00:00 Số lượt truy cập: 2679116

Người Việt đã không chỉ ăn no... 

Được đăng : 03/11/2016

Trong khi thế giới thiếu lương thực, chính phủ đã tuyên bố chính thức, an ninh lương thực Việt Nam vẫn đảm bảo, dù diện tích trồng lúa đã bị thu hẹp nhiều. Bên cạnh đó, sự thay đổi cơ cấu bữa ăn của người Việt Nam đang theo hướng tích cực hơn với sự hình thành của kinh tế trang trại.


Kể từ khi có Nghị quyết 03 của chính phủ (20/2/2000) về kinh tế trang trại, theo một báo cáo của bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, đến nay cả nước có khoảng 150.000 trang trại, tương đương với diện tích 900.000ha.

Sự hình thành kinh tế trang trại

Nhờ mô hình kinh tế trang trại, hàng trăm nghìn hecta đất trồng lúa kém hiệu quả ở nhiều địa phương được chuyển sang nuôi trồng thuỷ sản, mô hình VAC (vườn – ao – chuồng).

Với diện tích trồng cây ăn quả trong cả nước chiếm 775.500ha, trong đó khoảng 2/3 là các trang trại, năm 2007 sản lượng cam quít của Việt Nam đã đạt 662 ngàn tấn, sản lượng xoài 410 ngàn tấn, sản lượng bòng bưởi 212 ngàn tấn, hay vải 240 ngàn tấn…

Chỉ tính riêng số lượng trang trại chăn nuôi của Việt Nam đã tăng từ 1.761 năm 2001 lên gấp hơn 10 lần vào cuối năm 2007. Trong khoảng thời gian đó, sản lượng heo hơi đã tăng từ 970 ngàn tấn lên 2,55 triệu tấn, thịt bò từ 98 ngàn tấn lên 206 ngàn tấn, thịt trâu từ 49 ngàn tấn lên 67 ngàn tấn, sữa bò từ 65 ngàn tấn lên 234 ngàn tấn… Sản lượng gia cầm cũng tăng hơn 50 ngàn tấn, sản lượng trứng gia cầm tăng 600 triệu quả.

Các trang trại này tạo khoảng 30 vạn việc làm thường xuyên và 6 triệu ngày công lao động thời vụ, giúp cho nhiều nông dân nghèo, hay mất đất có việc làm.

... và sự thay đổi cơ cấu bữa ăn

Một thống kê khác của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho thấy, số lượng gạo trung bình một người Việt Nam tiêu dùng trong một năm đã giảm từ 155,6kg năm 1992 xuống còn khoảng 120kg vào cuối năm 2007. Chuyên gia Phạm Hoàng Ngân của viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng với đời sống được nâng cao, cơ cấu bữa ăn của người Việt Nam đã thay đổi.

Ông Phạm Khôi Nguyên, nguyên thứ trưởng bộ Tài nguyên môi trường từng cho biết, mỗi bữa vợ chồng ông mỗi người chỉ ăn không tới một bát cơm, mà chủ yếu là ăn rau và hoa quả, nhất là bưởi Năm Roi, để chống bệnh huyết áp cao. Ở Hà Nội, những người ở độ tuổi trên dưới 50 như ông cũng hạn chế ăn cơm, mỗi bữa không quá chén hai lưng.

Chị Mùi, quê Lập Thạch (Vĩnh Phúc) kể rằng bữa ăn người dân quê chị cũng thay đổi nhiều so với cách đây dăm bảy năm. “Chợ làng bây giờ thịt lợn, thịt bò, cá tôm, hoa quả bán đầy. Nhiều người làm trang trại nên chẳng thiếu thứ gì”, chị kể. Chị bảo đến mùa bưởi thì ăn thoải mái, tuy không ngon như loại bưởi Năm Roi mà chị được ăn khi ra Hà Nội, nhưng chỉ 3 ngàn một quả, bằng 1/5, hay 1/6 giá tiền mà bà Phạm Khôi Nguyên phải mua ở siêu thị.

Nhận xét về sự thay đổi cơ cấu bữa ăn của người Việt Nam dưới góc độ dinh dưỡng, thạc sĩ Bùi Thanh Mai, tổ chức Y tế cộng đồng, cho biết: cơ thể không tự tổng hợp được lysine, một axit amin đảm bảo tăng trưởng chiều cao và ngăn ngừa bệnh loãng xương, mà phải được cung cấp qua thực phẩm, như lòng đỏ trứng, cá, thịt, các loại đậu và sữa tươi. Trong khẩu phần ăn của người Việt Nam, lượng ngũ cốc chiếm đến 70 – 80% nên thường bị thiếu lysine”.

Như vậy, sự thay đổi cơ cấu bữa ăn như kể trên, là xu hướng tích cực.