00:00 Số lượt truy cập: 2667351

Nam Định và Thái Nguyên đã có bệnh bệnh nhân tiêu chảy cấp 

Được đăng : 03/11/2016

Theo một nguồn tin từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tại 2 tỉnh Thái Nguyên và Nam Định lại vừa xuất hiện một số bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm nghi ngờ nhiễm khuẩn tả. Nguy cơ dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm tái phát và lan rộng ra nhiều tỉnh phía Bắc trong thời gian tới là rất lớn.


Phóng viên báo chĩ đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Việt Nam về vấn đề này.


Xin ông cho biết diễn biến dịch tiêu chảy cấp ở miền Bắc trong thời gian vừa qua?

 

Trong suốt thời gian vừa qua, kể cả giai đoạn mà dịch tiêu chảy cấp tạm lắng xuống, tại một số địa phương vẫn xuất hiện rải rác những ca mắc tiêu chảy cấp, hầu hết các ca này đều được xử lý và điều trị kịp thời ngay từ tuyến địa phương. Tình hình dịch tiêu chảy cấp chỉ thực sự diễn biến phức tạp hơn từ giữa tháng 6 đến nay. Sau khi tại Bắc Ninh xảy ra một vụ ngộ độc làm hơn 30 người bị tiêu chảy (được xác định dương tính với tả), đến lượt Hải Phòng và Ninh Bình ghi nhận các ca mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm nghi ngờ nhiễm khuẩn tả (Hải Phòng 5 ca, Ninh Bình 16 ca).

 

Tính từ vụ dịch thứ 3 (bắt đầu vào ngày 5/3/2008) tới nay, cả nước đã ghi nhận gần 3.800 trường hợp tiêu chảy cấp nguy hiểm, trong đó có gần 600 ca mắc tả, không có trường hợp nào tử vong.

Mới đây, tại các tỉnh Thái Nguyên và Nam Định cũng xuất hiện một số bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp, các trường hợp này đang được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm xem có nhiễm khuẩn tả hay không. Chúng tôi đã cảnh báo rất nhiều lần rằng, nguy cơ xảy ra các dịch bệnh liên quan đến đường ruột, trong đó có dịch tiêu chảy cấp trong mùa hè là rất lớn.

 

Các trường hợp mắc tiêu chảy cấp dương tính với phẩy khuẩn tả được xác định trong thời gian mới đây có liên quan đến các đợt dịch trước đó không, thưa ông?

 

Ông Nguyễn Huy Nga: Hiện số người lành mang trùng tả từ các đợt dịch trước là rất lớn, trùng bệnh tả trong những người này có thể tồn tại, phát bệnh trong thời gian rất lâu. Do đó, nếu công tác vệ sinh không đảm bảo, chẳng hạn như không có nhà tiêu hợp vệ sinh, thì trùng bệnh từ những người này được thải ra ngoài môi trường, xâm nhập vào nguồn nước, thực phẩm... và là nguy cơ lây truyền, tái phát dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm.

 

Đặc biệt, ở nhiều nơi người dân có thói quen tụ tập ăn uống đông người, hay tại các đám cỗ ma chay, cưới hỏi, tân gia, nguy cơ xảy ra ngộ độc làm nhiều người mắc tiêu chảy hay nhiễm tả là rất lớn. Cục Y tế dự phòng đã chỉ đạo các Trung tâm Y tế dự phòng ở những địa phương có nguy cơ cao tái phát dịch tiêu chảy cấp phải giám sát kỹ việc ăn uống tại các đám cỗ, nhất là yêu cầu được các gia đình là chủ đám cỗ cam kết thực hiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trên thực tế, trong những đợt dịch tiêu chảy cấp ở nước ta thời gian gần đây, hầu hết các trường hợp mắc và lây truyền tả là qua đường thực phẩm.

 

Nhiều người lo ngại rằng tiêu chảy cấp nguy hiểm đã trở thành dịch bệnh lưu hành thường niên ở nước ta, điều đó có chính xác không, thưa ông?

 

Phải thừa nhận nguy cơ trở thành dịch lưu hành ở nước ta là rất lớn. Song để có thể khẳng định được điều này cần phải có quá trình theo dõi trong một, hai năm tới. Trước mắt chỉ có thể khẳng định, mầm bệnh tả đang tồn tại ở ngoài môi trường tự nhiên tại nhiều địa phương là rất lớn và có thể gây bùng phát thành dịch bất cứ lúc nào. Hiện tại, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương vẫn đang nghiên cứu, phân tích, tìm hiểu xem mầm khuẩn tả trong các đợt dịch vừa qua ở nước ta có phải xâm nhập từ Thái Lan hay Philippines vào trong nước hay không.

 

Công tác phòng chống dịch tại các địa phương vẫn được duy trì và đã đi vào thường niên, các địa phương cũng đủ khả năng để xử lý các trường hợp mắc tiêu chảy cấp diễn ra rải rác trên địa bàn. Điều quan trọng nữa là vẫn phải tuyên truyền cho người dân ý thức chủ động phòng chống bệnh, thực hiện nghiêm các khuyến cáo của Bộ Y tế như ăn chín, uống sôi, rửa tay sạch.