00:00 Số lượt truy cập: 3227570

Dịch viêm não đang lan rộng ở miền Bắc 

Được đăng : 03/11/2016

Viêm não Nhật Bản (VNNB) chiếm từ 40% - 60% trong số từ 2.500 - 3.000 ca viêm não mỗi năm. Nếu trước đây bệnh VNNB thường gặp ở nhóm trẻ em dưới 5 tuổi, thì nay căn bệnh nguy hiểm này lại chuyển hướng “tấn công” sang đối tượng trẻ em từ 10 - 15 tuổi. PGS-TS Phạm Ngọc Đính, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết năm nay rơi vào chu kỳ tăng của bệnh VNNB, nhiều khả năng số ca mắc sẽ tăng hơn mọi năm.


Nguy cơ liệt do viêm não

Bệnh nhi viêm não với những biểu hiện nặng nhất đang được điều trị tại Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương là cháu T.T.T, 10 tuổi ở Nam Định. Cách đây gần một tháng, cháu đi học về kêu mệt và đau đầu, sốt. Gia đình đã đưa cháu đến trung tâm y tế và được chẩn đoán là viêm lợi nhưng điều trị mấy ngày vẫn không khỏi. Khi chuyển đến BV Nhi Trung ương, cháu T. đã rơi vào hôn mê và liệt nửa người.

Qua chẩn đoán, các bác sĩ (BS) kết luận bệnh nhi T. bị viêm não. TS-BS Bùi Vũ Huy, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm cho biết, tình trạng bệnh nhân T. rất nặng, 15 ngày trước đó bệnh nhi hoàn toàn phải thở máy, ăn qua ống xông. Cách đây 1 ngày cháu T. đã được rút ống xông nhưng hiện các chi vẫn bị liệt và chưa nhận biết xung quanh. TS-BS Bùi Vũ Huy phải thường xuyên thực hiện các động tác bóp cơ chân, tay để kích thích chức năng vận động cho bệnh nhân.

70%- 80% bệnh nhân nhập viện bị hôn mê, co giật

Theo PGS-TS Phạm Nhật An, Trưởng Khoa Truyền nhiễm BV Nhi Trung ương, trong số khoảng 100 bệnh nhân đang điều trị tại khoa thì có gần 60 trường hợp được xác định mắc viêm não, trong đó đa số trẻ mắc VNNB. Chỉ riêng trong 3 ngày cuối tuần qua, số bệnh nhân nhập viện do viêm não đã lên tới gần 30 trường hợp, tập trung ở độ tuổi từ 2 - 8 tuổi. Khoảng 70% - 80% bệnh nhân nhập viện đã rơi vào tình trạng hôn mê sâu, suy hô hấp, co giật, trong đó nhiều trường hợp tiên lượng bệnh nặng với nguy cơ tử vong cao.

Năm nay, trẻ mắc viêm não nhập viện rải rác ở các địa phương như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hà Tây, Nam Định, Bắc Giang, Hà Nội... Nguyên nhân làm lây lan dịch bệnh này là do sự thay đổi bất thường của thời tiết, hơn nữa đây cũng là thời điểm có nhiều loại hoa quả chín, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi, bọ và các virus gây bệnh sinh trưởng và phát triển. TS Bùi Vũ Huy cho biết, ngoài VNNB còn có nguyên nhân viêm não sau sởi, quai bị, thủy đậu, do virus đường ruột (Entero 71), virus Herpes...

Chỉ tiêm vắc-xin thôi, chưa đủ!

Trẻ bị viêm não trong vài ngày đầu thường có biểu hiện hơi khó chịu, kém ăn, hay quấy khóc, sau đó đột ngột sốt cao 39oC – 40oC, đôi khi trẻ có các biểu hiện kèm theo như rét run, mệt lả, nôn nhiều. Nếu không cấp cứu kịp thời, trẻ rất dễ bị hôn mê, co giật. Sau 2 - 3 ngày tới 1 tuần, người bệnh bị rối loạn ý thức, rối loạn thần kinh thực vật nặng và dẫn đến tử vong. VNNB là một trong những bệnh để lại di chứng rất nặng nề. Bệnh gây tử vong cao (chiếm từ 20% – 30%). Trường hợp được cứu chữa kịp thời, trẻ khỏi bệnh nhưng cũng để lại di chứng với nhiều mức độ nặng nhẹ như: bại liệt, mất tiếng nói, chân tay co quắp, mất tri thức, thiểu năng trí tuệ và vận động...

Trong khi chưa có thuốc đặc trị thì việc quan trọng hơn cả là chủ động tiêm vắc-xin viêm não. Việc tiêm phòng cần thực hiện trước mùa dịch 2 - 3 tháng, để cơ thể đủ sinh ra kháng thể chống lại căn bệnh. Tuy nhiên, ngay cả khi đã tiêm phòng, cha mẹ cũng cần cho trẻ ngủ màn, vệ sinh ngoại cảnh hạn chế muỗi sinh sôi, vệ sinh ăn uống và thân thể cho trẻ; vệ sinh môi trường sạch sẽ, thoáng đãng, loại bỏ các ổ nước tù đọng quanh nơi sinh hoạt... Riêng viêm não do virus Entero 71 gây ra thì hiện chưa có vắc-xin phòng ngừa.

TPHCM: Số trẻ bị VNNB không nhiều

Ngày 26-6, tại Khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 1 TPHCM có 4 bệnh nhi mắc bệnh VNNB đang nằm điều trị, cả 4 ca này đều từ các tỉnh chuyển lên. Theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 1, từ tháng 5 đến tháng 10 là mùa của bệnh VNNB, tuy vậy số trẻ mắc bệnh này từ tuyến tỉnh chuyển lên không nhiều và rất ít trẻ ở TPHCM mắc bệnh này. Sở dĩ trẻ ở TP rất ít mắc bệnh VNNB là do phần lớn trẻ em tại đây đều được chích ngừa bệnh này. Hơn nữa, bệnh này lây truyền qua đường muỗi (loại muỗi này chỉ sống ở vùng trồng lúa nước, không thể bay quá 5 km) chích heo, chim, súc vật... rồi mới chích vào người để gây bệnh. Do vậy, ở TPHCM rất ít trẻ mắc bệnh VNNB hoặc chỉ xảy ra ở các huyện ngoại thành như Hóc Môn, Củ Chi...

Còn tại BV Nhi Đồng 2, từ đầu tháng 6 đến nay, Khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 2 chưa nhận điều trị cho một trường hợp VNNB nào.

T.Dương