00:00 Số lượt truy cập: 2676204

Chấn chỉnh quản lý thuốc và giá thuốc chữa bệnh 

Được đăng : 03/11/2016
Theo Cục Quản lý Dược, năm 2007, cơ quan chức năng phát hiện 46 loại thuốc sản xuất trong nước và 26 loại thuốc nhập khẩu vi phạm về chất lượng.

Ngoài số thuốc vi phạm về chất lượng, cơ quan chức năng còn thu giữ bảy loại thuốc làm giả nhãn mác, không chứa hoạt chất và không đạt chất lượng. Ðồng thời, tiền thuốc bình quân của người dân đạt 12,69 USD/người/năm. Ðể bảo đảm cung ứng thuốc đáp ứng nhu cầu của người dân, cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra chất lượng thuốc ở khâu đầu vào và phải bảo đảm 75% số thuốc lưu hành trên thị trường được hậu kiểm. Hiện nay, cả nước có 180 nhà máy cung ứng dược phẩm (trị giá sản xuất thuốc trong nước tăng 18% so với năm 2006) với 41.500 cơ sở bán lẻ thuốc. Tuy nhiên, chỉ có 75/180 doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước đạt GMP (tiêu chuẩn thực hành sản xuất thuốc). Theo Bộ Y tế, trong năm 2008, giá thuốc trong nước vẫn biến động theo thị trường thế giới. Từ nhiều năm nay, mặc dù ngành y tế kêu gọi đầu tư vào ngành dược, nhưng chưa được các nhà đầu tư hưởng ứng, quy mô đầu tư các dự án dược tại Việt Nam còn nhỏ (trung bình 2,4 triệu USD/dự án). Các sản phẩm chất lượng cao còn ít, chưa tương xứng tiềm năng về nguyên liệu cũng như thị trường thuốc.

Tuy nhiên, sau khi gia nhập WTO, có tới 58 doanh nghiệp nước ngoài đăng ký hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm tại Việt Nam. Ðể khuyến khích các nhà đầu tư, sắp tới ưu tiên của Bộ Y tế sẽ là phối hợp các ngành liên quan để ban hành những cơ chế khuyến khích đầu tư sản xuất các loại thuốc mới có dạng bào chế, đặc biệt đòi hỏi công nghệ cao. Bên cạnh đó, ngoài các hình thức liên doanh, đầu tư 100% vốn nước ngoài, Bộ Y tế cũng sẽ khuyến khích một số hình thức hợp tác sản xuất thuốc thông qua chuyển giao công nghệ, thương hiệu.

Ðáng chú ý là, giá một số loại hóa chất nhập khẩu tăng mạnh, nhất là nhóm hàng kháng sinh. Vì vậy, giá của các loại thuốc kháng sinh có xu hướng tăng vì phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Một khi nền công nghiệp hóa dược của ta chưa phát triển thì việc phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu vẫn là yếu tố hàng đầu chi phối giá thuốc. Bên cạnh đó, hệ thống phân phối thuốc của ta bộc lộ nhiều yếu kém, phải qua nhiều nấc, nhiều khâu trung gian, do đó đẩy giá thuốc lên cao. Tâm lý sính hàng ngoại cũng làm cho thị trường thuốc phụ thuộc vào một số đại gia nắm giữ các biệt dược ngoại đắt tiền. Cần đẩy mạnh việc tuyên truyền và hướng dẫn cho nhân viên y tế cũng như nhân dân sử dụng thuốc gốc để giảm giá thành liệu trình điều trị. Ðiều này phụ thuộc rất nhiều vào các thầy thuốc kê đơn. Ðể có được bước đột phá về xu hướng dùng thuốc, cần bắt đầu từ việc tăng cường giám sát quy chế kê đơn và bán thuốc theo đơn. Việc dùng thuốc của người dân hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào đội ngũ thầy thuốc. Nếu họ cứ kê đơn toàn các biệt dược nhập khẩu thì không thể giảm được chi phí dùng thuốc. Tại các thành phố lớn, các phòng khám tư nhân, việc các thầy thuốc lạm dụng các thuốc đắt tiền nhập khẩu là khá phổ biến. Nếu không chấn chỉnh kịp thời thì gánh nặng tiền thuốc tiếp tục đè nặng lên vai người bệnh, nhất là người bệnh nghèo. Việc quỹ BHYT bị thâm hụt hơn 2.000 tỷ đồng cũng có nguyên nhân một phần của việc dùng thuốc tràn lan, lạm dụng thuốc đắt tiền nhập khẩu của các bệnh viện đầu ngành.

Các cơ quan quản lý sớm có biện pháp ổn định thị trường thuốc và bảo đảm công bằng trong việc dùng thuốc của nhân dân. Nên xây dựng các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp dược trong nước và bệnh viện để đưa thuốc thẳng từ nhà máy đến bệnh viện, không phải qua trung gian phân phối, tránh việc đẩy giá thuốc lên cao. Các xí nghiệp dược phẩm trong nước cần đẩy mạnh cách tiếp thị, quảng bá hình ảnh và xây dựng thương hiệu để thuốc sản xuất trong nước chiếm từ 80 đến 90% danh mục thuốc sử dụng trong bệnh viện.