Sen chữa bệnh
Theo lương y Nguyễn Công Đức: Nếu bị tiêu chảy và kiết lỵ thì có thể dùng 60 gr cọng sen, sắc (nấu) uống, kèm với 2 muỗng đường trắng. Nếu bị trĩ ra máu, thì dùng 15 gr nhụy sen, 15 gr hoa hòe, và 10 gr địa du đem sắc uống.
Đi ngoài nắng bị say, nôn mửa, miệng khát phiền nhiệt, dùng lá sen tươi vừa đủ rửa sạch, giã nhuyễn vắt lấy nước, uống với nước đun sôi để nguội. Những người suy nhược cơ thể, suy nhược tuổi già, dùng củ sen tươi nấu chín, mỗi ngày ăn vào buổi sáng và chiều, mỗi lần độ 100 gr. Ngừa say nóng, giải nhiệt dùng 10 bông sen sắc uống thay trà. Để giải rượu, tâm phiền mất ngủ có thể dùng 40 gr rễ sen đem sắc uống. Viêm xoang, ngạt mũi thì sử dụng 100 gr cánh hoa sen, 100 gr bạch chỉ, thái nhỏ, phơi khô, trộn đều, quấn như điếu thuốc rồi hút, hít và thở khói qua đường mũi. Phụ nữ muốn làm đẹp nhan sắc thì lấy cánh hoa sen, ngó sen và hạt sen lượng mỗi thứ bằng nhau, phơi khô tán nhỏ, uống mỗi lần 10 gr, ngày 3 lần... Sen thực dưỡng Sen có rất nhiều tác dụng và ý nghĩa trong ẩm thực. Nhụy sen dùng để ướp trà, lá sen dùng để gói cơm, hạt sen dùng làm thuốc bổ, để nấu chè, hầm gà, chim; tim sen phơi khô, sắc uống có tác dụng an thần. Hoa sen càng nức tiếng hơn với bao nhiêu là món ăn cung đình được chắt lọc, truyền tụng từ nhiều đời nay: món yến nấu sen, cơm sen cung đình, chè sen, trà sen... Chẳng hạn như món vịt hấp hoa sen: Lựa vịt tơ, mập căng da. Làm sạch, dùng rượu và gừng xát trong, ngoài khử mùi, ướp ngũ vị hương cùng muối, tiêu, hành, tỏi cho thấm. Lót dưới xửng vài lớp cánh hoa sen và phủ kín vịt cũng bằng cánh hoa. Dùng lửa than hấp vịt độ hơn tiếng đồng hồ. Vịt chín mềm, mang ra ăn với cánh hoa đã chín nhừ. Bao nhiêu hương thơm của hoa ngấu hết vào từng sớ thịt vịt. Vịt béo ăn cùng hoa thơm ngọt. Hoa sen ở hồ Tây (Hà Nội) có tiếng thơm từ lâu, nhụy sen sau khi được lấy ra từ những bông sen tươi phải mang về ngay ướp với trà để giữ mùi hương. Trà sen Hà Nội được nhiều người biết tới. Gần đây có nhiều khách Nhật Bản và Hàn Quốc tìm mua trà được ướp từ những bông sen hái ở hồ Tây.