Nhân Ngày đái tháo đường thế giới (14-11):50% số người bệnh không biết mình mắc bệnh
Được đăng : 03/11/2016
Vừa qua, Dự án Phòng, chống đái tháo đường quốc gia - Bệnh viện Nội tiết TƯ tổ chức chương trình phổ biến kiến thức về bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) và sự cần thiết phải triển khai sớm các hoạt động phòng chống bệnh ở Việt Nam nhân Ngày Đái tháo đường thế giới. Trong 2 ngày 3 và 4-11, bệnh viện cũng đã tổ chức khám và tư vấn miễn phí cho gần 1000 bệnh nhân mắc bệnh ĐTĐ.
Đái tháo đường là một trong 3 căn bệnh có tốc độ phát triển nhanh nhất hiện nay. Không chỉ vậy, ĐTĐ còn để lại cho bệnh nhân những di chứng nặng nề, giá thành điều trị cao và tỷ lệ tử vong lớn. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ĐTĐ là nguyên nhân gây tử vong thứ 4 trong số các bệnh không lây nhiễm và thứ 6 trong tổng số các bệnh gây tử vong trên toàn thế giới. Bệnh đã và đang trở thành mối hiểm họa lớn cho sức khỏe cộng đồng.
ĐTĐ là một hội chứng có đặc tính biểu hiện bằng tăng đường máu, do hậu quả của việc mất hoàn toàn insulin hoặc do có sự suy yếu trong bài tiết và hoạt động của insulin. ĐTĐ có 2 thể bệnh chính: ĐTĐ típ 1 do tụy tạng không tiết insulin, phần lớn xảy ra ở trẻ em và người lớn tuổi. Những triệu chứng điển hình của bệnh là tiểu nhiều, uống nhiều, mờ mắt, dị cảm và sụt cân; chậm phát triển và dễ bị nhiễm trùng. ĐTĐ típ 2 chiếm tỷ lệ lớn, khoảng 90% chủ yếu ở người lớn và đáng lo ngại nhất là khả năng gây biến chứng khủng khiếp cho người bệnh. ĐTĐ típ 2 không chỉ nguy hiểm vì biến chứng mà còn rất khó phát hiện do diễn tiến bệnh âm ỉ và thường chỉ được phát hiện tình cờ khi đi xét nghiệm máu trước khi mổ hoặc khi có biến chứng như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, nhiễm trùng da kéo dài. Biến chứng phổ biến nhất được biết đến ở bệnh ĐTĐ (típ 2) là bệnh mắt. Sau 15 năm, gần 100% người bệnh có biến chứng. Nếu phát hiện sớm thì cũng phải chấp nhận 21%-39% có khả năng biến chứng. Đây cũng là nguyên nhân thứ 2 gây mù lòa ở người trưởng thành. Hàng năm có 1,6 % người bị bệnh mắt do ĐTĐ chuyển sang mù hẳn. ĐTĐ cũng là nguyên nhân hàng đầu của bệnh thận giai đoạn cuối. Còn nguyên nhân gây tử vong chính ở người bệnh ĐTĐ là bệnh lý tim mạch. Người bị ĐTĐ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao gấp 4-10 lần người cùng tuổi. Ngoài ra, phải kể đến biến chứng gây tâm lý sợ hãi nhất cho người bệnh, đó là bệnh lý bàn chân, biểu hiện từ giảm, mất cảm giác đến loét, hoại thư. Trên thế giới cứ 30 giây lại có người phải cắt cụt chi do ĐTĐ. Nguyên nhân này chiếm tỷ lệ 40 -70% tất cả các nguyên nhân bị cắt cụt chi.
Năm 2001, tỷ lệ người lớn bị ĐTĐ ở 4 thành phố lớn (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM) là 4% và năm 2002 là 4,4%. Hơn 3 triệu người ở Việt Nam mắc bệnh ĐTĐ và hàng triệu người khác có nguy cơ trở thành nạn nhân của căn bệnh này, nhưng có hơn 50% số người bệnh không biết mình mắc bệnh. Theo TS Tạ Văn Bình - Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, nguyên nhân gia tăng bệnh ĐTĐ là do chế độ dinh dưỡng ngày càng được cải thiện trong khi người dân lại ít hoạt động thể lực. Vấn đề cần giải quyết hiện nay là tăng cường công tác quản lý bệnh ĐTĐ tốt hơn ở các mức độ khác nhau để giảm tỷ lệ mắc mới và giảm biến chứng cho người đã mắc. Một trong những cách thức hữu hiệu để kiểm soát bệnh ĐTĐ đó là cần phải kiểm soát đường huyết tốt, đồng nghĩa với việc kiểm soát tốt HbA1c (HbA1c dưới 6,5% và lượng glucose máu lúc đói dưới 6mmol/l). Người bệnh nên kiểm tra HbA1c định kì.
Vì nguy cơ ngày một tăng của bệnh và sự ít hiểu biết của cộng đồng đối với ĐTĐ, Dự án phòng chống ĐTĐ quốc gia đã thiết lập chương trình “Kiểm soát đến mục tiêu” như một lời kêu gọi hành động khẩn cấp. Đây là chương trình triển khai hệ thống các trung tâm quản lý, điều trị và giáo dục mới về ĐTĐ. Chương trình sẽ giúp người bệnh đạt được mức kiểm soát đường huyết tốt theo mục tiêu đề ra, giảm các yếu tố nguy cơ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng thậm chí tử vong. Hệ thống trung tâm nội tiết tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương sẽ giúp tăng cường việc chẩn đoán, điều trị sớm và tích cực hơn. Bên cạnh việc nâng cao quản lý tốt bệnh ĐTĐ, phát hiện sớm các đối tượng có yếu tố nguy cơ cao, can thiệp kịp thời và tích cực làm giảm tỷ lệ mắc mới, các trung tâm này còn là nơi đào tạo cán bộ chuyên khoa các cấp. Hiện tại chương trình đã thành lập trên 20 trung tâm và các khoa Nội tiết độc lập trong phạm vi cả nước.
Ở Việt Nam hiện nay, bệnh ĐTĐ đã thực sự trở thành nguy cơ lớn cho cộng đồng và xã hội nhưng vẫn chưa được đa số người dân nhìn nhận đúng mức. Trước đây, ĐTĐ chủ yếu mắc ở người lớn tuổi, béo phì, nhưng hiện nay những người ít tuổi thậm chí cả trẻ em và phụ nữ mang thai cũng có nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ. Để sống vui khỏe có ích, mỗi người dân cần phải nhận thức đầy đủ về sự nguy hiểm và cách phòng chống bệnh ĐTĐ.