Hàng chục nghìn người chết vì thuốc giả mỗi năm
Được đăng : 03/11/2016
Châu Á được xem như một "ổ dịch thuốc giả", và tình trạng này ngày một lan rộng. Trong một cuộc lấy mẫu gần đây ở Đông Nam Á, 53% thuốc chữa sốt rét là giả mạo. Ngoài ra là thuốc kháng sinh, thuốc chữa lao, AIDS và cả văcxin viêm màng não.
Ước tính số người chết do dùng những loại thuốc này lên đến cả chục nghìn người đến 200.000 người mỗi năm. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phỏng đoán rằng 1/5 trong số 1 triệu ca tử vong vì sốt rét hằng năm có thể ngăn ngừa được nếu tất cả các loại thuốc là thực và được uống hợp lý.
"Ảnh hưởng đến sự sống con người đằng sau những số liệu này là rất khủng khiếp", tiến sĩ Howard Zucker, giám đốc dược và công nghệ y tế của WHO, nhận định.
Trên bình diện quốc tế, mục tiêu hàng đầu của những kẻ giả mạo hiện nay là artemisinin, vị cứu tinh mới nhất của bệnh sốt rét, tiến sĩ Paul Newton, từ Trung tâm y học nhiệt đới của Đại học Oxford ở Vientiane, Lào cho biết. Nhóm của ông đã phát hiện thấy hơn một nửa các thuốc chữa sốt rét mà nhóm mua được ở Đông Nam Á là giả. Một tổ chức từ thiện làm việc ở Myanmar đã mua 100.000 viên thuốc và nhận thấy tất cả chúng đều vô ích.
Trung Quốc là quê hương của hầu hết các loại thuốc giả trên thế giới, các chuyên gia tuyên bố.
"Vấn đề này phổ biến đến mức không có quy định pháp lý nào có thể ngăn chặn nó", David Fernyhough, một chuyên gia về thuốc giả tại Cơ quan Hill & Associates, Hong Kong, một công ty được các tập đoàn phương Tây thuê để chống lại những kẻ làm giả thuốc, cho biết.
Mạng lưới phân phối của chúng, ông nói "lặp lại đúng như các hệ thống phân phối heroin trước kia". Một chuyên gia khác thì cho biết thuốc giả sản xuất tại Trung Quốc hầu hết để xuất khẩu, bởi trong nước các loại thuốc này bị truy lùng ráo riết.
Rất nhiều thuốc giả mà nhóm của Newton tìm thấy giống y như thuốc thật, và kiểu bắt chước của chúng cũng "ranh ma" hơn nhiều so với phỏng đoán của các nhà điều tra. Chẳng hạn, có những loại thuốc còn in cả chữ chìm giống như thuốc thật, chỉ xuất hiện dưới ánh sáng cực tím (mặc dù ở sai vị trí).
Một số thuốc giả chứa những loại đá, tinh bột hay hương vị vô hại, song còn có loại còn khiến cho bệnh nhân cứ ngỡ rằng thuốc đã có tác dụng. Một số loại thuốc có chứa acetaminophen, có tác dụng hạ sốt tạm thời, nhưng không giết được ký sinh trùng sốt rét. Số khác lại chứa chloroquine, một loại thuốc sốt rét cổ nay hầu như không còn tác dụng chữa bệnh. Cũng có những thuốc chứa artemisinin thật, song với lượng không đủ để chữa bệnh, mà chỉ đủ để tạo dương tính giả trên que thử.
Điều đáng lo ngại là những thuốc giả nói trên góp phần tăng khả năng kháng thuốc của ký sinh trùng sốt rét, vì thế nếu bệnh nhân may mắn nhận được thuốc thật về sau, họ cũng có thể đã phát triển thành bệnh nan y mà chết. Những chủng bệnh kháng thuốc có thể truyền từ người này sang người khác qua muỗi và cuối cùng thì thuốc hoàn toàn vô tác dụng, như đã từng xảy ra với chloroquine và Fansidar, hai loại thuốc chữa sốt rét trước kia.
Quỹ phòng chống AIDS, lao và sốt rét toàn cầu đã đưa tiền trực tiếp cho các nước nghèo để tự mua lấy thuốc và sau đó gửi các điều tra viên đến. Song 80% các quốc gia trên thế giới, theo phỏng đoán của các chuyên gia dược, thiếu các cơ quan có đủ khả năng để phát hiện ra những loại thuốc giả mạo phức tạp.