Đây là tuyên bố của nhóm chuyên gia thuộc Trung tâm Quản lý khủng hoảng (CMC) của tổ chức Lương Nông của Liên hiệp quốc (FAO) đang làm việc tại VN.
Hôm qua, tại cuộc gặp gỡ với Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng, các quan chức của LHQ và các đại diện ngoại giao ở VN để thông báo những phát hiện và khuyến nghị của đoàn công tác sau khi điều tra tình trạng bệnh dịch bệnh trên lợn xảy ra trong thời gian qua tại VN. Nhóm chuyên gia này cho cho biết, một số loại bệnh của lợn có thể đang tương tác với nhau gây ra những dấu hiệu bất thường.
Cải tiến công tác quản lý bệnh tổng hợp có thể giúp kiểm soát được các loại bệnh, bao gồm cả triệu chứng rối loạn sinh sản và hô hấp ở lợn (hay còn gọi là bệnh “tai xanh”). Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, bệnh “tai xanh” không lây sang người.
Nhóm chuyên gia CMC được phái đến theo yêu cầu từ phía VN, bắt đầu việc điều tra nghiên cứu tại miền Trung, miền Bắc từ ngày 8/8/07.
Các mẫu xét nghiệm thu thập được đã gửi cho một phòng thí nghiệm quốc tế ở Mỹ để khẳng định và giải trình tự gen xác nhận chủng của vi-rút và xác định loại vắc-xin thích hợp. Những phân tích sơ bộ ở Mỹ đến nay đã đánh giá âm tính đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi, dịch tả lợn cổ điển và bệnh lở mồm long móng.
Như vậy, một trong những nguyên nhân của căn bệnh đang được báo cáo ở VN thể là triệu chứng sinh sản và hô hấp ở lợn. Đây là căn bệnh không mới, được tìm ra lần đầu ở Mỹ vào giữa những năm 80 của thế kỷ trước và hiện nay có mặt ở hầu hết các nước chăn nuôi lợn. Các triệu chứng bao gồm mất khả năng sinh sản, viêm phổi và tăng khả năng dễ bị nhiễm khuẩn phái sinh.
Theo đánh giá của các chuyên gia, tỉ lệ lợn chết trong các ổ dịch gần đây khoảng 10% -15% tổng số lợn mắc bệnh, không quá cao đối với vật nuôi ở khu vực Đông Nam Á. Triệu chứng rối loạn sinh sản và hô hấp ở lợn làm giảm khả năng miễn dịch của lợn, đưa đến nhiễm phái sinh các loại bệnh khuẩn như: liên cầu khuẩn, thương hàn và tiêu chảy ở lợn, cũng như các loại bệnh liên quan đến các vi-rút khác.
Để kiểm soát vấn đề này, FAO khuyến cáo thực hiện các biện pháp nuôi lợn an toàn ở các nông trại nhỏ. Tiến sĩ Carolyn Benigno, Trưởng đoàn, cho biết: “Có thể chữa khỏi các loại bệnh nhiễm khuẩn phái sinh cho lợn bằng cách sử dụng một cách thích hợp các thuốc tiêm kháng sinh đã được phê chuẩn. Như vậy, sẽ làm giảm rất nhiều thiệt hại”.
Tiến sĩ Andrew Speedy, đại diện FAO tại VN nói: “FAO đang cộng tác chặt chẽ với Cục Thú y thuộc Bộ NN&PTNT để tăng cường năng lực chuyên môn về giám sát bệnh, chẩn đoán phòng thí nghiệm, nâng cao nhận thức về căn bệnh cho nhân viên thú y tuyến cơ sở và nông dân”.
Nhân dịp này, FAO và Bộ NN&PTNT kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ công tác điều tra nghiên cứu và xét nghiệm bệnh trong tương lai cũng như tiến hành một chiến dịch truyền thông cho nông dân, nhân viên thú y và rộng rãi công chúng.