Khi chủ nhà đồng ý bán hết trái trên cây, thương lái mới tiêm một loại thuốc vào cuống trái, chỉ ba ngày sau tất cả chín đồng loạt mới thu hoạch một lượt đem ra chợ. Tuy nhiên, người tiêu dùng hầu như không thể phân biệt được đâu là trái cây chín tự nhiên, đâu là loại có tẩm hóa chất.
Vùng nông thôn khu vực Ðông Nam Bộ trồng rất nhiều mít. Chí ít mỗi hộ cũng có vài ba cây, để vừa làm bóng mát, vừa bán trái, coi như một loại thu nhập phụ. Mít ở đây có thân cây cao to, tán rộng, cho khá nhiều trái, thường là những loại mít trái lớn đeo đầy thân, cành.
Mới đây, trong một dịp về vùng quê công tác, chúng tôi nghe nhiều bà con kháo nhau: Những thương lái thu mua mít rất hay. Khi chủ nhà đồng ý bán hết trái trên cây, họ có một loại thuốc tiêm vào cuống trái, chỉ ba ngày sau tất cả chín đồng loạt mới thu hoạch một lượt đem ra chợ. Cần lưu ý là loại mít trái lớn có thời gian sinh trưởng không đồng đều, và không bao giờ chúng chín cùng lúc toàn cây. Khi được hỏi bà con có biết thương lái dùng thuốc gì để tiêm, không ai trả lời được.
Thời gian qua, đã có khá nhiều bài báo đưa tin về việc dùng hóa chất bừa bãi trên rau quả, chủ yếu nhằm thu hoạch nhanh, giữ cho sản phẩm tươi bền lâu... để dễ bán, tăng được lợi nhuận. Tuy nhiên, người tiêu dùng hầu như không thể phân biệt được đâu là trái cây chín tự nhiên, đâu là loại có tẩm hóa chất. Mặt khác, hiện vẫn chưa có một lực lượng chức năng nào kiểm tra, kiểm soát hết lượng rau quả bày bán ở các chợ, nhất là vùng quê. Người tiêu dùng vẫn cứ vô tư mua, với tư tưởng chủ quan cho rằng cây trái nhà vườn, đặc biệt là mít chắc không hề có gì độc hại cả.
Thiết nghĩ, ngoài việc kiểm soát chặt chẽ các loại hóa chất dùng trong nông nghiệp, áp dụng chế tài nghiêm ngặt đối với những người cố tình tiêm hóa chất vào trong trái cây, ngành chức năng cũng cần tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến tận các hộ dân cư vùng quê, mục đích làm cho người dân hiểu được hậu quả của việc lạm dụng hóa chất, từ đó có ý thức chủ động ngăn ngừa trong hoạt động mua và bán, tránh nạn thương lái chỉ vì lợi nhuận mà bất chấp ảnh hưởng sức khỏe lâu dài của người tiêu dùng.