00:00 Số lượt truy cập: 2638519

Ngải cứu - vị thuốc quý 

Được đăng : 03/11/2016
Ở phương Ðông trong dân gian từ ngàn đời nay  người ta đã biết dùng ngải cứu để chữa bệnh. Ngải cứu còn được gọi là cây thuốc cứu, cây thuốc cao, ngải điệp.

Tên khoa học Artemisia vulgaris L. Ðây là một loại cây sống lâu năm, cao 50 - 60 cm, thân to có rãnh dọc.

Lá mọc so le, rộng, không có cuống (nhưng lá phía dưới thường có cuống), xẻ thùy lông chim, mầu lá ở hai mặt khác nhau.

Ngải cứu thường mọc hoang ở nhiều nước ở châu Á và châu Âu. Ở nông thôn nước ta nhiều gia đình thường trồng ngải cứu quanh nhà.

Người ta hái cành và lá ngải cứu vào mồng năm tháng năm âm lịch, phơi khô trong dâm mát, tán nhỏ, rây lấy phần lông trắng và tơi gọi là ngải nhung rồi viên như điếu thuốc làm mồi để cứu (hơ ấm) trên huyệt; hoặc đặt lên huyệt một miếng gừng tươi mỏng châm vài lỗ rồi vê ngải bằng mồi thuốc lào và đốt, sức nóng của ngải kích thích vào vùng huyệt (gọi là cứu) để chữa nhiều loại bệnh.

Các lương y tiền bối còn truyền rằng: "Hỏa thăng thiên, phi hỏa ngải hạ giáng".

Ðại ý: Lửa bốc lên, riêng lửa ngải đi xuống. Ngải có nhiều tính dầu, cháy lâu không tắt. Sách Châm cứu Ðại thành (năm 1602) của Dương Kế Châu, Trung Quốc từng viết "Phục dược tam niên bất như cứu ngải nhất tráng" Ðại ý: Dùng thuốc ba năm không bằng một mồi ngải cứu...

Hoạt chất của ngải cứu tuy chưa được xác định rõ dù được dùng từ lâu trong đông y và tây y và được đưa vào dược điển của nhiều nước.

Thành phần chủ yếu của tinh dầu ngải là xineol và Ỷ-thuyon, adenin, cholin.

Theo Ðông y tính dược của ngải: hơi ôn, vị cay, bổ khí huyết, trục hàn thấp, điều kinh, an thai, dùng chữa đau bụng do hàn, kinh nguyệt không đều, thai động không yên, thổ huyết.

Trong dân gian ngải cứu là vị thuốc điều kinh hiệu quả với liều dùng từ 6 đến 12 g dạng khô (tối đa 20 g), sắc ba lần uống trong ngày. Ngoài ra có thể uống ngải cứu dưới dạng thuốc bột (5-10 g) hay dạng cao đặc 1-4 g. Ngoài công dụng điều kinh, ngải còn được dùng làm thuốc mạnh tiêu hóa, trị chứng nôn mửa, sốt rét.

Theo nhiều sách cổ nếu kinh nguyệt kéo dài, máu ra nhiều thì hằng tháng đến ngày thấy kinh và cả những ngày đang có kinh, nên uống ngày hai lần theo đơn: Lá ngải cứu khô 10 g sắc rồi thêm ít đường mà uống. Nếu đau bụng hành kinh hằng tháng trước 7-10 ngày thấy kinh uống đơn này có hiệu quả rõ rệt.

Ngải còn là vị thuốc an thai (nếu có thai, đau bụng, chảy máu) dùng ngải cứu khô 16 g, tía tô 16 g, nước 600 ml, sắc còn 100 ml và có thể cho thêm ít đường uống ba, bốn lần trong ngày. Ngải cứu không gây sảy thai vì không có tác dụng kích thích đối với tử cung có thai.