00:00 Số lượt truy cập: 3228001

Đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim 

Được đăng : 03/11/2016
Bệnh mạch vành khá phổ biến, tỷ lệ khoảng 120-150 người trên 100.000 dân; trong đó cứ 800-1.000 người nam giới, có 300 người ở nữ giới ở độ tuổi 65-70. Hàng năm, ở Mỹ có trên 1.5 triệu người phải cấp cứu vì bệnh tim mạch; còn ở Pháp thì tiếp nhận khoảng 70.000 bệnh nhân bất ngờ bị tắt động mạch vành, 25.000 người bị chết vì nhồi máu cơ tim. 

Tỷ lệ tử vong trong mấy ngày đầu là 12.3% số bệnh nhân cấp cứu, trong đó 1/3 chết ngay trong ½ ngày đầu vào viện… Chính vì mức độ nghiêm trọng của bệnh mạch vành, chủ yếu là đau thắt ngực (ĐTN) và nhồi  máu cơ tim (NMCT) mà mọi người cần cảnh giác, hiểu biết để phòng bệnh khi chưa có bệnh, khi đã có bệnh rồi thì không để xảy ra bệnh nặng, đẩy lùi nguy cơ tử vong.

Có 3 động mạch vành đưa máu đến nuôi tim, cung cấp oxy cho tim hoạt động. Nếu tổn thương một động mạch vành, tỷ lệ tử vong sau 5 năm là khoảng 2% số bệnh nhân, tổn thương 2 động mạch vành - khoảng 7%, tổn thương 3 động mạch vành - khoảng 12%, còn nếu tổn thương 3 đọng mạch vành kèm rối loạn chức năng tâm thất trái thì hầu như tử vong 100% số bệnh nhân. Chứng tăng huyết áp làm lắng đọng lipid - cholesterol huyết nội mạch gây xơ vữa - xơ cứng động mạch vành; nếu mức huyết áp 120, mức cholesterol 300mg% thì nguy cơ động mạch vành cao gấp 3.5 lần ở bệnh nhân có mức cholesterol 180, còn nếu mức cholesterol không đổi (300) mà mức huyết áp tăng lên 200 thì nguy cơ bệnh mạch vành cao gấp 9.5 lần, nếu có nghiện thuốc lá hút 20 điếu mỗi ngày thì nguy cơ tăng vọt lên - gấp 15 lần.

Cơn ĐTN rất điển hình sẽ đột ngột xảy ra khi động mạch vành có bệnh, bị co thắt, lòng mạch bị bít hẹp thêm do mảng xơ vữa tiến triển, huyết khối sinh ra do ngưng kết tiểu cầu, hoặc mạch vành không hẹp lòng nhưng cơ tim dày ra hay tim đột ngột tăng hoạt động mạch vành không đủ sức đàn hồi đưa thêm máu bổ sung kịp thời nuôi tim… Người bệnh thấy đau ở sau xương ức về phía bên trái, cơn đau nhói như dao đâm, lan lên cổ, má và cánh tay trái… Cơn nhẹ chỉ diễn ra trong vài giây đến vài phút sau một cố gắng sức như lên cầu thang, chạy, lao động chân tay… Cơn tiền nhồi máu cơ tim thì nặng hơn, kéo dài 15-20 phút, họi là “suy mạch vành cấp”, có đến 14-15% trường hợp chuyển dần thành nhồi máu cơ tim thực sự.

Bệnh cảnh nhồi máu cơ tim xảy ra khi mạch vành bị tắc hẳn do một huyết khối bít chặt, một vùng cơ tim không được tưới máu bị hoại từ bầm tím, cơn ĐTN nặng nề hơn, kéo dài hơn. Bệnh nhân ưu tư lo lắng, đột ngột cảm thấy đau tức vùng giữa ngực, cảm giác lồng ngực bị hẹp lại hay bị đè nặng, cơn đau có thể lâu tới 15-20 phút đau lan lên cổ, ra cánh tay, khó thở choáng nhẹ; có trường hợp không đau ở ngực mà đau ở vai cánh tay trái hoặc đau thắt ngực mà mệt mỏi ghê gớm, kiệt sức, hô hấp khó khăn như bị tắc nghẽn đường thở hoặc ngất xỉu sau khi bị chóng mặt, toát mồ hôi lạnh, buồn nôn… Điều đặc biệt là ở người cao tuổi, đái tháo đường, cao huyết áp đang kỳ hậu phẫu… thường có cơn NMCT hoàn toàn không đau, không có cơn ĐTN, hoặc chỉ đau ít, đau bụng… Các cơn đau loại này chiếm 15-20% tổng số ca tai biến NMCT… Tỷ lệ tử vong cao do NMCT thường rất cao, đặc biệt là các trường hợp đưa đến bệnh viện cấp cứu chậm quá 2 giờ, chiếm tới 30-50% số bệnh nhân.

Để phòng bệnh, đối với những người có nguy cơ như các bệnh nhân cao huyết áp, béo phì, đái tháo đường, thống phong… cần chữa trị tích cực các bệnh đang mắc tránh diễn biến nặng dẫn đến các bệnh mạch vành, cai bỏ rượu, cà phê, thuốc lá, ăn uống điều độ…

- Giảm cholesterol trong máu 10% sẽ giảm 50% nguy cơ thiếu máu động mạch ở người 40 tuổi, 40% ở người 50 tuổi, 30% ở người 60 tuổi, 20% ở người 70 tuổi. Hạ cholesterol máu là thiết thực ngăn ngừa xơ vữa - xơ cứng động mạch.

+ Tỏi - ăn 2 tép to mỗi ngày. Trà linh chi - uống 1 gói/ngày.

+ Đỗ trọng 12g, cốt toái bổ 12g, đương quy 12g, hà thủ ô đỏ 16g, ngọc trúc 12g, hoàng tinh 16g, bạch đồng nữ 16g - tán bột, uống 1-2 thìa cà phê/ngày. Tác dụng: hạ cholesterol máu rất hiệu quả.

- Thức ăn ngừa và hạn chế các cơn đau thắt ngực: hành tây, mướp, sắn dây, bông súng, măng tây, lá và củ hẹ - nấu canh, xào với tôm thịt ăn; nhồi hạt sen vừng (mè), lá dâu non, lá lạc tiên vào tim lợn, chưng chín ăn. Cam, ăn 1-2 quả/ngày (có vitamin C và rutin tăng sức chống chịu của mạch máu, chống các tai biến do cứng nghẽn, đứt mạch máu). Quả nho chín, ăn 0.5kg/ngày (nho giàu gluco nuôi cơ tim, giảm những rối loạn do cao huyết áp gây ra, nhiều muối kali giúp cho người bệnh tim mạch). Đậu côve 200g - xào với tôm thịt ăn (có chất Inosid cần cho sự phục hồi, tái tạo cơ tim)./.