00:00 Số lượt truy cập: 2668867

Giảm nhẹ thiệt hại do lũ lụt gây ra: Cần hành động thiết thực 

Được đăng : 03/11/2016
Trong các loại thiên tai ở nước ta, lũ lụt thường gây thiệt hại nặng nề nhất. Hậu quả của nó thường phải khắc phục trong một thời gian dài, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đời sống xã hội. Vì vậy, hiểu được những kiến thức cơ bản về lũ lụt để có biện pháp chủ động phòng, tránh một cách hợp lý và hiệu quả là điều cần thiết đối với cộng đồng dân cư.

Nằm ở vùng nhiệt đới gió mùa, tổng lượng mưa trung bình hằng năm ở nước ta khoảng 1.900 mm, nhưng lại phân bố không đều theo thời gian và không gian. 70-75% lượng mưa tập trung vào năm tháng mùa mưa.

Hai vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long ngoài hứng chịu mưa tại chỗ, còn có hệ thống sông tải nước từ ngoài địa phận quốc gia chảy qua lãnh thổ nước ta ra biển.

Từ đặc điểm trên, trong mùa mưa bão thường xuất hiện các đợt lũ lớn, uy hiếp hệ thống đê điều ở đồng bằng, trung du Bắc Bộ và gây ngập lụt một vùng rộng lớn ở đồng bằng sông Cửu Long.

Ở các tỉnh miền trung, do đặc điểm địa lý và địa hình hẹp dốc, phía tây là dãy núi Trường Sơn, vùng này thường chịu ảnh hưởng trực tiếp của nhiều cơn bão và áp thấp nhiệt đới từ Biển Ðông đổ bộ vào, cho nên xảy ra nhiều đợt mưa. Các trận mưa này thường có cường độ và tổng lượng mưa rất lớn, gây lũ quét,  ngập lụt nghiêm trọng ở vùng đồng bằng ven biển.

Vùng núi ở các địa phương trong phạm vi cả nước do đồi núi có độ dốc lớn, lượng mưa tập trung nhanh về các sông suối, cho nên sau mỗi trận mưa lũ lên rất nhanh và dễ xảy ra lũ quét khi trận mưa lớn có cường độ kéo dài nhiều giờ. Lũ quét thường xảy ra bất ngờ, lên nhanh và xuống cũng nhanh, vận tốc dòng chảy lớn, có khả năng cuốn theo bùn đá, nhà cửa khi dòng nước chảy qua.

Lũ quét có khi chỉ xảy ra  trong phạm vi hẹp, nhưng cũng có khi tàn phá một khu vực rộng lớn. Ðiển hình là trận lũ quét xảy ra năm 1996 tại khu vực thị trấn Mường Lay (Lai Châu) làm chết 89 người, 26 người bị thương. Năm 2000, trận lũ quét xảy ra ở vùng thị trấn Sa Pa (Lào Cai) làm chết 20 người, 29 người bị thương.

Ngày 16-8-2002, cùng một thời điểm trận lũ quét xảy ra ở hai huyện Bắc Quang, Xín Mần (Hà Giang) làm chết 21 người.

Cũng trong năm 2002, lũ quét xảy ra ở phạm vi rộng thuộc địa bàn ba huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vụ Quang (Hà Tĩnh) làm chết 53 người, 111 người bị thương. Gần đây, năm 2004, trận lũ quét xảy ra ở hai xã Du Già, Du Tiến thuộc huyện Yên Minh (Hà Giang) và huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) làm chết 56 người.

Theo số liệu thống kê của văn phòng Ban chỉ đạo PCLBT.Ư, trong các loại thiên tai thường xảy ra ở nước ta như bão, lũ, tố lốc, mưa đá, thì lũ lụt bao giờ cũng gây thiệt hại nặng nề nhất cả về tính mạng và tài sản vật chất. Cơn bão số 6  năm 2006 đổ bộ vào TP Ðà Nẵng có sức gió siêu mạnh cũng chỉ làm 28 người chết. Nhưng mưa lũ của nó gây ra đã làm thiệt mạng tới 38 người và hai người mất tích.

Hai trận lũ cực lớn xảy ra vào đầu tháng 11 và đầu tháng 12-1999 ở khu vực miền trung từ tỉnh Quảng Trị vào đến Khánh Hòa đã làm chết và mất tích 748 người,   tổng thiệt hại về vật chất lên tới 4.756 tỷ đồng.

Những năm trước đây, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long chưa xây dựng các cụm, tuyến dân cư vượt lũ, chưa tổ chức các điểm trông giữ trẻ tập trung và tổ chức đưa đón học sinh đi học trong mùa ngập lũ, mỗi năm vùng này có hàng trăm người chết đuối. Ngoài mưa lớn gây ra lũ, lụt, nhiều vùng sườn đồi, sườn núi, ven sông còn bị sạt lở đất. Tình trạng lở đất trong những năm qua cũng gây thiệt hại không nhỏ về tính mạng, nhà cửa, tài sản của nhân dân.

Những năm qua, thiệt hại về tính mạng do lũ, lụt gây ra tuy có giảm, nhưng vẫn còn ở mức cao. Ðây là vấn đề cần đánh giá, phân tích, xác định rõ nguyên nhân để tìm ra giải pháp khắc phục sớm nhất, hiệu quả nhất.

 Thiệt hại do lũ, lụt có nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan. Mưa lớn kéo dài, gây ra lũ và ngập lụt là hiện tượng tự nhiên, con người không đủ sức chống đỡ thì phải né tránh (thí dụ như không ở những khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét cao, hay những vùng có nguy cơ sạt lở đất).

Ở vùng thường xuyên xảy ra ngập lụt kéo dài như đồng bằng sông Cửu Long người dân phải sống trên các cụm, tuyến dân cư vượt lũ. Vùng đồng bằng ven biển các tỉnh miền trung thường bị ngập lụt do các trận lũ lớn gây ra thì mỗi gia đình cần một gian nhà hai tầng kiên cố để sống trong những ngày ngập lụt.

Ðây là những giải pháp né tránh và thích nghi với lũ, lụt hiệu quả nhất trong việc giảm nhẹ thiệt hại về tính mạng con người. Muốn thực hiện tốt yêu cầu này, mọi người dân cần có ý thức tìm hiểu để nắm được những kiến thức cơ bản về lũ, lụt nơi mình đang sinh sống, làm việc như: mức ngập lụt cao nhất đã từng xảy ra, nơi đó có nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở đất hoặc xảy ra lũ quét?

Về mùa lũ không cho trẻ đi bơi lội trong khu vực có lũ; không đi thuyền hoặc vớt củi khi lũ cao, chảy xiết; tránh xa bờ sông khi nước chảy xiết đề phòng sạt lở đất ven bờ... Ngoài ra, các cơ quan có trách nhiệm cần hướng dẫn để người dân hiểu được các bản tin cảnh báo, dự báo về lũ, lụt để nhân dân có thể chủ động chuẩn bị các trang thiết bị, đồ dùng cần thiết cho phòng và tránh lũ, lụt.

Thời gian gần đây, thiệt hại về người do lũ, lụt gây ra ở đồng bằng sông Cửu Long cũng đã giảm nhiều. Một mặt, là do hàng trăm nghìn hộ đã được sống trên các cụm, tuyến dân cư vượt lũ, nhưng cũng phải khẳng định là nhận thức của người dân về lũ, lụt đã được nâng cao, đã có ý thức tự bảo vệ tính mạng của mình và các thành viên trong gia đình như người già và trẻ em.

Tại khu vực miền trung, nơi được coi là trọng điểm của bão, lũ nhưng giải pháp mỗi hộ làm một gian nhà hai tầng kiên cố để sống tạm trong những ngày ngập lũ chưa thành phong trào, chưa được triển khai một cách tích cực.

Nhiều cái chết do vớt củi, vớt gỗ, đi lại hoặc chơi đùa trong lũ, lụt vẫn xảy ra. Ðó là điều còn yếu kém trong vấn đề thực hiện chiến lược giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra ở khu vực này, cũng như công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về phòng, tránh lũ, lụt chưa đáp ứng được yêu cầu.

Trong chương trình phòng, tránh lũ quét, các cơ quan chức năng đã xây dựng được bản đồ xác định các vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét cao, nhưng việc di dời dân cư đến nơi ở an toàn còn triển khai chậm, nhiều địa phương chưa xây dựng được kế hoạch di dời cụ thể cũng như còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong việc tái định cư, sớm ổn định về đời sống và sản xuất cho các hộ phải di dời...

Trên đây là những vấn đề cần được đánh giá, nhận định chuẩn xác ở từng khu vực, từng địa phương để có giải pháp và kế hoạch phù hợp, nhanh chóng giảm nhẹ thiệt hại về tính mạng, tài sản do lũ, lụt gây ra. Ðó cũng là hành động thiết thực trong chiến lược lâu dài nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu.