00:00 Số lượt truy cập: 3227423

Dịch tiêu chảy: Đã xuất hiện nguồn bệnh thứ phát 

Được đăng : 03/11/2016

Thông tin mới nhất của Bộ Y tế cho biết, trường hợp nhiễm bệnh do ăn đồ chín ở Nam Sách, Hải Dương chứng tỏ đã xuất hiện nguồn bệnh thứ phát, không còn dừng lại nguồn đầu tiên là mắm tôm và hải sản tươi sống.


Cục Y tế dự phòng cho biết, ngày 4/11 đã có thêm 148 ca bệnh, trong đó có ba ca dương tính.

Số tỉnh có người nhiễm bệnh mở rộng ra tới 11 tỉnh, thêm Nghệ An (một trường hợp, nhưng được xác định do ăn mắm tôm tại Hà Nội).

Dịch đang có dấu hiệu giảm nhẹ tại Hà Nội, nhưng lại lan rất phức tạp ở các tỉnh Hà Tây, Hải Dương, Nghệ An và lan nhanh ở Phú Thọ, Hải Dương, Thanh Hoá, Thái Bình.Theo Sở Y tế Hà Nội, tổng số ca nhiễm trên địa bàn thành phố là 395 ca (riêng ngày 4/11 tăng thêm 51 ca).

Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia hiện đang điều trị cho 286 bệnh nhân, trong đó đã xác định 117 ca dương tính với vi khuẩn tả. Tại viện này, số bệnh nhân Hà Nội vẫn đông nhất với 255 bệnh nhân, sau đó là Hà Tây, Hưng Yên…Số bệnh nhân nặng chiếm từ 15-20%.

Viện Quân y 103 cũng đã tiếp nhận 21 bệnh nhân. Trong đó, có một trường hợp đã tử vong. Nạn nhân là ông Trần Phong Trung, 87 tuổi, Thường Tín, Hà Tây. Bệnh nhân nhập viện lúc 0h ngày 4/11 (chuyển từ viện Thường Tín lên Viện 103). Tuy nhiên, sau đó nguyên nhân được xác định lại do nghẽn tắc mạch phổi.

Điều tra dịch tễ cho thấy, mắm tôm và đồ hải sản tươi sống như cá, gỏi cá, tiết canh vẫn là nguyên nhân chính gây bệnh. Song đáng chú ý là không dừng lại ở hai nguồn đầu tiên này hiện đã xuất hiện nguồn thứ phát trong trường hợp ăn cỗ tập thể ở Hải Dương. Được biết, bữa cỗ này không có mắm tôm, đồ sống, đồ gỏi mà thức ăn chủ yếu là đồ truyền thống từ thịt bò, thịt lợn, giò chả…

Điều tra ban đầu xác định, bệnh nhân này bị thể bị lây nhiễm qua có qua nguồn nước bị nhiễm khuẩn.

Chính vì vậy, tại cuộc họp giao ban chiều nay, Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn cho rằng, cần tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm hơn nữa tại các ổ dịch, tránh tình trạng lan bệnh do nguồn thứ phát.

Bên cạnh đó, một số người có liên quan, chăm sóc bệnh nhân cũng đã bị lây bệnh. Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, cần điều tra dự phòng chặt chẽ cho tất cả những người có liên quan tới bệnh. Đặc biệt, tập trung cao độ tại các vùng dịch để dập dịch.

Bộ trưởng Y tếNguyễn Quốc Triệu hôm nay cũng chỉ đạo các Cục vụ chức năng cần sớm ban hành quy trình xử lý ổ dịch. Tuy nhiên, việc tiêu huỷ mắm tôm bằng vôi bột và muối được khuyến cáo là không nên. Theo lý giải của Cục an toàn vệ sinh thực phẩm, do loại vi khuẩn này rất nhạy cảm với kiềm, nếu rắc vôi bột sẽ làm tăng khả năng tác động của vi khuẩn. Do vậy, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu chỉ thị việc xử lý mắm tôm sẽ được tiến hành bằng cách chôn và đổ Chloramine B.

Hiện, lượng thuốc Chloramine B trong kho dự trữ còn 18 tấn, song nhu cầu lên tới 30 tấn. Bộ cũng đã chỉ đạo, cần sớm đấu thầu việc mua sắm thêm thuốc và các loại kháng sinh để đảm bảo cung cấp đủ cho các tỉnh./.