00:00 Số lượt truy cập: 2676799

Nhiều kỹ thuật mới giúp người hiếm muộn có con 

Được đăng : 03/11/2016

Đã có nhiều kỹ thuật mới nhằm giúp người hiếm muộn có con, chi phí dao động khoảng 40 triệu đồng/ca... Bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Tổng Thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM trả lời những thắc mắc của bạn đọc xung quanh điều trị hiếm muộn. 


- Tỷ lệ thành công của từng cách thụ tinh trong ống nghiệm (IUI, IVF, ICSI, PESA – ICSI) khác nhau như thế nào?  

Không thể so sánh tỉ lệ thành công của các kỹ thuật trên được vì mỗi kỹ thuật có chỉ định khác nhau và áp dụng tùy trường hợp. Tỉ lệ thành công của từng phương pháp tùy thuộc vào đối tượng bệnh nhân, trình độ bác sĩ, trình độ nuôi cấy phôi. Mỗi năm, các tổ chức chuyên ngành ở Mỹ và Châu Âu đều thống kê và công bố tỉ lệ thành công chung của từng khu vực. Các số liệu chỉ mang tính chất tham khảo.  

IUI (bơm tinh trùng vào buồng tử cung) chỉ áp dụng cho những trường hợp nhẹ, dễ dàng. Tỉ lệ thành công trung bình khoảng 10-15%.  

IVF là kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm cổ điển, áp dụng cho các trường hợp tinh trùng tốt, không có bất thường về thụ tinh. Nhiều tinh trùng được cấy chung với trứng và tinh trùng tự đi vào trứng. Tỉ lệ thành công trung bình trên thế giới hiện nay là 30%. 

ICSI là kỹ thuật TTTON mà trong đó một tinh trùng được tiêm thẳng vào trứng. Tỉ lệ thành công trung bình trên thế giới hiện nay là khoảng 30%.  

PESA-ICSI là kỹ thuật tương tự như ICSI, nhưng áp dụng cho những trường hợp người chồng không có tinh trùng do tắc nghẽn đường dẫn tinh trùng. Tinh trùng được chọc hút từ nơi bị tắc nghẽn. Sau đó, tiêm thẳng tinh trùng vào trứng. Tỉ lệ thành công trung bình trên thế giới hiện nay là khoảng 30-35%. 

- Hiện kỹ thuật nào được lựa chọn nhiều nhất? Giá cả và thời gian thực hiện những cách thức này có sự khác nhau hay không? 

Hiện nay, trên thế giới có xu hướng sử dụng kỹ thuật ICSI thay thế IVF ngay cả ở những trường hợp tinh trùng khá, do tỉ lệ thụ tinh cao hơn và có nhiều phôi hơn. Điều này có thể giúp tỉ lệ thành công cuối cùng cao hơn. 

Chi phí cho các kỹ thuật tăng dần theo sự phức tạp của kỹ thuật: (1) IUI, (2) IVF, (3) ICSI, (4) PESA-ICSI. Chi phí dao động trên dưới 40 triệu đồng cho tất cả các khoản viện phí, xét nghiệm, thuốc điều trị... mỗi kỹ thuật (tuỳ theo mức phức tạp) chênh lệch từ 2 - 3 triệu đồng.

Kỹ thuật IUI trung bình mất khoảng 2 tuần theo dõi và thực hiện. Các kỹ thuật còn lại mất khoảng 4 tuần theo dõi và thực hiện. Hiện nay, có phác đồ kích thích buồng trứng mới, giúp việc theo dõi các kỹ thuật TTTON chỉ còn khoảng 2 tuần.

Mô tả ảnh.

Em bé đầu tiên TTTON ở Trung tâm Vạn Hạnh (ảnh: BS: Phùng Huy Tuân)

- Hiện ở Việt Nam, bệnh viện nào là nơi thực hiện tốt nhất?

Không có tiêu chuẩn nào để xác định bệnh viện nào là tốt nhất. Tuy nhiên, nơi có các bác sĩ  và các chuyên viên nuôi cấy phôi nhiều kinh nghiệm, thì tỉ lệ thành công thường cao và ổn định.

- Tâm lý ảnh hưởng quan trọng như thế nào trong việc điều trị hiếm muộn?

Tâm lý có tác động đến tỉ lệ thành công trong điều trị hiếm muộn. Bệnh nhân càng thoải mái, yên tâm, tin tưởng vào đội ngũ nhân viên y tế thì tỉ lệ thành công càng cao. Ở các nước phát triển, trước khi thực hiện TTTON, bệnh nhân đều được các chuyên gia tâm lý tư vấn.

- Những em bé được sinh ra nhờ TTTON liệu có nhiều khả năng mắc dị tật hay khiếm khuyết gì hơn so với bình thường không?

Ở Việt Nam, những trường hợp TTTON còn ít, tỉ lệ mắc khiếm khuyết cũng quá ít nên chưa có thống kê. Trên thế giới, tỷ lệ này tương đồng nhau. Và trong trường hợp thai nhi bị dị dạng thì mọi xử lí, hậu quả bệnh nhân vẫn chịu như mang thai bình thường.

Trong một khảo sát của bệnh viện Từ Dũ, các bé TTTON được bác sĩ nhi khoa khám và đánh giá về những dị tật bẩm sinh và bất thường của các hệ cơ quan trong cơ thể như: hệ tim mạch, hô hấp, tai mũi họng, răng hàm mặt, cơ xương, khớp, sinh dục - tiết niệu, da.

Về tình trạng sức khỏe nói chung, các cháu đến khám đều ở tình trạng tốt về sức khỏe. Tỷ lệ dị tật bẩm sinh là 1% (1 trường hợp trật khớp háng và 1 trường hợp dính bàn tay). Nhưng những dị tật này đều là nhẹ và chiếm tỷ lệ khá thấp so với dân số bình thường. 

Sự phát triển về tâm lý và vận động được kiểm tra theo thang đánh giá Denver:  (Ðể đánh giá sự phát triển bất thường về tâm lý vận động, test Denver được dùng để đánh giá 4 mặt phát triển sau ở mỗi bé: (1) Cá nhân - xã hội, (2) Ngôn ngữ, (3) Vận động tinh tế, (4) Vận động thô sơ): Khi sử dụng thang điểm Denver để đánh giá, các chuyên gia tâm lý tại BV. Tâm thần TPHCM cho rằng: Tỷ lệ chậm phát triển tâm thần vận động ở các trẻ sinh 1 và sinh 2 được xem là ở mức bình thường. Tỷ lệ chậm phát triển tâm lý, vận động có vẻ cao hơn ở nhóm sinh 3 và sinh 4. Ðiều này cũng được ghi nhận ở nhiều nghiên cứu khác trên thế giới. 

- Được biết, tỉ lệ hiếm muộn những năm gần đây có chiều hướng tăng. Nguyên nhân do đâu, thưa bác sĩ?

Theo tổ chức y tế thế giới, khoảng 1/6 các cặp vợ chồng trong tuổi sinh sản có thể có vấn đề về hiếm muộn. So với dân số 80 triệu người ở Việt Nam, số người đến các cơ sở y tế khám và điều trị hiếm muộn vẫn còn rất thấp so với các nước khác. Ở các nước Tây Âu, cứ 1 triệu dân thì mỗi năm có từ 1.000 đến 2.000 trường hợp TTTON. Ở Việt Nam hiện nay, chỉ có khoảng 3.000 – 4.000 trường hợp TTTON một năm (nếu tính theo Tây Âu, thì phải có trên 80.000 trường hợp TTTON/năm).

Các nguyên nhân có thể làm tỉ lệ hiếm muộn đang tăng là: Xã hội ngày càng phát triển, tuổi mong con của người Việt Nam, đặc biệt là ở thành thị ngày tăng (muốn có con khi tuổi đã lớn). Càng lớn tuổi thì khả năng sinh sản càng giảm.

Bên cạnh đó, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng ngày càng nhiều, giúp mọi người hiểu rõ hơn và quan tâm nhiều hơn về vấn đề sinh sản. Mặt khác, kinh tế ngày càng phát triển, thì số người đi khám và điều trị hiếm muộn ngày càng tăng.

Cảm ơn bác sĩ!

 Bệnh viện Từ Dũ có nhiều trẻ em TTTON nhất

Hiện ở TP.HCM, có khoảng 3.500 em bé ra đời từ TTTON. Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ là nơi có nhiều trường hợp TTTON nhất cả nước, tính đến tháng 10/2007 có 3.030 em bé ra đời bằng kỹ thuật TTTON. BV Phụ sản Từ Dũ cũng là trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm lớn nhất khu vực Đông Nam Á về các kỹ thuật điều trị vô sinh và số chu kỳ thực hiện hằng năm.

Theo website Khoa hiếm muộn, BVPS Từ Dũ, qua nhiều chương trình theo dõi sức khoẻ và sự phát triển các em bé sinh bằng phương pháp TTTON mà bệnh viện thực hiện, với những trường hợp bé sinh từ các chu kỳ đa thai (sinh 2, sinh 3, sinh 4), sự phát triển về thể chất của các cháu đều nằm trong giới hạn bình thường. Điều này cho thấy, hầu hết các cháu được chăm sóc khá kỹ về dinh dưỡng, cho nên mặc dù có thể nhẹ cân lúc sinh nhưng trong vòng 1 năm trở lên, các cháu đã có thể bắt kịp những trẻ bình thường về mặt thể chất.

Phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm đã được triển khai lần đầu tiên tại Việt Nam cách đây hơn 10 năm (năm 1997). Đến nay, có 10 bệnh viện trong cả nước triển khai phương pháp này.