vi khuẩn tả. Nguồn lây bệnh chủ yếu là qua thức ăn, nước uống, phân, ruồi, nhặng, gián và chính người bệnh. Nước nhiễm khuẩn ngay từ đầu nguồn, nước dự, trữ, nước đá không được tiệt trùng triệt để; hải sản đánh bắt được ở những nơi nước nhiễm khuẩn; rau quả được bón tưới bằng phân người hay nước nhiễm phân người bệnh; thực phẩm nhiễm vi khuẩn tả ngay khi chế biến, đun nấu không kĩ lại sau đó, nhất là từ các gánh hàng rong, quán ăn thiếu vệ sinh, rửa ráy qua loa, bát đĩa không sạch; người sau khi khỏi bệnh tả còn tiếp tục thải vi khuẩn tả ra môi trường trong 1-2 tuần nữa, sau 1 tháng có đến 10% số bệnh nhận vẫn còn là nguồn lây bệnh… Người mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh tả, nhưng trẻ em, người cao tuổi, người suy nhược cơ thể hoặc có sẵn bệnh đường ruột nhạy cảm hơn với dịch tả, diễn biến thường rất nghiêm trọng và dễ tử vong.

Người bệnh tả có nhiều triệu chướng đặc trưng, dễ nhận biết. Tiêu chảy tháo dạ thường xảy ra trước khi nôn mửa, từ 10-15 lần đến 30-50 lần/mỗi ngày, 3-10 lít nước phân, màu đục như nước vo gạo, chứa chất nhầy mũi, mảnh thượng bì tế bào niêm mạc ruột, cùng rất nhiều phẩy khuẩn và xoắn khuẩn tả, người bệnh lúc đầu không đau bụng, sau có đau nhẹ ở vùng thượng vị. Sau thời gian tiêu chảy, người bệnh mới bắt đầu nôn mửa dữ dội, có khi nôn liên tục, ói ra thức ăn rồi đến mật, cuối cùng thì toàn nước. Người bệnh mệt lả thở hổn hển, nằm co tay ôm bụng, liên tục bị những cơn chuột rút rất đau, lúc đầu ở bụng chân, lan dần đến đùi, cơ hoành, cơ hàm, co rút ngón tay, ngón chân. Do mất nhiều nước, tím tái da tứ chi, thân mình da mất đàn hồi, véo chỗ nào dúm nguyên chỗ đó, mắt lõm sâu, lờ đờ, đi tiểu ít, có khi hoàn toàn không có nước tiểu. Không có sốt, có khi thân nhiệt còn hạ đến mức 30oC – thậm chí 25oC, huyết áp tụt, giọng nói yếu ớt, thở nông, nhanh, tiếng tim nhỏ, mạch nhanh, có thể biến chứng viêm phổi, viêm ruột, viêm mắt, loét giác mạc. Ở thể tối cấp có thể sốt cao 41,7-42,8oC, hoặc có thể dịch tả khô ít gây ỉa, mửa,… nhưng bệnh nhân bị ngộ độc quá nhanh đưa đến tử vong./.