00:00 Số lượt truy cập: 3227396

Người phát ngôn Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn: Dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm giảm rõ rệt, nhưng không được lơ là, chủ quan 

Được đăng : 03/11/2016
Ngày 13-11, Người phát ngôn Bộ Y tế, PSG, TS Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn cho biết: sau ba tuần thực hiện quyết liệt các biện pháp dập dịch, dịch tiêu chảy cấp đã được ngăn chặn kịp thời. Ðến nay có tổng số 1.713 người mắc, trong đó có 226 người mắc tả. Tuy nhiên, không được lơ là, chủ quan, phải tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó ưu tiên cho các tỉnh lũ lụt…

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm (Bộ Y tế), trong ngày 13-11 tại 14 tỉnh, thành phố có thêm 52 trường hợp mắc tiêu chảy cấp mới nhập viện điều trị, nâng tổng số người mắc từ đầu vụ dịch lên 1.713 trường hợp, trong đó có 226 trường hợp được xác định dương tính với phẩy khuẩn tả.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn nhận định: sau ba tuần thực hiện quyết liệt các biện pháp dập dịch, cho nên dịch đã được ngăn chặn kịp thời. Nếu như những ngày cao điểm (từ ngày 2 đến 9-11) trung bình có thêm từ 150 đến 200 người mắc/ngày thì đến nay số người mắc mới chỉ còn từ 30 đến 70 trường hợp.

Ðáng chú ý, trong số đó số người được xét nghiệm dương tính với phẩy khuẩn tả giảm rõ rệt. Tuy nhiên, Ban chỉ đạo cảnh báo dịch vẫn có nguy cơ tái phát cao vì số lượng người lành mang bệnh, cũng như vi khuẩn vẫn tồn tại trong môi trường.

Chính vì vậy Bộ Y tế đề nghị các địa phương, đơn vị cũng như người dân không được lơ là, chủ quan trong thời gian tới. Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch; xử lý triệt để các ổ dịch theo đúng quy định. Tập trung lực lượng, giám sát tình hình dịch bệnh tại các vùng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, chuẩn bị sẵn sàng thuốc, hóa chất, trang thiết bị để dập tắt ngay các ổ dịch phát sinh. Ðẩy mạnh các biện pháp thực hiện bảo đảm VSATTP để cắt đứt đường lây của các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa cũng như tiêu chảy cấp nguy hiểm.

Từ kinh nghiệm những đợt dịch trước đây, các đơn vị có kế hoạch phòng, chống dịch cụ thể để ngăn chặn kịp thời vì dịch có thể quay trở lại vào mùa đông xuân sắp tới, cũng như vào dịp hè năm 2008.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu hoan nghênh, đánh giá cao nỗ lực của các địa phương, đoàn thể, các ngành, trong đó có ngành y tế triển khai để dập và bước đầu đẩy lùi dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm. Nhất là các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh kịp thời, tuyên truyền có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tạo sự thay đổi lớn về nhận thức của người dân trong việc tự phòng bệnh. Chính vì vậy, đến nay đã có bảy tỉnh, thành phố đã qua bốn, năm ngày không có người mắc mới.

Bên cạnh đó, công tác điều trị được triển khai tốt, không có trường hợp nào tử vong trong số 176 trường hợp rất nặng. Bộ trưởng nhấn mạnh: Dù đạt những kết quả đó, nhưng không được chủ quan, lơ là, vẫn phải duy trì các hoạt động phòng, chống dịch và phải có kế hoạch lâu dài. Trong lúc này, vừa chống dịch, vừa đẩy mạnh công tác VSATTP, vì đây cũng là biện pháp phòng bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm hiệu quả nhất.

* Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Khánh Hòa đã thiết lập đường dây nóng (số điện thoại: 058.826796) để tiếp nhận và xử lý thông tin về bệnh tiêu chảy cấp từ cộng đồng. Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa cấp cho mỗi huyện, thị xã, thành phố một cơ số thuốc, bao gồm: 250 chai dịch truyền, 20 kg cloramin B, 1.000 gói ORS... để xử lý vệ sinh môi trường, điều trị bệnh sau ba đợt lũ lụt xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Ngành y tế có kế hoạch cấp phát cho công tác phòng, chống dịch tiêu chảy cấp một lượng lớn thuốc, hóa chất gồm: 1.000 kg cloramin B, 2.600 chai dịch truyền, 5.000 gói ORS. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh thành  lập các đoàn kiểm tra chất lượng nguồn cung cấp nước sinh hoạt của thành phố Nha Trang và một số đô thị khác, với kết quả đạt yêu cầu; đồng thời kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn, các loại thực phẩm có nguy cơ cao gây bệnh tiêu chảy cấp tại một số chợ. Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện thường xuyên lấy mẫu xét nghiệm tìm phẩy khuẩn tả từ hệ thống xử lý nước thải của đơn vị.

*  Tính đến ngày 12-11, tỉnh Bắc Ninh có 22 bệnh nhân mắc bệnh tiêu chảy cấp, trong đó có ba trường hợp xét nghiệm cho kết quả dương tính với phẩy khuẩn tả. Những bệnh nhân này bị lây nhiễm chủ yếu do ăn uống không vệ sinh, chưa có bệnh nhân lây nhiễm thứ phát. Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo khoanh vùng dịch, phun thuốc sát khuẩn Cloramin B, rắc vôi bột khử khuẩn tại khu vực gia đình bệnh nhân và chung quanh trong bán kính 50m; các huyện, thành phố thành lập các đội phòng chống dịch, cấp cứu cơ động.

Tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ, nhà hàng và một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại các huyện, thành phố. Tuy nhiên, việc kiểm tra mới dừng ở nhắc nhở, chưa có chế tài xử phạt cụ thể. Các mặt hàng có nguy cơ lây nhiễm cao như mắm tôm, rau sống... vẫn được bày bán công khai; ở nhiều nơi, người dân vẫn thờ ơ với dịch bệnh, nhiều người cho biết vẫn ăn tiết canh vịt, dê, ăn thịt chó chấm mắm tôm... Bảo đảm an toàn cho học sinh, nhất là số trẻ em tại 141 trường mầm non, ngành giáo dục - đào tạo chỉ đạo các đơn vị, trường học thực hiện tốt khâu vệ sinh thực phẩm; vệ sinh, khử trùng các bếp ăn, các công trình cấp thoát nước, lớp học, nhà tiêu và môi trường chung quanh.

* Tỉnh Thái Nguyên yêu cầu các cấp, các ngành coi phòng, chống dịch bệnh tiêu chảy cấp là nhiệm vụ đột xuất, trọng tâm, huy động cả hệ thống chính trị và các phương tiện thông tin đại chúng tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại gia đình, địa bàn dân cư.

Các đơn vị thuộc Sở Y tế tăng cường công tác phòng, chống dịch, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị bệnh, tập trung nhân lực cho công tác này. Các công ty cổ phần dược và vật tư y tế Thái Nguyên chuẩn bị đủ thuốc men và các vật tư y tế; Trường đại học Y Thái Nguyên, Trường cao đẳng Y tế Thái Nguyên lập phương án và chuẩn bị lực lượng tham gia điều trị và xử lý ổ dịch. Phòng y tế các huyện, thành phố và thị xã tổ chức tập huấn cho y tế tuyến xã và thôn, bản về điều trị và quy trình xử lý bệnh. Các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, thông tin kịp thời về tình hình dịch và hướng dẫn nhân dân tham gia phòng, chống dịch.

* Ðến nay, toàn tỉnh Thái Bình đã có 91 người mắc dịch tiêu chảy cấp ở tất cả tám huyện, thành phố trong tỉnh, trong đó có 11 ca bệnh được xác định là bệnh tả. Ngày 13-11, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm của tỉnh Thái Bình đã triển khai chiến dịch phòng, chống dịch tả bằng việc huy động 540 cán bộ, sinh viên, học sinh của Trường đại học Y Thái Bình và Trường trung học Y tế Thái Bình tham gia chiến dịch phòng, chống dịch nói trên tại địa bàn các huyện, thành phố trong tỉnh.

Toàn tỉnh sẽ đồng loạt triển khai tổng vệ sinh môi trường vào sáng 16-11 và duy trì thường xuyên vào ngày 24 hằng tháng. Tỉnh chủ trương không tổ chức các bữa ăn đông người, tổ chức kiểm tra các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn, đồng thời có biện pháp kiên quyết xử lý và đình chỉ các đơn vị nhà hàng không bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các huyện, thành phố thực hiện việc tiếp nhận cán bộ, sinh viên, học sinh về tăng cường phòng, chống dịch tại các xã, phường, thị trấn. Ðồng thời huy động các ngành, đoàn thể và nhân dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tham gia tổng vệ sinh môi trường vào ngày 16-11.