00:00 Số lượt truy cập: 3228584

Không bảo vệ môi trường, sức khỏe trả giá 

Được đăng : 03/11/2016
Mỗi năm cả nước có gần 200.000 người bị mắc bệnh ung thư mới phát hiện. Các bệnh hen, tai mũi họng, mắt, tiêu chảy... ngày càng tăng. Theo nhận định của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Y tế, nguyên nhân lớn nhất dẫn tới những căn bệnh này là do môi trường ô nhiễm.

Ô nhiễm môi trường - những con số báo động

Khái niệm ô nhiễm môi trường hiện không còn xa lạ với mọi người bởi không chỉ khu công nghiệp, làng nghề mà ngay từ trong mỗi gia đình tới ruộng đồng, nhiều nơi cũng trở thành những ẩn họa khôn lường. Chỉ tính riêng Tp.HCM, có tới 800 nhà máy, xí nghiệp lớn và hơn 30.000 cơ sở sản xuất có quy mô vừa và nhỏ nằm xen lẫn trong các khu dân cư, trong đó có 260 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và chỉ có 2/12 KCN trên địa bàn thành phố có hệ thống xử lý nước thải…

Tại Hà Nội, có khu công nghiệp thải ra tới 500.000m3 nước chưa qua xử lý mỗi ngày. Các ngành công nghiệp hóa chất, phân bón, khai thác chế biến khoáng sản có lượng nước thải lớn, độc hại được thải trực tiếp ra các con sông làm ô nhiễm nguồn nước. Theo số liệu thống kê của Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất Hà Nội, chỉ tính riêng năm 2005, mỗi ngày Hà Nội phải gánh 312 tấn rác thải công nghiệp không nguy hại và 59,3 tấn rác thải công nghiệp nguy hại.

Đặc biệt, tình trạng nguồn nước ngầm dùng cho sinh hoạt và tưới tiêu ngày càng bị ô nhiễm do lượng asen (thạch tín) vượt quá nồng độ cho phép. Kết quả một khảo sát tại Hà Nội cho thấy, gần 70% mẫu nước ở tầng trên và 48% mẫu nước ở tầng dưới có nồng độ asen cao trên mức cho phép của Việt Nam và quốc tế.

Bụi và khói từ khí đốt là nguyên nhân gây ô nhiễm không khí chủ yếu (chiếm 70%). Kết quả nghiên cứu bước đầu về ô nhiễm không khí đô thị ở Hà Nội của Viện YHLĐ và VSMT cho thấy ở các nút giao thông, nồng độ bụi hô hấp là 0,17mg/m3, nồng độ SO2 và tiếng ồn đều vượt quá giới hạn cho phép...

Không chỉ người dân thành thị mà ở nông thôn, người dân cũng phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nước, hóa chất bảo vệ thực vật… Thuốc trừ sâu sử dụng bừa bãi, các loại bao, túi đựng thuốc trừ sâu vương vãi bên bờ ruộng, cạnh đường làng… nhiều nơi. Theo kết quả điều tra vệ sinh môi trường nông thôn VN của Cục Y tế dự phòng, thì chỉ có 25% tỉ lệ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh. Tỉ lệ trường học, nhà trẻ, mẫu giáo có công trình vệ sinh và cấp nước đạt tiêu chuẩn là 70%. Vẫn tồn tại tập quán sử dụng phân người, gia súc để bón ruộng (30% số hộ nông thôn Việt Nam)… đây là những yếu tố nguy cơ cao gia tăng tình trạng ô nhiễm ở nông thôn.

Trả giá đất

Theo Pgs.Ts. Trịnh Quân Huấn - Thứ trưởng Bộ Y tế, có tới 80% các bệnh tật của con người có liên quan đến nước và vệ sinh môi trường. 50% số bệnh nhân trên thế giới phải nhập viện và 25.000 người chết hàng ngày do các bệnh này.

Theo điều tra của Cục Y tế dự phòng năm 2005, tỉ lệ người dân mắc bệnh viêm phổi khoảng 415người/100.000 dân, 309 người viêm họng và viêm amidal cấp, 305 người viêm phế quản và tiểu phế quản cấp. Riêng bệnh viện K Hà Nội, trong vòng 5 năm trở lại đây, mỗi năm tiếp nhận bình quân 150.000 bệnh nhân ung thư mới phát hiện và có 70.000 người đã chết vì căn bệnh này.

Số liệu của Sở Y tế Phú Thọ, tại xã Thạch Sơn từ năm 1999-2005 có tới 106 người bị ung thư. Số người chết do ung thư chiếm tỉ lệ 34,86% tổng số trường hợp tử vong. Trong đó có 9 gia đình cả vợ và chồng đều chết do ung thư. Kết quả khảo sát môi trường tại khu vực này cho thấy môi trường không khí bị ô nhiễm chủ yếu là bụi hô hấp (0,05-0,58mg/m3, khí HF vượt tiêu chuẩn cho phép 2,5 – 64 lần. Môi trường nước ăn uống, sinh hoạt của người dân chủ yếu bị ô nhiễm axit, hàm lượng amoniac, asen vượt tiêu chuẩn giới hạn cho phép nhiều lần.

Không chỉ gây nên những căn bệnh hiểm nghèo, ô nhiễm môi trường còn gây nên các dịch bệnh truyền nhiễm. Theo ông Trần Đắc Phu, Cục Y tế dự phòng, năm 2005, các bệnh truyền nhiễm gây dịch hàng đầu tại Việt Nam có liên quan nhiều đến tình trạng nước sạch và vệ sinh môi trường như cúm, tiêu chảy, hội chứng lỵ, sốt xuất huyết, quai bị, viêm gan virus... Tình trạng nhiễm giun rất phổ biến, chiếm khoảng 80% dân số.

Khảo sát của Viện YHLĐ và VSMT cho thấy, trẻ ở lứa tuổi học đường sống quanh các nút giao thông có biểu hiện triệu chứng rõ rệt tới sức khỏe như kích thích các hệ cơ quan mắt, mũi, họng, da và thần kinh thực vật.

Hiện ở Việt Nam số lượng người mắc bệnh ngày càng gia tăng, biểu hiện rõ nhất là tình trạng quá tải tại các bệnh viện liên tục diễn ra. Cùng với đó, các nghiên cứu về môi trường luôn đưa ra các con số đáng báo động. Chính vì thế, các chuyên gia đã đưa ra khuyến cáo, vấn đề bảo vệ sự trong sạch của môi trường cần được thực hiện nghiêm túc. Có như thế, sức khỏe của người dân mới được bảo vệ, đảm bảo sự phát triển thể chất, trí tuệ tốt nhất cho thế hệ trẻ Việt Nam.