00:00 Số lượt truy cập: 3227528

Cảnh giác cao với bệnh liên cầu khuẩn lợn! 

Được đăng : 03/11/2016

Phó Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương Tô Long Thành cảnh báo, người chăn nuôi, tiêu dùng vẫn phải hết sức thận trọng khi tiếp xúc với con lợn và sản phẩm từ lợn. Khuyến cáo này đưa ra sau chuyến thị sát kinh nghiệm phòng chống dịch “tai xanh”, liên cầu khuẩn lợn ở Trung Quốc.


Ông Tô Long Thành cho biết, năm 2006, 2 triệu con lợn ở Trung Quốc đã nhiễm liên cầu khuẩn. Trong đó, 20-40% số lợn này mang khuẩn Streptococus suis type 2 có thể lây sang người.

Số lợn này lại có biểu hiện lâm sàng hoàn toàn khỏe mạnh, không thể phân biệt bằng mắt thường nên tránh được sự kiểm duyệt thông thường của lực lượng thú y. Do vậy, lợn vẫn được giết mổ và bày bán ở các chợ của Trung Quốc. 

Trước vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng đã chỉ đạo Viện Thú y khẩn trương triển khai dự án xác định sự phân bổ của khuẩn Streptococus suis tại Việt Nam để có các biện pháp khuyến cáo người dân phòng tránh. Trước đó, tỷ lệ phát hiện thấy Streptococus suis type 2 ở đàn lợn ở các địa phương có dịch "tai xanh", người mắc bệnh liên cầu khuẩn lợn rất thấp, chỉ chiếm 1/31 mẫu. 

Liên quan đến dịch “tai xanh”, Cục Thú y cũng xác nhận đàn lợn giống 76 con của Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi Quảng Trị bị nhiễm bệnh, đã được tiêu hủy ngay. Song, dịch tại Quảng Nam, Quảng Ngãi vẫn chưa được khống chế dứt điểm - đây tiếp tục là nguy cơ tiềm tàng làm lây lan dịch cho các địa phương khác.

Ông Tô Long Thành nói thêm, năm 2005, ở Trung Quốc đã tồn tại chủng tai xanh độc lực cao, khác hẳn với virus PRRS (Hội chứng Rối loạn Sinh sản và hô hấp) ở châu Âu, châu Mỹ. Diễn biến dịch "tai xanh" ở nước này cũng tương tự Việt Nam, khi dịch ban đầu phát ra thường lẻ tẻ, lây lan chậm sau đó bùng phát mạnh ra 8 tỉnh, trong vòng 6 tháng. 

Hiện có 13 công ty của Trung Quốc đang sản xuất văc-xin phòng chống bệnh "tai xanh" ở lợn. Đoàn chuyên gia của Cục Thú y đã xin được mẫu của văc-xin dạng kinh điển (virus chưa biến chủng) của Trung Quốc về nghiên cứu xem văc-xin này có sử dụng được ở Việt Nam không.

Thứ trưởng Bổng cũng khẳng định, chủ trương duy nhất đúng hiện nay của Bộ NN-PTNT vẫn là tiêu huỷ ngay lợn bệnh khi mới phát hiện.