00:00 Số lượt truy cập: 3227397

Dịch tiêu chảy cấp diễn biến phức tạp và chưa có xu hướng chững lại 

Được đăng : 03/11/2016
Chiều qua 5-11, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm (Bộ Y tế), Cục Y tế dự phòng, cho biết: Trong ngày 5-11 có thêm 150 ca nghi mắc bệnh tiêu chảy cấp, nâng tổng số người bệnh tích lũy từ khi dịch bùng phát lên 791 trường hợp (tính đến 15 giờ ngày 5-11).

Hà Nội vẫn là địa phương có số người bị tiêu chảy cấp nhập viện cao nhất trong ngày với 61 ca, tiếp đến là Hà Tây: 47 ca, Hải Dương: 22 ca, Thái Bình: 12 ca... Ðáng  chú ý, nhiều trường hợp mắc không phải do ăn mắm tôm, mà ăn thực phẩm khác như rau sống, thức ăn đường phố, giò chả, thịt gà, lợn, v.v., tức là các thực phẩm thông thường khác và các nguyên nhân này ngày càng tăng dần. Cách giải thích cho hiện tượng này chỉ có thể là do nguồn nước dùng để chế biến thức ăn, rửa rau. Bên cạnh đó, đã phát hiện hai trường hợp là trẻ em 12 tháng tuổi và 18 tháng tuổi có các triệu chứng của bệnh tiêu chảy cấp.

TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho rằng: 75% số người nhiễm khuẩn là những trường hợp không mang triệu chứng. Như vậy, tổng số người bệnh có biểu hiện nặng phải nhập viện là rất ít so với số người lành mang vi khuẩn. Ðây là nguồn lây nhiễm không thể kiểm soát được, là nguy cơ lớn làm lây nhiễm nguồn nước qua đường thải phân hoặc qua chân tay bẩn.

TS Nguyễn Trần Hiển thông báo đã đặt vấn đề với các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về việc  tiêm vaccine phòng tả. Theo khuyến cáo của WHO thì có thể sử dụng vaccine tả đường uống, hiệu lực cao, cho những trường hợp khẩn cấp, chẳng hạn như những vùng xảy ra lũ lụt, thiên tai, môi trường, nguồn nước bị ô nhiễm và không có nguồn nước nào thay thế. Tuy nhiên, việc sử dụng vaccinephòng tả chỉ thật sự hiệu quả khi chưa có dịch.

Tại Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia, sáng 5-11, tiếp nhận thêm 15 ca mắc mới, nâng số người bệnh ở đây lên 298 trường hợp tiêu chảy cấp nguy hiểm; qua soi và xét nghiệm mẫu bệnh phẩm, đã xác định có 211 ca dương tính với tiêu chảy cấp nguy hiểm. Tại Bệnh viện Bạch Mai, số ca mắc là 23 trường hợp trong đó 16 trường hợp dương tính với vi khuẩn tiêu chảy cấp. Trong ngày, các đoàn công tác của Bộ Y tế tiếp tục đi kiểm tra giám sát công tác phòng, chống dịch ở Hải Dương, Hà Tây, Hải Phòng.

Tại buổi giao ban, PGS.TS Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Y tế, nhận định, hiện dịch vẫn chưa có xu hướng chững lại, điều này có thể do công tác xử lý ổ dịch, xử lý môi trường chưa triệt để nên dịch vẫn dai dẳng và có khả năng bùng lên bất cứ lúc nào. Chính vì vậy phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, đồng thời kiểm tra lại việc xử lý các ổ dịch cũ. Các đoàn kiểm tra của Bộ Y tế cần chỉ đạo sát sao các địa phương việc triển khai các biện pháp phòng, chống đồng thời hướng dẫn cụ thể quy trình giám sát, quy trình xử lý ổ dịch. Ðẩy mạnh việc tuyên truyền cho người dân về các biện pháp phòng, chống dịch, như bốn khuyến cáo do Bộ Y tế ban hành. Vì thực tế ở nhiều nơi, nhiều địa phương, người dân chưa thấy hết được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh nên vẫn chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

* Tại cuộc họp đột xuất của Ban Chỉ đạo khẩn cấp chống dịch tiêu chảy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng, Trưởng ban chỉ đạo, cho biết, Hà Nội đã huy động cả hệ thống chính trị tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm các nội dung phòng, chống dịch bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm.

Theo báo cáo của Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Lê Anh Tuấn, trong hai ngày qua, số người bệnh nhập viện tuy đã giảm hẳn so với những ngày trước đây nhưng vẫn còn cao. Ngày 4-11 chỉ có 40 người nhập viện, so với 112 người trong ngày 2-11. Những người bệnh bị tiêu chảy cấp nhập viện trong hai ngày qua cũng có dấu hiệu lâm sàng thấp, trước đó, một số người bệnh khi đến cấp cứu đã bị trụy mạch, suy hô hấp cấp. Ðến nay, Hà Nội chưa có trường hợp chết và cũng chưa có ca thứ phát.

* Chiều 5-11, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu kiểm tra tình hình phòng, chống dịch tiêu chảy cấp tại tỉnh Hải Dương. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tiêu chảy cấp tỉnh, đến chiều 5-11, trên địa bàn tỉnh có 98 người bị bệnh tiêu chảy (trong đó có 14 người dương tính với bệnh tiêu chảy cấp) tại 16 xã, thị trấn thuộc các huyện Nam Sách, Kinh Môn, Chí Linh; trong đó, huyện Nam Sách có 89 trường hợp bị tiêu chảy, bảy người bị bệnh tiêu chảy cấp. Theo đánh giá của Ban chỉ đạo tỉnh, dịch tiêu chảy cấp còn diễn biến phức tạp, số người bị tiêu chảy trong ba ngày qua tăng nhanh. Sau khi nghe lãnh đạo UBND tỉnh báo cáo, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu đã xuống kiểm tra việc phòng, chống dịch tại UBND huyện, Bệnh viện đa khoa huyện Nam Sách, thăm các gia đình có người bị bệnh tiêu chảy cấp tại xã Quốc Tuấn. Ðể khống chế dịch tiêu chảy cấp lây lan, Bộ trưởng yêu cầu các ngành, các cấp tỉnh Hải Dương bằng mọi cách khống chế dịch, không để có thêm người mắc bệnh; chuẩn bị đủ lượng thuốc, dịch truyền, hóa chất để phòng, chống dịch; tỉnh cần tập trung cao độ, huy động hệ thống chính trị vào cuộc; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức người dân sử dụng nguồn thực phẩm sạch; quản lý chặt chẽ việc kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, có nguy cơ lây lan dịch (như mắm tôm); làm tốt công tác tư tưởng để người bệnh, gia đình có người bị bệnh tiêu chảy chấp hành tốt các quy định của ngành y tế; yêu cầu ngành y tế làm đúng quy trình xét nghiệm người bệnh ba lần âm tính với bệnh tiêu chảy cấp mới cho ra viện; không để nhân dân hoang mang, lo sợ.

* Từ ngày 4 đến 6-11, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có ít nhất 19 người nhập viện do những triệu chứng giống với bệnh tiêu chảy cấp. Các huyện có người mắc bệnh phải nhập viện là Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, TP Vinh và thị xã Cửa Lò. Riêng một gia đình ở xóm 6, xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc có ba mẹ con bị tiêu chảy phải nhập viện sau khi ăn mắm tôm chấm cà. Một người bệnh ở xã Hưng Phú, huyện Hưng Nguyên cũng phải nhập viện do đi tiêu chảy liên tục sau khi đi thăm người nhà ở Hà Nội về. Xét nghiệm mẫu bệnh phẩm người bệnh này đã có kết quả dương tính.

Trước nguy cơ có dịch bệnh lây lan nhanh, UBND tỉnh đã giao cho ngành y tế nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Sở Y tế đã cử các đoàn công tác xuống các địa phương chỉ đạo vệ sinh môi trường, kiểm tra an toàn thực phẩm... Trường cao đẳng Y tế Nghệ An cũng đã giúp ngành y tế thành lập các tổ công tác lưu động kiểm tra, giám sát các huyện thực hiện các biện pháp chống dịch. Các huyện xuất hiện dịch đã được chỉ đạo khử trùng bằng CloraminB.