Đừng dùng thức ăn như thuốc chữa bệnh
Được đăng : 03/11/2016
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều sản phẩm dinh dưỡng. Hầu hết các sản phẩm đều được ghi trên bao bì nhãn mác với rất nhiều công dụng giúp chữa bệnh, tăng cân, tăng trí thông minh cho trẻ em, giảm béo cho người lớn, thực phẩm, đồ uống giúp đẹp da… Tuy nhiên, sự thực về công dụng của các sản phẩm này đến đâu là một vấn đề còn nhiều tranh cãi. Để góp phần giải toả một số thắc mắc của bạn đọc, chúng tôi xin giới thiệu lời khuyên của các chuyên gia trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Sản phẩm dinh dưỡng, "loạn" nhãn mác, công dụng…
Sản phẩm dinh dưỡng hiệnrất đa dạng với đủ các loại, phục vụ cho nhiều đối tượng: người già, trẻ em, người gầy, người béo, nam, nữ như: bánh, sữa, cháo, bột dinh dưỡng đến các loại nước ép sinh tố, trà dinh dưỡng... Trong đó, sản phẩm dinh dưỡng, sữa cho trẻ em phong phú nhất, được sử dụng nhiều nhưng cũng khiến cho người mua băn khoăn lo lắng nhiều nhất.
Chị Lê Hương Giang (311 C1 Thành Công -Hà Nội) băn khoăn không biết trong số các sản phẩm dành cho trẻ em nên chọn sản phẩm như thế nào phù hợp với con mình, loại nào bổ sung dinh dưỡng tốt cho trẻ từ 3 tuổi trở lên. Người khác thì băn khoăn, sản phẩm dinh dưỡng siêu sạch HiPP được quảng cáo rất nhiều và giá rất đắt nhưng chất luợng có tương xứng với giá cả hay không?. Các sản phẩm sữa bột với đủ các loại nhãn mác có đuợc kiểm tra thành phần dinh dưỡng và tác dụng như quảng cáo hay không? Có những loại sữa rất đắt tiền như: Enfagrow A+, Dumex,... và các loại khác như: Dielac Sure, Dielac Star, Dielac Mama, Dielac Alpha, sữa bột kem dinh dưỡng… Và hầu như sữa nào cũng được quảng cáo với nhiều chất bổ sung, giúp trẻ phát triển thể lực, tăng trí thông minh… Liệu những sản phẩm đó có thật sự tốt không? Không ít người dẫn đã tỏ ra nghi ngờ về tỷ lệ dinh dưỡng, và những thông tin ghi trên bao bì sản phẩm.
Không chỉ có sữa, dạo quanh thị trường và nhiều cửa hàng thuốc trên địa bàn Hà Nội, chúng tôi còn thấy nhiều loại thực phẩm đồ uống khác, các sản phẩm dinh dưỡng từ cây nha đam (cây lô hội hay cây long tu), nước trái cây và các loại trà cũng được bày bán như loại thuốc, với rất nhiều công dụng. Chẳng hạn như: Trà giảm béo Figura đang được nhiều phụ nữ trung tuổi chuyền nhau sử dụng. Trà được quảng cáo có tính nhuận tràng, giảm khó tiêu, táo bón, cải thiện quá trình trao đổi chất, trợ giúp giảm cân, rất thích hợp với người đang cố gắng giảm cân… Trà gừng trị đau bụng, đầy trướng, không tiêu, hoặc thổ tả, người nhiễm lạnh, mạch nhỏ ho do lạnh; trà Atiso thông mật lợi tiểu, tăng bài tiết mật, hạ cholesterol và urê huyết, làm mịn da mặt… Trà râu ngô chứa vitamin C, vitamin K, Calci, Kali và một số chất khoáng khác kết hợp với Glucose và đường trắng giúp lợi tiểu, mát gan, giải độc… Trà bạc hà giúp xoa dịu chứng chuột rút và giúp tránh chứng khó tiêu.
Theo như giới thiệu như trên thì loại sữa nào, thực phẩm nào, đồ uống nào cũng rất tốt cho sức khoẻ con người. Khi gặp các sản phẩm như vậy, tâm lý người tiêu dùng thường dễ tin vào lời nhà sản xuất đã ghi trên nhãn mác, bao bì sản phẩm… Tuy nhiên, thực hư về công dụng chữa bệnh của sản phẩm này như thế nào thì chưa có ai kiểm định và chứng minh được.
Sử dụng thế nào là đảm bảo an toàn và phù hợp dinh dưỡng?
Giải đáp băn khoăn của người tiêu dùng về các loại sữa, trong cuộc giao lưu trực tuyến với bạn đọc chiều 28-12, ông Huỳnh Lê Thái Hoà (Trưởng phòng quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm-Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh) khẳng định: Tất cả các sản phẩm khi lưu thông trên thị trường, cơ sở phải tiến hành công bố tiêu chuẩn sản phẩm. Tất cả các thông tin ghi trên nhãn đã được cơ quan chức năng kiểm tra phải phù hợp với tiêu chuẩn cơ sở và phù hợp với phiếu kiểm nghiệm sản phẩm. Tuy nhiên, khi mua sữa phải lưu ý đến chất lượng sữa và người mua nên chọn sản phẩm của các công ty nổi tiếng, có uy tín trên thị trường. Nên lưu ý thêm về hàm lượng DHA, ARA trong sữa, vì chỉ có hàm lượng cao mới mang lại hiệu quả vượt trội cho phát triển trí não và thị lực, vốn đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu lâm sàng. Hàm lượng cao nhất tại thị trường trong nước ta là DHA 90mg và ARA 180mg trong 100g bột sữa (Giai đọan 1, cho trẻ dưới 6 tháng) và DHA 76mg và ARA 152mg trong 100g bột sữa (giai đọan 2, cho trẻ 6 - 12 tháng).
Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa - Chuyên khoa Dinh dưỡng Bệnh viện nhi Đồng 1 thì khuyên: Sữa là thực phẩm tốt nhưng lượng ăn cũng nên giới hạn từ 300 - 800 ml trong ngày (tuỳ theo lứa tuổi). Vì uống sữa nhiều bé sẽ bớt ăn các loại thực phẩm khác, sẽ có nguy cơ thiếu vi chất dinh dưỡng (sắt, chất xơ...).
Về các loại trà có tính chất chữa bệnh, giảm béo,để đảm bảo an toàn,các bác sĩ khuyến cáo chúng ta không nên tự ý sử dụng các loại thực phẩm chức năng (thực phẩm có tác dụng chữa bệnh) một cách tùy tiện mà phải tham khảo ý kiến thầy thuốc để tránh có hại cho sức khoẻ. Các chế phẩm có nguồn gốc dược liệu Đông y như nhân sâm, cao lá bạch quả (ginkgo biloba), cây trinh nữ hoàng cung, cây chè dây, tỏi, gừng, nghệ… hiện nay tại nước ta đều được coi là sản phẩm thuốc. Vì vậy không nên tự ý sử dụng như là thực phẩm. Mặt khác, hiện một số nhóm thực phẩm chức năng khác cũng đang gây tranh cãi nhiều giữa các nhà khoa học như: Trà xanh chứa catechins làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư đường tiêu hóa; Lycopene trong cà chua và các sản phẩm từ cà chua giúp giảm nguy cơ một số bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư tiền liệt tuyến. Rau có lá màu xanh đậm chứa lutein làm giảm nguy cơ bệnh thoái hóa võng mạc; Thịt và các sản phẩm chế biến từ sữa chứa acid béo CLA (conjugated linoleic acid) rất có ích cho sức khỏe và làm giảm nguy cơ ung thư…
Theo bác sĩ Đào Thị Yến Phi, Trung tâm đào tạo và bồi dưỡng cán bộ y tế TP Hồ Chí Minh) thì sản phẩm nghiêng về dược phẩm có nguồn gốc thảo dược hơn (thuốc) thì phải có bác sĩ kê toa, dù đông hay tây y. Bởi có một số loại thực phẩm chữa bệnh nếu ăn nhiều lại nguy hiểm, có thể bị ngộ độc…
Hãy lắng nghe các nhà chuyên môn
Trao đổi với chúng tôi, dược sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo (12 Lý Nam Đế, Hà Nội) cho biết, các loại trà giảm béo thường được nhập ở nước ngoài, trên cơ sở chiết xuất từ một số loài dược thảo nào đấy có tác dụng chữa bệnh. Cũng như các loại sữa, độ tin cậy của các loại trà - thuốc có chính xác hay không thì chỉ căn cứ thông qua Giấy phép đăng ký nhập khẩu và kinh doanh của Bộ Y tế cấp mà thôi.
Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 08 hướng dẫn việc quản lý các sản phẩm thực phẩm chức năng. Thông tư này cũng đã quy định rõ việc ghi mục đích sử dụng. Trên nhãn sản phẩm thực phẩm chức năng không được ghi chỉ định điều trị bất kỳ một bệnh cụ thể nào hoặc sản phẩm có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh… Thế nhưng, thực tế, thì có những sản phẩm vẫn không thực hiện nghiêm quy định này. Thiết nghĩ, cơ quan quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm cũng cần kiểm tra và quản lý chặt chẽ các sản phẩm dinh dưỡng và thực phẩm chức năng như vậy để định hướng cho người tiêu dùng yên tâm. Mặt khác cần kiểm soát chặt chẽ việc cấp giấy phép quảng cáo sản phẩm, tránh thổi phồng những tác dụng của sản phẩm đánh lừa người tiêu dùng.
Về phía người tiêu dùng, chúng tôi nhận thấy, cần thận trọng, cân nhắc khi lựa chon và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng nhằm mục đích phòng chống bệnh tật hoặc tăng cường sức khỏe. Khi mua bất cứ các loại sản phẩm nào liên quan đến sức khoẻ thì cần xem kỹ nguồn gốc, xuất xứ, nên chọn mua những thương hiệu sản phẩm có uy tín và đọc kỹ các thông tin xác nhận về lợi ích cho sức khỏe để tránh “tiền mất, tật mang”.