Mặc dù các phương tiện thông tin đại chúng đã nhiều lần cảnh báo về nguy cơ ngộ độc do ăn cá nóc nhưng năm nào cũng xảy ra tình trạng chết người do ăn cá nóc, đặc biệt là ở các tỉnh Duyên hải miền Trung.
Nhiều bộ phận trong cá nóc như phủ tạng, buồng trứng, gan, máu và da rất độc. Chất độc trong cá có tên là tetrodomin. Trong quá trình thu gom, cá nóc bị quăng quật giập nát, chất độc từ buồng trứng, gan sẽ ngấm vào thịt gây ngộ độc.
Thực tế, khi đánh bắt xong, cá biển, cá nóc được ướp chung với muối hay nước đá, sau đó mới chế biến làm khô hay mang ra chợ bán. Trong thời gian này, nhiều con đã bị sình nên, chất độc ngấm vào thịt. Nhiều người ít hiểu biết đã mua cá nóc khô ở chợ về nấu cho heo ăn làm heo bị ngộ độc chết cả bầy. Nguy hiểm nhất là lấy cá nóc khô xay làm thức ăn cho gà khiến cả đàn bị chết.
Khi người hay gia súc ăn cá nóc, chất tetrodomin trong cá sẽ làm liệt trung khu thần kinh, trước hết liệt thần kinh chi giác rồi đến thần kinh vận động, sau cùng là trung khu thần kinh hô hấp, huyết quản gây chết người và vật nuôi. Liều lượng gây độc rất nhỏ, theo tác giả Phúc Điền Đắc (Trung Quốc) thì chỉ cần ăn 10g cá nóc đã có thể bị độc và chết.
Triệu chứng ngộ độc sẽ xuất hiện từ 30 phút đến 30 giờ sau khi ăn cá nóc. Mới đầu, toàn thân thấy khó chịu, mắt đỏ và xị da, đồng tử co lại rồi dãn ra, có khi buồn nôn, ỉa chảy, chân tay mệt mỏi, lên cơn rét, đầu ngón chân tay tê dại. Trường hợp bị nặng, hai chân bị tê dại, toàn thân liệt, người mềm, chân tay không cử động được, da tím ngắt, nhiệt độ và huyết áp thấp, khó thở, sau cùng là tê liệt hô hấp, ngưng thở, truỵ tim mạch và tử vong.
Vì thế, bà con không nên ăn cá nóc và cũng không nên dùng làm thức ăn cho vật nuôi. Khi bắt được cá nóc, bà con nên gom lại, đào hố sâu và chôn vùi thật kỹ để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.