00:00 Số lượt truy cập: 2675444

Giá cao su RSS3 sẽ tăng do cung khan ở Indonesia 

Được đăng : 03/11/2016
Mưa lớn ở Indonesia có thể sẽ gây ra tình trạng thiếu cung cao su thiên nhiên trong hai tháng tới, đẩy giá tham khảo cao su RSS3 tăng trên Sở Giao dịch Hàng hoá Singapore (Sicom) trong tháng 1-2007. Indonesia là nước sản xuất cao su tự nhiên lớn thứ 2 thế giới.



Tuy nhiên, hiện các nhà phân tích vẫn chưa thống nhất quan điểm về nhu cầu cao su trong thời gian tới và điều kiện nguồn cung ở Indonesia sẽ ảnh hưởng như thế nào đến giá cao su.


Theo Chủ tịch Hiệp hội Các nhà Sản xuất Cao su Indonesia, Gapkindo, mưa lớn sau mùa khô kéo dài sẽ bất lợi cho sản lượng cao su Indonesia. Sản lượng cao su tự nhiên của Indonesia năm 2006 đã bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thời tiết El Nino, làm cho mùa đông ở một số khu vực kéo dài, nhất là ở miền đông đất nước. Tiếp sau đó là mưa bất thường trái mùa gây khó khăn cho việc thu hoạch mủ cao su. Trong những tháng cuối năm 2006, ngày nào cũng có mưa, khiến người trồng cao su không thể thu hoạch mủ. Nguồn cung ở nước này trở nên cực kỳ khan hiếm.


Tuy nhiên, ông Honggokusumo cho rằng vẫn còn quá sớm để đánh giá về mức độ ảnh hưởng của đợt mưa này đối với sản lượng cao su Indonesia. Theo đánh giá mới nhất của Gapkindo, sản lượng cao su thiên nhiên Indonesia tháng 12-2006 giảm khoảng 50.000 xuống 120.000 tấn, và sản lượng năm 2007 dự báo sẽ giảm xuống 1,9-2,1 triệu tấn, so với 2,2 triệu tấn năm 2006.


Không chỉ việc thiếu cung từ Indonesia có thể đẩy giá tăng trong tháng này, nhu cầu từ Trung Quốc dự kiến sẽ khá. Tuy nhiên, dự trữ cao su ở Đông Nam Á hiện còn khá nhiều, và giá cao hiện nay có thể là do hiện tượng mua đầu cơ trên các thị trường cao su, chứ không phải do yếu tố cung-cầu. Hiện giá cao su tại châu Á vào khoảng 2 USD/kg. Trung Quốc hiện đang tham gia mua cao su vào. Nhu cầu từ Trung Quốc đang tăng lên.


Trung Quốc đã trở thành một trong những thị trường cao su tự nhiên chính của Indonesia ngoài Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Đức và Canada. Nhu cầu cao su của Trung Quốc đã tăng từ năm 2001, cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế và số lượng dân số lớn. Trung Quốc cũng là một nước sản xuất cao su, song sản lượng không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa, buộc họ phải phụ thuộc vào nhập khẩu. Xuất khẩu cao su Indonesia sang Trung Quốc không ngừng tăng trong 3 năm qua, đạt 250.000 tấn năm 2005, so với 198.000 tấn năm 2004, trở thành khách hàng số 3 của Indonesia chỉ sau Mỹ và Nhật Bản. Giới kinh doanh cao su Trung Quốc đang muốn nhập khẩu cao su tự nhiên trực tiếp từ khu vực sản xuất Bắc Sumatra -Indonesia, không qua các nhà môi giới Singapore.


Tháng trước, Indonesia đã tuyên bố sẽ vận động Hội đồng Cao su ba bên quốc tế tăng hoặc giảm mức xuất khẩu nếu giá cao su biến động quá mạnh, vượt quá xa mức 1,6-1,8 USD/kg. Khoảng 85% cao su ở Indonesia được sản xuất từ các đồn điền nhỏ, nên lợi nhuận không nhiều, trong khi lạm phát giá hàng tiêu dùng cũng đang ảnh hưởng tới đời sống của họ.


Các nhà sản xuất cao su Indonesia hy vọng xu hướng tăng sẽ còn tiếp diễn và giá cao su sẽ hồi phục hoàn toàn, đạt mức lý tưởng 1,8-2,2 USD/kg. Ở mức giá đó, nông dân sẽ có lợi.