00:00 Số lượt truy cập: 2676463

Dịch tiêu chảy cấp tiếp tục lan rộng 

Được đăng : 03/11/2016
Bộ Y tế cho biết, tính đến chiều 9-4, dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm có nguồn gốc phẩy khuẩn tả đã xuất hiện tại 16 tỉnh, thành phố. Thái Nguyên và TP Hồ Chí Minh là  hai địa phương mới nhất xác định có người mắc, nâng tổng số người mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm lên 854 ca, trong đó có 122 trường hợp dương tính với phẩy khuẩn tả.

Hà Nội vẫn là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng người mắc tiêu chảy cấp với 44 người bệnh dương tính với phẩy khuẩn tả, sau đó đến Hà Tây, Hải Phòng, Thanh Hóa... Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng Trần Văn Thọ, tình hình dịch ở Hải Phòng còn  khá nghiêm trọng, Hà Tây cũng không nằm ngoài tình trạng đó, khi mà dọc đoạn sông Nhuệ chảy qua huyện Thường Tín có khoảng 30 hộ  có nhà vệ sinh xả trực tiếp ra sông. Kết quả xét nghiệm nước cho thấy,đoạn sông này đã nhiễm vi khuẩn tả, trong khi nhiều hộ dân địa phương sử dụng nước sông Nhuệ để tưới rau, bón lúa. Hiện tại, Hà Tây còn năm ổ dịch.

TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Y tế Dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) cho biết: Hiện tại, tình hình dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm diễn biến hết sức phức tạp; các ổ dịch nằm rải rác, nhỏ và di động trong cộng đồng. Cùng với thời tiết nóng ẩm, trong khi ý thức người dân chưa cao, môi trường sống và an toàn thực phẩm bị ô nhiễm nặng... dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm đã lan tới các tỉnh phía nam, một trường hợp ở TP Hồ Chí Minh được xác định dương tính với phẩy khuẩn tả.

Cục trưởng An toàn vệ sinh thực phẩm PGS Trần Ðáng, cho rằng, lý do bùng phát dịch tả là do thói quen ăn uống mất vệ sinh. Trong số người bệnh, 78% ở lứa tuổi 20- 29, là lứa tuổi thích sống lưu động, ăn uống ngoài gia đình, thích ăn thịt chó, mắm tôm, rau thơm và tiết canh lòng lợn. Ðây là những thực phẩm có nguy cơ ô nhiễm cao nhất. Ngoài ra, lứa tuổi trên hay ăn thức ăn đường phố nhưng lại ít khi rửa tay trước khi ăn, đặc biệt là thợ xây, lao động mùa vụ. Ðồng chí Trần Ðáng nhận định, chắc chắn dịch không dừng lại ở số người mắc như hiện nay. Bệnh tả là bệnh nguy hiểm, song lại dễ phòng nhất. Thực hiện đúng ba nguyên tắc cơ bản: nấu chín thức ăn; đun sôi nước uống và rửa sạch tay là có thể phòng dịch an toàn.

Trong khi đó, Viện trưởng Vệ sinh Dịch tễ T.Ư TS Nguyễn Trần Hiển, cho biết: Kết quả xét nghiệm 148 mẫu mắm tôm tuy không có vi khuẩn tả, do thời gian cao nhất của vi khuẩn tả sống trong mắm tôm chỉ sáu tiếng nhưng 100% số mẫu mắm tôm có vi khuẩn Coliform, Cl.perfringens và Candida albicans vượt quá giới hạn cho phép. Nghĩa là 100% số mẫu đều không đạt an toàn vệ sinh thực phẩm. Ðáng chú ý, qua xét nghiệm, vi khuẩn tả đã được tìm thấy tại nhiều nước thải, nước hồ ao, sông, mương, nước rửa tay, rau sống, rau thơm, rau dền và thịt chó chín. Tỷ lệ người lành mang vi khuẩn ở các ổ dịch từ 20 - 75%. 

Ðể dập dịch hiệu quả, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Công điện số 511/CÐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tùy tình hình thực tế tại mỗi địa phương mà triển khai tổng hợp các biện pháp phòng, chống dịch. Bộ Y tế đề ra các giải pháp dập dịch tiêu chảy cấp, không để dịch lớn xảy ra, không để dịch lan rộng, kéo dài. Theo đó, sẽ tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường (trong tháng 4); phối hợp các bộ, ngành; nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc cấm sử dụng phân tươi trong bón, tưới rau, xử lý nguồn phân; tăng cường trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành trong phòng, chống dịch bệnh. Tăng cường hoạt động giám sát, phát hiện sớm ca bệnh để có biện pháp xử lý ổ dịch. Ðẩy mạnh các hoạt động kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ, cửa hàng, kiên quyết đóng cửa những cơ sở không bảo đảm vệ sinh; giám sát chặt chẽ: rau sống, thịt chó, mắm tôm, lòng lợn tiết canh, hải sản; cấm lưu hành các thực phẩm nghi nhiễm phẩy khuẩn tả; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục đến mọi người dân nghe, hiểu và làm đúng các biện pháp phòng, chống dịch. Cục Y tế Dự phòng và Môi trường đã có công điện khẩn gửi giám đốc sở y tế, giám đốc trung tâm y tế dự phòng 64 tỉnh, thành phố. Theo đó, cần tăng cường giám sát phát hiện sớm và xử lý ổ dịch kịp thời, khoanh vùng dịch, vệ sinh tiệt trùng môi trường, không để dịch lây lan sang khu vực khác; giám sát chặt chẽ các trường hợp tiêu chảy cấp tại bệnh viện và cộng đồng trên địa bàn. Mặt khác, hướng dẫn nhân dân ăn chín, uống nước đun sôi, vệ sinh cá nhân. Cảnh báo nhân dân không dùng phân tươi bón, tưới rau, không sử dụng nguồn nước nhiễm bẩn. Tăng cường giám sát, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm; nhất là thực phẩm không rõ nguồn gốc đang lưu thông trên thị trường.