Bệnh võng mạc do tiểu đường
Được đăng : 03/11/2016
Bệnh võng mạc do tiểu đường là một tổn thương đặc hiệu của võng mạc do những tổn thương vi mạch của đáy mắt gây nên. Bệnh thường xuất hiện vào khoảng 5-15 năm sau khi bệnh nhân được phát hiện bị bệnh tiểu đường, nhưng có tới 20% số bệnh nhân tiểu đường týp 2 đã bị các tổn thương võng mạc ngay từ khi được phát hiện bệnh. Sau 20 năm bị bệnh, 90% số bệnh nhân tiểu đường bị các bệnh võng mạc. Thị lực của bệnh nhân sẽ bị giảm sút khi bệnh võng mạc chuyển sang giai đoạn tăng sinh mạch máu hoặc gây phù hoàng điểm. Ở các nước phát triển, bệnh võng mạc do tiểu đường là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa trước tuổi 50.
Biểu hiện của bệnh võng mạc do tiểu đường
Bệnh võng mạc ở bệnh nhân tiểu đường thường diễn biến từ từ, âm thầm và hầu như không có triệu chứng gì, khi có một số triệu chứng như nhìn mờ, giảm thị lực thì đã có các tổn thương khá rõ ở võng mạc. Nhiều bệnh nhân bị giảm thị lực nhanh chóng hoặc mù đột ngột do bị phù vùng hoàng điểm, bị bong võng mạc hoặc xuất huyết dịch kính.
Các tổn thương võng mạc do tiểu đường được chia làm 2 loại lớn là bệnh võng mạc không tăng sinh và bệnh võng mạc tăng sinh. Mỗi loại lại chia thành những giai đoạn tổn thương tối thiểu, trung bình và nặng, kèm biến chứng. Các tổn thương trên chỉ được chẩn đoán chắc chắn khi soi đáy mắt và chụp huỳnh quang mạch máu võng mạc.
Bệnh võng mạc không tăng sinh: Giai đoạn tổn thương tối thiểu soi đáy mắt chỉ thấy một số vi phình mạch, chụp võng mạc có thể thấy tắc các mao mạch. Giai đoạn tổn thương trung bình soi đáy mắt có các xuất huyết hình ngọn lửa hay bông gòn, chụp võng mạc thấy dãn mao mạch lan tỏa, có những vùng thiếu máu và những bất thường vi mạch như vi phình mạch, mạch máu tân tạo, vùng thiếu máu, xuất tiết. Giai đoạn nặng có nhiều vi phình mạch hơn, xuất huyết lan rộng kèm theo các tổn thương tĩnh mạch.
Bệnh võng mạc tăng sinh cũng có các giai đoạn tương tự, trong đó tổn thương đặc hiệu nhất là có nhiều mạch máu tân tạo. Các mạch máu tân tạo phát triển ở nhiều vị trí (quanh võng mạc, quanh gai thị, trong dịch kính và tăng sinh mạch máu lan rộng ở võng mạc-dịch kính). Giai đoạn có biến chứng có thể gặp xuất huyết dịch kính, bong võng mạc, tăng nhãn áp do các mạch máu tân tạo.
Bên cạnh tổn thương võng mạc còn gặp bệnh lý hoàng điểm với nhiều giai đoạn tổn thương: phù nề, tổn thương dạng nang, thiếu máu.
Điều trị bệnh võng mạc do tiểu đường
Điều trị nội khoa
- Cân bằng tốt đường máu, đưa HbA1C về càng gần bình thường càng tốt (<7%-6,5%). Đường máu cân bằng tốt khi bệnh nhân chưa bị bệnh võng mạc có tác dụng phòng ngừa, còn khi bị bệnh võng mạc giai đoạn đầu có thể làm giảm các tổn thương thiếu máu. Cần lưu ý ở giai đoạn bệnh võng mạc nặng, nếu làm giảm đường huyết quá nhanh có thể làm nặng lên tạm thời tình trạng phù nề và thiếu máu võng mạc. Khi đường máu ổn định cần kết hợp điều trị quang đông.
- Đưa huyết áp về bình thường (<130/80mmHg), huyết áp ổn định giúp làm chậm lại diễn biến bệnh võng mạc.
- Các thuốc chống kết tập tiểu cầu: Dùng dài ngày có kết quả tốt với bệnh võng mạc giai đoạn đầu. Aspirin 0,25g/ngày, ticlid 0,25g/ngày.
Điều trị quang đông
- Nguyên lý: Sử dụng tia laser argon để phá hủy các vùng thiếu máu võng mạc làm giảm kích thích tăng sinh mạch máu tân tạo giúp phòng ngừa hay làm thoái triển các mạch máu tân tạo. Quang đông cục bộ những vùng mao mạch tăng tính thấm giúp giảm phù nề tại chỗ.
- Hiệu quả khả quan với bệnh võng mạc tăng sinh, nhất là tăng sinh vùng hoàng điểm, phù, xuất tiết vùng hoàng điểm, xuất huyết dịch kính mới.
- Chống chỉ định: Bệnh võng mạc tăng sinh nặng, nguy cơ bong võng mạc do co kéo.
- Không hiệu quả nếu có chảy máu dịch kính nhiều, bong võng mạc, đục thủy tinh thể nhiều.
- Sau quang đông toàn bộ võng mạc có thể bị phù nề hoàng điểm, thường thì có hồi phục sau một thời gian.
Phẫu thuật dịch kính
- Nguyên lý: Các mạch máu tân tạo trong bệnh võng mạc tăng sinh lan vào dịch kính và gây dính. Chúng cũng gây co kéo có thể làm bong võng mạc.
- Phẫu thuật dịch kính với máy hiện đại cho phép đạt 3 mục tiêu: hút máu trong dịch kính, phẫu tích những mảng mạch tân tạo mới hình thành, gây đông những điểm mạch nuôi mạch tân tạo.
- Kết quả tốt trong: xuất huyết dịch kính tái phát, nguy cơ co kéo và bong võng mạc. Thường không phẫu thuật ngay khi mới bị xuất huyết dịch kính mà nên chờ cho dịch tự thấm bớt.
- Có thể gặp biến chứng tăng nhãn áp do mạch tân tạo sau phẫu thuật.
Phòng ngừa bệnh võng mạc do tiểu đường
- Kiểm soát chặt chẽ đường máu.
- Cần khám chuyên khoa mắt ngay khi được chẩn đoán tiểu đường để phát hiện tổn thương võng mạc sớm và có điều trị thích hợp.
- Làm xét nghiệm thường xuyên để phát hiện vi đạm niệu xem có tổn thương thận (tổn thương thận và võng mạc có cùng bản chất là tổn thương vi mạch).
- Kiểm soát thật tốt huyết áp và rối loạn mỡ máu nếu có.
- Khám đáy mắt định kỳ 6 tháng - 1 năm/lần (bởi một bác sĩ chuyên khoa mắt có kinh nghiệm).
BS. Bùi Minh Đức (Khoa Nội tiết, BV Bạch Mai)