Coi chừng các món cá tái và sống
Được đăng : 03/11/2016
Một số loài cá nước ngọt ở Việt Nam mang ký sinh trùng gây bệnh cho người và nguy cơ nhiễm bệnh rất cao nếu duy trì thói quen ăn các món cá tái hoặc sống, các nhà khoa học thuộc Dự án Ký sinh trùng Nguồn gốc Thủy sản ở Việt Nam (FIBOZOPA) cảnh báo.
Để có hiểu biết đầy đủ về nguy cơ lây nhiễm lên người đối với các loài ký sinh trùng có nguồn gốc từ thủy sản (FZP), một cuộc nghiên cứu đánh giá toàn diện với sự tham gia của nhiều tổ chức ở Việt Nam vừa được tiến hành ở một số địa phương.
Các chuyên gia FIBOZOPA lựa chọn tỉnh Nam Định để tiến hành nghiên cứu trường hợp đầu tiên với lý do đây là một trong những tỉnh có tỷ lệ người nhiễm sán lá gan nhỏ và sán lá gan đường ruột, các ký sinh trùng có nguồn gốc từ thủy sản, khá cao.
Phối hợp với Viện Sốt rét Ký sinh trùng và Côn trùng (Bộ Y tế), kết quả nghiên cứu của FIBOZOPA tại hai xã Nghĩa Phú và Nghĩa Lạc của Nam Định cho thấy, tỷ lệ người nhiễm các bệnh do ký sinh trùng có nguồn gốc thủy sản lên đến 65% và 13% trong số đối tượng được theo dõi bị nhiễm sán lá gan. Trong khi đó, các ký sinh trùng này lại thấy có rất nhiều trong các mẫu cá lấy từ ao nuôi của các hộ thuộc hai xã trên.
Khảo sát bước đầu cho thấy, thói quen ăn cá sống và tái là nguyên nhân chính gây bệnh nhiễm ký sinh trùng có nguồn gốc thủy sản cho người. Khảo sát cũng cho thấy, lượng cá sống và tái được tiêu thụ ở Việt Nam ngày càng tăng, nhất là tại các quán ăn ở các thành phố.
Đặc biệt, tại các quán ăn ở Hà Nội, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện loài ký sinh trùng này trong các món cá phục vụ tại quán mặc dù tỷ lệ phát hiện ban đầu chưa cao, 2 trong tổng số 50 mẫu nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu thừa nhận cần có nghiên cứu bài bản hơn trên các món cá sống ở Hà Nội và tại nhiều thời điểm khác nhau trong năm.
Sau sáu tháng đầu tiên nghiên cứu tại ba hệ thống ao đầm nuôi cá nước ngọt ở các tỉnh khác như Tiền Giang, Cần Thơ, với hơn 2.000 mẫu xét nghiệm, các nhà khoa học cũng thấy 28% số cá mẫu lấy từ các ao nuôi theo mô hình VAC (vườn-ao-chuồng) nhiễm ký sinh trùng có khả năng lây sang người. Từ tháng 2 đến tháng 8-2006, các nhà khoa học lấy tiếp 2.000 mẫu và kết quả sẽ được công bố trong thời gian tới.
Ốc cũng có thể là vật chủ trung gian truyền bệnh, các nhà khoa học còn thu thập 9 loài ốc nước ngọt. Hai trong số các loài ốc có nguy cơ trung gian truyền bệnh cao nhất tìm thấy ở tỉnh An Giang và các nhà khoa học cho rằng, tình trạng này tồn tại trong thời gian dài mặc dù tỷ lệ lây nhiễm tại An Giang chưa phải cao.
Nghiên cứu các mẫu cá tiến hành từ tháng 3 năm nay và dự kiến kết thúc vào tháng 3-2007. Đầu năm tới, kết quả nghiên cứu trên ốc, lấy mẫu từ tháng 5-2006, cũng sẽ hoàn tất. Sau khi hoàn thành hai nghiên cứu trên, FIBOZOPA sẽ tiến hành nghiên cứu trên người và các vật chủ truyền bệnh khác trong vòng nửa đầu năm 2007.