Cần ngăn chặn sử dụng chất tăng trưởng trong chăn nuôi
Được đăng : 03/11/2016
Ngày 15 và 18-11-2006, Báo SGGP có tin và bài viết báo động về tình trạng không ít doanh nghiệp chế biến thức ăn gia súc và cả nhà chăn nuôi đã và đang sử dụng chất tăng trưởng nhóm Beta – Agonists trong chăn nuôi heo. Báo SGGP trở lại vấn đề này khi có những tình huống mới.
Những con số đáng lo
Theo Tiến sĩ Lã Văn Kính, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, trong 428 mẫu thức ăn gia súc đem phân tích, có 47 mẫu dương tính, hầu hết là thức ăn cho heo.
Tháng 7-2006, lấy ngẫu nhiên 2 mẫu thận heo và 3 mẫu thịt tại một số chợ TPHCM để xét nghiệm, có 1 mẫu tồn dư rất cao Clenbuterol và Salbutamol (thuộc họ Beta Agonists) mà theo quy định, trong thịt heo không được có chất này. Cuối tháng 8-2006, lấy mẫu 100 con heo tại các lò giết mổ lớn ở TPHCM, có 17 mẫu dương tính với nhóm Beta-Agonists.
Clenbuterol là chất được dùng điều trị các rối loạn về hô hấp (trị thông mũi, viêm phế quản…), nhưng trong chăn nuôi, Clenbuterol lại là “thần dược”, giúp heo lớn nhanh (nhất là phần mông và vai), do làm trương nở cơ và tăng tỷ lệ thịt nạc, thịt đỏ hơn nên được giá hơn.
Khi người tiêu dùng sử dụng sản phẩm chế biến từ những vật nuôi có dư lượng này, nếu bị nhiễm nặng sẽ bộc lộ các triệu chứng như đau cơ, rung cơ, nhịp tim nhanh, đau đầu kéo dài....
Công khai những nơi vi phạm
Việc sử dụng chất kích thích tăng trọng trong chăn nuôi đang phổ biến, đặc biệt là vùng chăn nuôi heo tập trung lớn nhất ở Đông Nam bộ, thực sự đe dọa đến sức khỏe cộng đồng.
Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho biết, VN chưa phát hiện người có vấn đề khi ăn thịt heo có dư lượng chất tăng trọng, nhưng năm 1995 ở Italia có 16 người ngộ độc sau khi ăn thịt bò chứa Clenbuterol.
Ở Pháp có 22 bệnh nhân bị run cơ bắp, đau đầu, tim đập nhanh sau khi ăn thịt bê có chứa chất này. Trung Quốc cũng có hàng ngàn trường hợp dân bị ngộ độc vì hormone Beta Agonist…
Thời gian qua báo chí thông tin liên tục về tình hình trên nên xảy ra tình trạng người tiêu dùng hoang mang và người chăn nuôi nói chung gặp khó khăn do thịt heo bị rớt giá.
Vì lý do đó, ông Nguyễn Thanh Quang, Phó Giám đốc kỹ thuật Công ty TNHH Thanh Bình (Đồng Nai) đề nghị cơ quan chức năng nhất thiết phải công bố cụ thể, công khai tên các đơn vị, nhà chăn nuôi cá nhân sử dụng thức ăn tăng trọng này, tránh tình trạng nêu chung chung như hiện nay sẽ không phân biệt được ai là người chăn nuôi chân chính.
Ông Lê Bá Lịch đề nghị Nhà nước kiểm tra lại các loại thức ăn chăn nuôi tại các trại, các đại lý và nơi sản xuất thức ăn ở các nhà máy. Các nhà máy cần lưu mẫu để kiểm tra đề phòng nguyên liệu bổ sung có hàm chứa chất cấm mà nhà sản xuất không biết.
Người chăn nuôi heo thịt cũng cần chú ý tới việc chọn giống và chế độ dinh dưỡng hợp lý để không cần dùng những chế phẩm này mà vật nuôi vẫn có thể đạt các yêu cầu của người tiêu dùng.