Đến ngày 1/11,đã có hơn 130 bệnh nhân mắc bệnh tiêu chảy ở các địa bàn Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tây, Hưng Yên và Vĩnh Phúc. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu triển khai nghiêm các nội dung phòng, chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm với tinh thần quyết liệt ở mức cao nhất
Chiều 1/11, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Thông tin - Truyền thông, Văn phòng Chính phủ, Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Hải Phòng, tỉnh Hà Tây, Hưng Yên, Vĩnh Phúc để bàn biện pháp ngăn chặn dịch bệnh tiêu chảy cấp.
Sau khi nghe các Bộ và địa phương báo cáo tình hình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, dịch bệnh tiêu chảy cấp là căn bệnh hết sức nguy hiểm. Nguyên nhân chính là do vi khuẩn truyền qua con đường ăn uống. Do vậy, các Bộ, ngành và địa phương cần phải dập tắt dịch trong thời gian sớm nhất, khoanh vùng xử lý triệt để, kiên quyết không để dịch bùng phát và lan rộng, không để ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân và tình hình phát triển sản xuất. Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương cần triển khai nghiêm các nội dung phòng, chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm với tinh thần quyết liệt ở mức cao nhất, đồng thời tổ chức tổng kiểm tra công tác vệ sinh an toàn thực phẩm các cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh các sản phẩm thực phẩm có nguy cơ truyền nhiễm bệnh cao, tại các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại; đình chỉ sử dụng mắm tôm, mắm tép trong chế biến, kinh doanh thực phẩm; xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm.
Thủ tướng cho rằng, để ngăn ngừa dịch bệnh, mọi người dân cần thực hiện ăn chín, uống sôi, không ăn những loại thực phẩm mà Bộ Y tế đã cảnh báo, đồng thời giữ sạch môi trường nước sinh hoạt. Tự mỗi người dân, mỗi gia đình phải chủ động phòng ngừa dịch bệnh. Nếu phát hiện triệu chứng bệnh, phải đến ngay bệnh viện, các cơ sở y tế để các bác sĩ theo dõi, khám chữa.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến ngày 1/11 đã có hơn 130 bệnh nhân mắc bệnh tiêu chảy ở các địa bàn Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tây, Hưng Yên và Vĩnh Phúc. Đa số người bị mắc bệnh do sử dụng thực phẩm không an toàn như mắm tôm, thịt chó, gỏi hải sản sống... Đến nay các bệnh nhân này đã được cấp cứu kịp thời và không có trường hợp nào tử vong.
Ngành Y tế Hải Phòng đã tiến hành khoanh vùng, phun khử trùng xung quanh khu vực có nguy cơ cao xuất hiện các ổ dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm. Đối với các trường hợp tiếp xúc gần với nguồn lây, Trung tâm Y tế dự phòng đã cho uống kháng sinh dự phòng và lấy mẫu phân của những người trực tiếp tiếp xúc để tiến hành xét nghiệm; đồng thời thành lập Ban chỉ đạo chống dịch tiêu chảy từ thành phố xuống cơ sở.
Sở Y tế Ninh Bình đã tăng cường giám sát chặt chẽ các vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, phổ biến cách phòng tránh dịch tiêu chảy cấp tại 11 bệnh và trong cộng đồng. Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình và trang thiết bị, nhân lực đầy đủ để sẵn sàng tiếp nhận điều trị bệnh nhân. Đồng thời thực hiện nghiêm túc các quy chế chuyên môn về cấp cứu, khám, điều trị, cách ly, lưu giữ và tẩy uế các dụng cụ, rác thải, có liên quan đến bệnh nhân lây nhiễm để tránh dịch bệnh xảy ra./.