00:00 Số lượt truy cập: 2676917

Các chuyên gia lo chủng tiêu chảy cấp nguy hiểm thay đổi 

Được đăng : 03/11/2016
Sáng 22/4, Bộ Y tế đã có buổi làm việc với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm đang diễn ra tại Việt Nam.

Dịch đã chững nhưng vẫn phải cảnh giác

Theo báo cáo TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế), tính đến ngày 21/4 cả nước đã ghi nhận 2.490 ca tiêu chảy cấp nguy hiểm trong đó 377 trường hợp dương tính với phẩy khuẩn tả. Hiện còn 16 tỉnh, thành phố chưa qua 14 ngày không có sự lây lan của dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm, 4 tỉnh, thành là Quảng Bình, Phú Thọ, TP.HCM và Thái Nguyên đã ra khỏi danh sách những địa phương có bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm.

Cũng theo nhận định của Cục y tế dự phòng và môi trường, số bệnh nhân mắc tiêu chảy đang có xu hướng giảm hàng tuần. Tuy nhiên, người dân không nên chủ quan nếu không dịch có thể lây lan rộng.

Hà Nội vẫn là địa phương đứng đầu với 50% bệnh nhân mắc, đứng thứ 2 là Hà Tây với 691 bệnh nhân. Và đây cũng là 2 địa phương được các đoàn kiểm tra của Bộ Y tế tập trung nhiều nhất trong tuần qua.

Chủng gây tiêu chảy cấp nguy hiểm đã thay đổi?

Tại cuộc họp, chuyên gia của Nhật Bản Yoshi Takeda cho biết, dịch tả ở VN xuất hiện từ tháng 11/2007 lúc thời tiết lạnh, trong khi bình thường dịch hay xuất hiện vào mùa nóng ấm. "Chúng tôi không loại trừ vi khuẩn tả này đã biến đổi và thích nghi trở thành chủng lưu hành tại VN. Trong quá khứ, týp vi khuẩn tả cổ điển (Clasicas) có độc lực mạnh, gây tiêu chảy cấp ratas nguy hiểm nhưng phạm vi ảnh hưởng lại không rộng. Trong khi đó, týp vi khuẩn Eltor không gây nguy hiểm đặc biệt nhưng lại có khả năng làm lây lang cao, từng gây 7 đại dịch trên thế giới.

Các chuyên gia lo ngại nếu hai chủng này kết hợp với nhau, Eltor thay đổi sẽ rất nguy hiểm bởi chủng mới sẽ lây lan nhanh hơn, rộng hơn và lưu truyền nhanh hơn. Khi đã thay đổi thì khả năng năm nào cũng xảy ra dịch tiêu chảy cấp là rất có thể diễn ra.

Hiện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đang nghiên cứu xem có sự biến đổi này không, chủng gây tiêu chảy cấp nguy hiểm của VN đang lưu hành liệu có giống chủng đã gây ra dịch tiêu chảy cấp trước đây, đồng thời so sánh với chủng gây tiêu chảy ở các nước khác. Sớm nhất là 1 tháng nữa sẽ có kết quả.

Xung quanh lý do gọi là dịch tả hay tiêu chảy cấp nguy hiểm do phẩy khuẩn tả, TS Jean-Marc Olive, Trưởng đại diện của của WHO tại VN giải thích: đó là một quyết định mang tính chuyên môn. Dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm ở VN đang diễn ra có nhiều nguyên nhân không phải chỉ do tả. Nên cách gọi là dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm nguyên nhân do phẩy khuẩn tả là chính xác.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn cho rằng, việc xét nghiệm cho mọi trường hợp tiêu chảy cấp nguy hiểm trong thời gian dịch bùng phát trên diện rộng là không thực tế.

Hiện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đang tiến hành các cuộc điều tra bổ sung để thu thập thêm thông tin làm cơ sở cho các hoạt động theo dõi giám sát mạnh mẽ hơn sẽ làm giảm nguy cơ bùng phát dịch trong tương lai.