00:00 Số lượt truy cập: 2677050

Không thể tận dụng lợn tai xanh làm thức ăn 

Được đăng : 03/11/2016

Chiều 23/4, Phó giám đốc Trung tâm chẩn đoán thú y trung ương Tô Long Thành khẳng định, virus tai xanh ở VN là thể độc lực cao, rất nguy hiểm. Việc tận dụng lợn nhiễm bệnh làm thức ăn về lý thuyết có thể được, nhưng thực tế thì không thể triển khai.


- Thưa ông, tại sao số lượng lợn dịch lần này phải tiêu hủy kỷ lục như vậy, tới trên 200.000 con, gấp 6-7 lần 2 vụ dịch trước?

- Theo quy định, khi dịch tai xanh ở diện hẹp thì phải phát hiện kịp thời và tiêu hủy nhanh toàn bộ. Ở Thanh Hóa khi báo có dịch thì đã lan ra 20 xã rồi và từ đó lây rất nhanh. Vì vậy diện lợn bị tiêu hủy mới lớn, trong hơn 200.000 lợn tiêu hủy thì Thanh Hóa chiếm phần lớn.

Vẫn theo quy định, trường hợp dịch lan rộng thì phải phân loại, những con chết, nhiễm bệnh nặng phải được tiêu hủy. Những con mới mắc, còn khỏe mạnh thì phải được nuôi cách ly, phải giám sát cho tới khi được giết mổ. Tuy nhiên, quy định này không được thực hiện nghiêm túc nên rất có thể trong số lợn tiêu hủy, có nhiều con không mắc bệnh tai xanh.

Ngoài lý do nêu trên, có một nguyên nhân quan trọng khác là từ tháng 8/2007, tức là gần kết thúc vụ dịch thứ hai, chúng ta đã xác định được virus gây bệnh tai xanh ở VN tương đồng với virus của Trung Quốc. Đây là loại virus thể độc lực cao, nguy hiểm hơn virus thể kinh điển hiện vẫn chung sống hòa bình với đàn lợn ở Nam Bộ.

- Ông có thể nói cụ thể về tác hại của loại virus độc lực cao?

- Virus tai xanh thể kinh điển theo đàn lợn của Mỹ vào VN từ năm 1997. Hơn 10 năm virus lưu hành ở phía nam, nhưng không gây bệnh lâm sàng cho lợn. Nhưng đến tháng 3/2007 ở phía bắc và sau đó tháng 6-8/2007 ở miền Trung đã phát hiện lợn tai xanh. Qua phân tích của các chuyên gia thú y Trung Quốc và Mỹ, loại virus gây vụ dịch thứ hai và hiện nay là thể độc lực cao, chỉ có ở Trung Quốc.  

Về mức độ nguy hại, virus ở thể kinh điển chỉ gây chết 2% lợn nái, 30-40% lợn con theo mẹ, 20% lợn choai. Nhưng virus thể độc lực cao của Trung Quốc thì theo ghi nhận, tỷ lệ chết của lợn con theo mẹ là 100%, của lợn sau cai sữa 100%, lợn choai và vỗ béo là 30% và lợn nái 10%.

- Ông nói virus tai xanh thể độc lực cao, vậy khả năng lợn lây bệnh cho người như thế nào?

- Phải khẳng định bệnh tai xanh không lây cho người. Nhưng người dân không nên ăn lợn ốm, chết vì căn bệnh này. Bởi hầu hết lợn chết là do mắc các vi khuẩn gây bệnh nhiễm trùng cơ hội, như phó thương hàn, liên cầu khuẩn... Trong số những bệnh nhiễm trùng cơ hội này, có bệnh liên cầu khuẩn lây cho người và từng làm chết người.

Tại vụ dịch này, qua phân tích các mẫu bệnh phẩm từ các tỉnh gửi về có hai trường hợp. Một là không phân lập được bất kỳ một loại vi khuẩn bội nhiễm nào, bởi vì người dân đã tiêm cho lợn nhiều kháng sinh nên đã tiêu diệt hết virus. Một trường hợp khác phát hiện vi khuẩn, nhưng con liên cầu khuẩn có khả năng gây chết người thì chưa phát hiện được. Phải nhấn mạnh rằng điều này không có nghĩa tất cả lợn dịch không bị nhiễm liên cầu khuẩn.

- Thưa ông, bệnh tai xanh không lây cho người và không phải tất cả lợn bệnh đều chết, vậy tại sao không thể chế biến lợn mắc bệnh làm thức ăn cho người và cho gia súc?

- Quan điểm chống dịch đúng nhất là để tiêu diệt nguồn bệnh phải diệt tất cả lợn bệnh. Bởi 90% lợn nái vẫn sống sau vụ dịch và vẫn có thể truyền mầm bệnh tới 6-9 tháng sau. Virus gây bệnh cũng có thể lưu hành trong phân, trong nước tới cả tháng sau đó.

Nhằm giảm thiệt hại cho dân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình từng nêu vấn đề, thay vì tiêu hủy rất lãng phí, tại sao không bắc lò rán mỡ hoặc luộc chín lợn cho người dân ăn? Chúng tôi đã trả lời rằng việc đó rất đáng hoan nghênh nếu nhưng việc xử lý lợn dịch đảm bảo vệ sinh và không bao giờ lọt lợn bệnh ra ngoài. Nếu Thái Bình cam kết làm được như thế thì chúng tôi sẽ điều chỉnh ngay chính sách.

Cục Thú y cũng tính đến khả năng chế biến lợn dịch thành thức ăn chăn nuôi để tránh lãng phí, nhưng chưa có một nhà máy nào chịu tiếp nhận lợn bệnh để xử lý. 

- Để đảm bảo sức khỏe, ông có khuyến cáo gì với người tiêu dùng?

- Như trên đã nói, tốt nhất không nên ăn lợn bệnh. Người tiêu dùng khi đi mua thịt lợn cần quan sát kỹ, phải lựa miếng thịt tươi, không bị tụ máu, không quá bóng, sờ vào ấm, nóng, hơi dính. Còn nếu nó cứng, nhão thì có thể là thịt bệnh, thịt ôi. Khi chế biến thịt lợn, tốt nhất là đeo găng, rửa tay xà phòng.

Về phía nông dân, phải bảo vệ đàn lợn, đừng đi thăm thú chuồng lợn của nhau, đừng để thương lái vào sờ lợn, và đặc biệt phải tiêm phòng đẩy đủ các bệnh tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn. Bởi khi đã bị virus tai xanh tấn công thì lợn gần như hỏng mất hàng rào phòng ngự, nên rất dễ các bệnh kế phát. Và thường lợn chết vì những căn bệnh kế phát này.