00:00 Số lượt truy cập: 3228758

Dùng thuốc chữa gút, cần lưu ý gì? 

Được đăng : 03/11/2016
Bệnh gút thường biểu hiện bằng các triệu chứng sưng, nóng, đỏ, đau... xuất hiện ở vài khớp chi dưới như ngón chân cái. Ngón chân sưng đỏ rất nhanh, gây khó khăn cho việc đi lại và lao động.

Bệnh nhân trước khi bị sưng có cảm giác nặng và tức ở ngón chân cái. Ngoài ra, còn có thể sưng, đau ở khớp cổ chân, khớp gối. Nếu không điều trị tốt, bệnh có thể tái đi tái lại trở thành mạn tính với những tổn thương nặng nề: viêm khớp, biến dạng khớp (có hạt tophy ở loa tai), tổn thương ở mô mềm do tăng quá mức urat trong máu và các mô.


Các thuốc chữa gút thường được các thầy thuốc chỉ định

Colchicin: đóng gói dưới dạng viên nén 0,25mg, 0,5mg, 0,6mg, 1mg, thuốc tiêm tĩnh mạch (thuốc có nhiều hàm lượng khác nhau khi dùng cần chọn cho đúng). Colchicin là loại thuốc đặc hiệu chống bệnh gút có tác dụng làm giảm sự di chuyển bạch cầu, ức chế thực bào các vi tinh thể urat, làm ngưng tạo thành acid lactic, ngăn cản kết tủa urat trong các mô khớp. Tác dụng chống viêm yếu, không có tác dụng đào thải acid uric. Thuốc có tác dụng sau khi uống 2 giờ, thuốc ngấm vào các mô, niêm mạc ruột, gan, thận, lách... đào thải chủ yếu qua phân và nước tiểu. Khi dùng trên 1mg mỗi ngày dễ dẫn đến ngộ độc vì thuốc tích tụ ở các mô. Không dùng cho các bệnh nhân suy gan, suy thận nặng, người có thai, có nguy cơ bị glôcôm góc hẹp, bí đái. Thận trọng với người cao tuổi, người bị bệnh tim, bệnh đường tiêu hóa. Người đang cho con bú vẫn có thể cho bú sau khi uống thuốc 8 giờ. Khi uống thuốc có thể thấy buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, đau quặn bụng.

Lưu ý khi dùng thuốc:

Chỉ dùng thuốc theo đơn bác sĩ. Nếu dùng dài ngày phải kiểm tra đều đặn công thức bạch cầu, tế bào máu. Khi có tác dụng phụ phải hỏi lại thầy thuốc (ngừng thuốc hay giảm liều) rồi mới dùng tiếp. Colchicin là thuốc độc bảng B. Liều gây độc là 1mg, liều gây tử vong là 40mg. Vì vậy phải dùng rất thận trọng. Colchicin chỉ được tiêm theo đường tĩnh mạch. Không được tiêm theo đường dưới da hay tiêm bắp (gây đau nhiều ở chỗ tiêm).

Allopurinol: viên nén 50mg, 100mg, 300mg, thuốc tiêm 500mg, còn gọi là zyloric. Thuốc làm ức chế xanthinoxydaze nên không tạo ra acid uric và làm tăng thải acid uric qua nước tiểu. Thuốc dùng để dự phòng gút và tăng acid uric máu. Để dự phòng: người lớn uống mỗi ngày 100mg. Liều duy trì với bệnh nhẹ 100-200mg, bệnh vừa 300 - 600mg mỗi ngày, bệnh nặng 700-900mg mỗi ngày. Trẻ em tính theo cân nặng mỗi ngày 8mg/kg, chia 3 lần, uống sau bữa ăn. Không dùng cho những bệnh nhân suy gan, suy thận, phụ nữ có thai, nuôi con bú, trẻ em dưới 16 tuổi.


Khi dùng thuốc cần lưu ý:

Không dùng trong các trường hợp gút cấp đang tiến triển. Chỉ dùng allopurinol khi ngừng tăng acid uric máu. Dùng thuốc sau bữa ăn, có thể dùng với sữa hoặc thuốc kháng acid (uống cách nhau ít nhất 2 giờ) để giảm kích ứng dạ dày. Không uống rượu và vitamin C trong thời gian uống thuốc. Bệnh nhân có thể bị đau bụng, nôn, tiêu chảy, phản ứng ngoài da (ngứa), nhức đầu, thận trọng với người bị bệnh gan, thận.

Natri bicarbonat: thường gọi là thuốc muối, đóng gói dưới dạng viên nén 500mg hay gói bột 100mg. Thường dùng trong các đợt điều trị gút để kiềm hóa nước tiểu. Bệnh nhân nên uống 2 lít nước lọc trong ngày hoặc uống 1-2g (2-4viên 500mg) mỗi ngày. Thuốc cần bảo quản tránh ẩm trong lọ kín.

Song song với việc dùng thuốc cần lưu ý khi điều trị gút: Tránh các thức ăn giàu purin như phủ tạng động vật, tôm, cua, thịt màu đỏ (thịt bò, thịt chó)... Có thể ăn trứng, sữa, thịt gà, thịt lợn, lượng ăn mỗi ngày khoảng 150mg thịt. Bỏ các thức uống có cồn như rượu, bia. Tránh các yếu tố có thể khởi phát gút cấp: lao động quá sức, chấn thương, bớt đi lại khi bị sưng đau.


DS. Lã Xuân Hoàn