Chỉ trong vòng 3 ngày, Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) liên tục tiếp nhận 3 gia đình có bệnh nhân bị ngộ độc nấm nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Những trường hợp may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần thì lại phải gánh một khoản chi phí điều trị khổng lồ.
Những "bữa tiệc" nguy hiểm
Tại phòng cấp cứu của Trung tâm chống độc, người phụ nữ Dao đang nhìn sang đứa con trai nhỏ của mình đang thiêm thiếp ngủ mà nước mắt cứ lăn dài trên má. Chị hối hận, giá như hôm đó nghe lời chồng không hái nấm và nấu lên cho cả nhà cùng ăn thì đâu đến nỗi cả 3 mẹ con cùng phải nằm viện thế này. Tốn kém đã đành, tính mạng lại còn bị đe dọa. Bữa đó, 2 vợ chồng chị D.T.Đ. (ở xã Văn Miếu, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ) đang phát nương thì thấy mấy cây nấm mọc thành từng cụm, rất mập mạp, trắng, ngon mắt nên chị hái 6 - 7 cây về nhà. Chồng chị Đ. cũng lo sợ nấm có thể có độc nhưng nhìn những cây nấm trắng ngon mắt, vả lại mấy lần ăn nấm rừng không thấy có vấn đề gì nên chị Đ. đã rửa nấm và nấu cùng với rau cải thành canh cho cả nhà ăn trưa. Đến chiều vẫn không thấy có biểu hiện gì nên chị Đ. càng yên tâm. Đứa con lớn của chị Đ. là cháu D.P.T. (13 tuổi) còn ăn thêm một bát canh nấm nữa trong bữa tối. Đến khoảng 21 giờ tối hôm đó, cả 3 mẹ con đều bị nôn thốc nôn tháo và đi ngoài liên tục. Nghĩ ngay đến ngộ độc, chồng chị vội đưa vợ và 2 đứa con lên bệnh viện huyện Thanh Sơn. Nhưng do tình trạng nặng, có biểu hiện suy gan, rối loạn đông máu, riêng cháu T. thì đã bị hôn mê nên cả 3 mẹ con được chuyển thẳng lên Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) ngày 27/2. Với sự cấp cứu tích cực của các bác sĩ trung tâm chống độc, hiện chị Đ. và đứa con nhỏ 10 tuổi đã qua cơn nguy kịch (chị Đ. đã được lọc máu ngay hôm nhập viện), còn cháu T., đứa con lớn của chị do ăn nhiều nấm hơn nên tình trạng rất nặng, phải chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực. Tuy nhiên cháu T. đã không thể qua khỏi và tử vong sau 2 ngày nhập viện.
Một trường hợp khác cũng bị ngộ độc nấm rừng đó là 3 bệnh nhân người dân tộc Nùng ở thôn Đồng Hương, xã Đồng Yên, huyện Bắc Quang, Hà Giang. Bệnh nhân Trăng Văn Thủy (20 tuổi) kể lại, buổi sáng hôm 24/2, trên đường đi trồng lạc về, thấy nấm mọc nhiều ở bụi nứa thân rất trắng, đẹp, mập mạp nên hái lưng rổ (khoảng 1kg). Thủy đã cẩn thận hỏi bố xem loại nấm này có ăn được không rồi mới đi chế biến. Số nấm hái được, một nửa Thủy cho vào cùng gạo nếp, gừng, gói trong lá dong rồi vùi vào than để nướng, một nửa còn lại thì nấu canh ăn. 6 người ăn bữa cơm đó thì 5 người bị ngộ độc. Tất cả các bệnh nhân đều có biểu hiện ngộ độc sau khoảng 12 tiếng ăn, đều nôn, đi ngoài rất nhiều. Hiện bố và em trai Thủy đang nằm điều trị tại BV Hà Giang. Còn Thủy và 2 người nữa được chuyển lên Trung tâm chống độc sáng sớm ngày 28/2 do tình trạng bệnh quá nặng. BS. Đặng Ngọc Hà, bác sĩ điều trị cho những bệnh nhân này cho biết, hiện cả 2 người đang phải lọc máu liên tục vì gan đã bị phá hủy dữ dội.
Ngoài 6 bệnh nhân trên, ngay trong buổi chiều 29/2, Trung tâm lại phải tiếp nhận thêm 3 bệnh nhân do Bệnh viện tỉnh Yên Bái chuyển lên cũng trong tình trạng ngộ độc nấm rất nặng. Tuy nhiên, cả 2 bệnh nhân này đều đã tử vong do nhập viện quá muộn.
Bệnh nhân Trăng Văn Thủy phải lọc máu liên tục do ngộ độc nấm. Ảnh: DK |
Khó phân biệt nấm độc và nấm lành
TS. Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc bức xúc: Năm nào cũng vậy, trung tâm đều phải tiếp nhận vài chục ca ngộ độc nấm, chủ yếu là ở khu vực miền núi phía Bắc. TS. Duệ cho biết, cứ vào thời điểm mùa xuân, trời mưa phùn nấm mọc nhiều cũng là lúc có bệnh nhân bị ngộ độc nấm. Nhưng năm nay, mới ra Tết chưa đầy 1 tháng mà đã có đến 3 trường hợp ngộ độc cả gia đình sau khi ăn nấm rừng. Các bác sĩ cảnh báo: Nấm lành và nấm độc có nhiều điểm rất giống nhau mà ngay cả các chuyên gia cũng rất dễ nhầm lẫn. Thậm chí có những loại nấm ở mùa này không độc nhưng ở mùa khác lại độc, hoặc nấm được trồng ở vùng này không độc nhưng trồng ở vùng khác lại có độc. Do đó, người dân không nên sử dụng nấm hoang mọc tự nhiên trong rừng vì rất có thể đó là nấm độc.
Nấm độc cũng có 2 loại, loại thứ nhất là nấm gây ngộ độc sau khi ăn khoảng 2-3 giờ. Loại ngộ độc này thường là lành tính, chỉ cần bù nước, điện giải cho bệnh nhân hồi phục. Còn loại thứ hai không xuất hiện các triệu chứng ngộ độc ngay mà thường là sau 6 giờ. Loại này mới đáng ngại vì chất độc trong nấm đã phá hủy gan của nạn nhân. Trường hợp này nếu chậm phát hiện và xử lý thì sẽ dẫn đến hôn mê gan, kéo theo nhiều cơ quan khác bị phá hủy như thận, hệ tiêu hóa, thần kinh, tim mạch và có thể tử vong bất cứ lúc nào. Chi phí để điều trị cho những bệnh nhân ngộ độc nấm cũng rất tốn kém, ngoài thuốc, bệnh nhân đã bị suy gan thì sẽ phải lọc máu, mỗi lần lọc máu mất gần chục triệu đồng, mà phải lọc nhiều lần. Có trường hợp bệnh nhân mất tới gần 200 triệu đồng để lọc máu, chưa kể những chi phí điều trị khác như tiền máu, thuốc men, xét nghiệm, viện phí...Trong khi đó đa số các trường hợp ngộ độc nấm hiện đang cấp cứu tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai hoàn cảnh kinh tế hết sức khó khăn, vì thế trước mắt các bác sĩ trung tâm chống độc đã trích Quỹ khen thưởng eo hẹp của mình để hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân.