00:00 Số lượt truy cập: 3227264

Dịch tiêu chảy bùng phát mạnh ở Thường Tín, Hà Tây 

Được đăng : 03/11/2016
Chỉ trong có 5 ngày, từ 22/3 đến 27/3, trên địa bàn huyện Thường Tín (tỉnh Hà Tây) có đến 47 bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp, 15 bệnh nhân nặng phải vào bệnh viện điều trị. Qua xét nghiệm ban đầu đã xác định 8 trường hợp dương tính với phẩy khuẩn tả. Mặc dù cơ quan chức năng tại địa phương đã có nhiều biện pháp phòng, chống, dập dịch, song số bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp mới ở nơi đây vẫn đang tăng lên từng giờ.

Bàng hoàng với dịch tiêu chảy cấp

Đường về xã Khánh Hà, huyện Thường Tín ngày hôm qua (27/3) đã được phủ trắng vôi bột. Đầu làng cuối xóm, chỗ nào cũng thấy người dân túm năm tụm ba bàn tán về dịch tiêu chảy đang hoành hành làm 40 người mắc bệnh trong chưa đầy tuần lễ vừa qua. Trường mầm non của thôn Liễu Nội (xã Khánh Hà) đã được trưng dụng làm điểm điều trị tập trung các bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp. Bác sĩ Nguyễn Đình Chiêm từ Bệnh viện đa khoa Thường Tín được tăng cường xuống để hướng dẫn và điều trị cho các bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp nơi đây. Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Chiêm cho biết: “Từ 3 ngày nay số bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp ở thôn liên tục tăng lên, từ sáng đến giờ chúng tôi đã khám cho hơn 20 bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp, trong đó có 3 bệnh nhân bị mất nước khá nặng phải nằm lại điều trị tại điểm điều trị tập trung, các bệnh nhân nhẹ hơn được đưa về điều trị tại nhà”.

Hướng dẫn khử khuẩn nước sinh hoạt 

Ông Lê Phúc Việt - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Thường Tín cho biết, từ ngày 22/3 đến nay, trên toàn địa bàn huyện Thường Tín đã có 47 bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp, tập trung ở 6 xã, đông nhất là xã Khánh Hà (với 40 bệnh nhân). Trong số này, đã xác định được 8 trường hợp dương tính với phẩy khuẩn tả: Khánh Hà (6 bệnh nhân), Ninh Sở (1 bệnh nhân) và Nhị Khê (1 bệnh nhân). Về yếu tố dịch tễ, hầu hết các bệnh nhân này đều có mua thức ăn ở các chợ cóc tại địa phương như lòng lợn, tiết canh, rau sống... Tuy nhiên, vẫn chưa thể khẳng định được chính xác nguồn phát bệnh. 

Điều đáng lo ngại nhất là nhận thức của người dân huyện Thường Tín về dịch tiêu chảy cấp còn yếu kém, chưa đầy đủ. Nhiều hộ dân được cấp Chloramin B để khử khuẩn nước sinh hoạt nhưng không hề sử dụng bởi lý do “nước có mùi khó chịu”. Lại có trường hợp mẹ mắc tiêu chảy cấp nhưng con cái sợ lây bệnh nên bắt nằm dưới đất khiến bệnh càng trầm trọng. Đáng nói hơn, có đến gần 1/3 số hộ gia đình trong xã Khánh Hà không có nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh không đạt yêu cầu và một tỷ lệ khá lớn người dân sử dụng hố tiêu dội nước, phân của người bệnh được thải trực tiếp theo nước vào cống, rãnh, chảy ra kênh rồi đổ xuống sông Nhuệ. Dòng nước này lại được người dân sử dụng để tưới rau màu, do đó nguy cơ mầm bệnh từ người bệnh lan rộng theo dòng sông Nhuệ là rất lớn. 

Khẩn cấp chỉ đạo phòng chống, dập dịch

Trước tình hình dịch tiêu chảy cấp bùng phát mạnh, lãnh đạo huyện Thường Tín và cơ quan y tế đã chỉ đạo người dân tiến hành tổng vệ sinh môi trường trong khắp các thôn có bệnh nhân. Trung tâm y tế dự phòng huyện đã rắc 6 tấn vôi bột và chloramin B tại các nơi xung quanh nhà có bệnh nhân, tổ chức cho 1.270 người dân uống thuốc dự phòng... 

Ông Nguyễn Văn Hiền - Giám đốc Sở Y tế Hà Tây cho rằng, vấn đề mang tính quyết định đến việc khống chế dịch lúc này là phải xử lý được chất thải của bệnh nhân cũng như nguồn nước uống của người dân. Sở Y tế Hà Tây đã chỉ đạo các địa phương có dịch phải xử lý triệt để vấn đề vệ sinh môi trường, khơi thông và rắc vôi bột phủ kín cống rãnh. Riêng những xã có nhiều hộ gia đình không có nhà tiêu hợp vệ sinh cần phải huy động các lực lượng xã hội tại địa phương đào hố tiêu, rắc vôi bột cho người dân đi tiêu tập trung rồi phủ kín vôi bột để tránh lây lan mầm bệnh qua nguồn phân thải. 

Cũng liên quan đến sự bùng phát và lây lan nhanh chóng của dịch tiêu chảy cấp tại huyện Thường Tín, ông Đào Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây đã yêu cầu huyện Thường Tín phải thành lập được đội dập dịch ở tất cả các xã, thôn, nhất là những xã đã có bệnh nhân tiêu chảy cấp. Mặt khác, ông Bình cũng yêu cầu huyện Thường Tín phải đẩy mạnh tuyên truyền trên cả phương tiện truyền thông và tờ rơi đến từng hộ dân, ghi rõ diễn biến của dịch đang xảy ra tại địa phương lên tờ rơi để người dân ý thức được rõ hơn. 

Với Bệnh viện huyện Thường Tín, cần phải có một khu cách ly bệnh nhân tiêu chảy cấp và có phương án xử lý nếu bệnh nhân tiếp tục tăng. Ngoài ra, ông Bình cũng khuyến cáo người dân huyện Thường Tín hạn chế đi ăn cỗ, hội hè trong dịp này để tránh nguy cơ nhiễm bệnh tập thể.

 

Thêm Bắc Ninh và Bắc Kạn có bệnh nhân tiêu chảy cấp

 

Ngày 27/3, Bộ Y tế cho biết, thêm 2 tỉnh nữa có bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm, trong đó Bắc Ninh 1 trường hợp, Bắc Kạn 24 trường hợp. Tại Bắc Kạn, số trường hợp mắc bệnh tập trung chủ yếu tại xã Văn Minh, huyện Na Rì. Ổ dịch đã được khoanh vùng, phun thuốc khử trùng và giám sát chặt chẽ.

 

Trước tình hình trên, Bộ Y tế tiếp tục cảnh báo về nguy cơ tiêu chảy cấp có thể bùng phát trong mùa hè. Bởi lẽ, đây là thời điểm mà nhu cầu sử dụng thực phẩm tươi, nước đá và các loại nước giải khát tăng mạnh, thực phẩm cũng dễ bị ôi thiu hơn.