Chị Nguyễn Thị Thanh Vân, 52 tuổi, ngụ tại đường Lương Chí Vinh, quận Tân Phú là một thợ tiện ốc-vít honda. Cách đây 6 năm, chị bắt đầu bị chứng tê tay.
"Càng ngày, tôi càng bị tê tay. Chạy xe máy, vừa cầm tay lái, tê tay. Cầm nắm vật gì cũng bị tê. Vật càng nhỏ như cây kim càng làm tay tôi bị tê. Đặc biệt, ban đêm khi ngủ tay tê buốt dữ dội. Có khi bàn tay của tôi không thể co nắm lại được," chị Vân kể lại.
Chị đã uống thuốc nam, châm cứu rất nhiều năm, nhưng không hết và bây giờ cả bàn tay trái của chị cũng bắt đầu bị tê.
Chị đã đến khám tại khoa Nội Thần kinh BV Nhân dân Gia Định. Tại đây, sau khi đo điện cơ, các bác sĩ chẩn đoán chị bị "hội chứng ống cổ tay" cả hai bên. Các rễ thần kinh cổ tay dưới bị chèn ép khiến tay chị Vân bị tê.
Hội chứng ống cổ tay (Carpal Tunnel Syndrome) có nghĩa là thần kinh giữa của cổ tay bị chèn trong một đường ống, mà đường ống ấy phía trên là dây chằng phía dưới là khối xương.
Theo TS.BS Nguyễn Hữu Công, trước đây, người ta tưởng là hội chứng này ít có ở Việt Nam. Thế nhưng từ đầu những năm 1990, khi bắt đầu ứng dụng phương pháp điện cơ tại TP Hồ Chí Minh, các bác sĩ nội thần kinh đã phát hiện nhiều người bị hội chứng này. Họ đã nghiên cứu và xây dựng bảng tiêu chuẩn chẩn đóan hội chứng ống cổ tay bằng điện cơ cho người Việt Nam vào năm 1997.
Ước tính, hàng tuần, trung bình khoa Nội thần kinh BV Nhân dân Gia Định, 10 - 15 ca hội chứng ống cổ tay được phát hiện. Trong khi đó tại các phòng khám chuyên khoa của BV 115 hay BV ĐH Y Dược TP.HCM, mỗi tuần có thể lên đến hàng chục ca. Trong đó phụ nữ nhiều gấp 3 - 4 lần nam giới.
Bác sĩ sẽ tiêm corticoide vào khu vực ống cỗ tay để điều trị. Nếu không khỏi, biện pháp cuối cùng là mổ. (Ảnh: H.Cát)
"Phụ nữ, đặc biệt phụ nữ ở tuổi trung niên, dễ mắc bệnh này là do cổ tay nhỏ hẹp, hay làm những động tác khéo léo ở cổ tay như việc nội trợ, dễ bị thoái hoá khớp hơn vào giai đoạn tiền mãn kinh," BS Công giải thích.
Triệu chứng ban đầu của hội chứng này là tê tay, nhất là khi đi xe máy. Nặng hơn, bệnh nhân có thể tỉnh giấc vào ban đêm vì tay bị tê và đau.….
Nếu bị tê tay như vậy, bệnh nhân nên tới khám bác sỹ chuyên khoa thần kinh hoặc chấn thương chỉnh hình để được chẩn đoán xác định bệnh bằng phương pháp điện cơ.
Hiện nay phương pháp này thực hiện dễ dàng tại các bệnh viện lớn trong TP.HCM. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, sẽ bị teo cơ vùng ô mô ngón cái (người miền nam gọi là “trái chanh”). Khi ấy ngoài chuyện tê nhức khó chịu, bàn tay còn bị yếu đi và khó thực hiện các động tác đòi hỏi khéo léo.
Phương pháp điều trị rất đơn giản đầu tiên là dùng thuốc, thường là thuốc kháng viêm, chích hoặc uống. Nếu không đỡ, bác sĩ sẽ chích corticoide vào khu vực ống cổ tay. Phương pháp điều trị cuối cùng là mổ. Đây là một phẫu thuật nhỏ, dễ làm, nhưng đòi hỏi bác sỹ phẫu thuật tương đối khéo léo một chút.