00:00 Số lượt truy cập: 3228573

Nông dân vẫn sống chung với hiểm họa 

Được đăng : 03/11/2016
Các nhà khoa học nhận định, việc sử dụng thường xuyên các loại thuốc diệt cỏ, trừ sâu sẽ làm suy thoái đất và ảnh hưởng tới sức khỏe con người.


Trong khi đó, cơ quan quản lý cho biết, khó kiểm soát việc vận chuyển, tiêu thụ và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).

Tại thôn Khoái Nội, xã Thắng Lợi (Thường Tín, Hà Tây), anh Nguyễn Văn Bình đang phun thuốc diệt cỏ cho biết, thôn anh chủ yếu dùng loại “có diễn viên Văn Hiệp quảng cáo”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đó là thuốc diệt cỏ dạng bột Acenidax do Cty Cổ phần Nicotex sản xuất. Thành phần gồm acetochlor 14,6%, bensulfuron menthyl 2,4%, phụ gia 83%.

“Mỗi gói 2.000 đồng/sào, trộn với phân đạm, dùng khi lúa được từ 2-3 ngày tuổi. Ngoài cửa hàng còn bán loại vừa diệt cỏ vừa diệt rêu nhưng không thích bằng loại này. Từ ngày có thuốc diệt cỏ, chúng tôi rất phấn khởi vì cỏ chết nhanh, không tốn công cào như trước” – Anh Bình vui vẻ.

Ngoài thuốc diệt cỏ, chị An có ruộng bên cạnh ruộng anh Bình bảo người dân ở đây quen dùng thuốc trừ sâu Fastac 5EC (thành phần gồm Alphacypermethirin, dạng nước đóng trong gói nhỏ, 2.000 đồng/gói) và Vithadan 95Wp (thành phần gồm Neristaxin 95%, dạng bột, 20g/gói/sào).

Đến vùng trồng hoa Tây Tựu, huyện Từ Liêm (Hà Nội) vào một buổi chiều, chúng tôi thấy trên những cánh đồng hoa mờ mịt làn sương thuốc trừ sâu. Cả xã có tới 40 người chuyên phun thuốc sâu hay còn gọi là “đánh” thuốc thuê bằng các máy bơm áp lực cao. Chưa ai được hướng dẫn kỹ thuật. Nhiều người không có bất cứ phương tiện bảo hộ nào.

Không phải nông dân nào cũng nhớ tên thuốc diệt cỏ, trừ sâu nhà dùng. Nhiều bà con không mang găng tay, khẩu trang khi phun thuốc.

Sức khỏe giảm sút

Mới đây, bệnh việc Bạch Mai tiếp nhận một ca suy đa phủ tạng và viêm da toàn thân. Bệnh nhân là nông dân chuyên pha chế thuốc trừ sâu, diệt cỏ.

Bác sĩ điều trị cho biết, hàng chục năm tiếp xúc với hóa chất độc hại mà không mang đồ bảo hộ là một trong những nguyên nhân chính gây tổn thương hệ tim mạch, thần kinh, hô hấp ở bệnh nhân này.

Theo đánh giá của Trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai, hai năm vừa qua, tình hình ngộ độc hóa chất BVTV đứng hàng thứ 5 trong 12 loại ngộ độc.

“Sử dụng thuốc BVTV lâu dài còn gây ra ngộ độc, biểu hiện ở việc suy kiệt cơ thể, mệt mỏi, chán ăn, mất ngủ, thiếu máu, ảnh hưởng hệ thần kinh, miễn dịch, di truyền, gây biến dị trong tế bào, ảnh hưởng thế hệ mai sau. Có những loại thuốc cực độc, chỉ cần nhiễm một lượng nhỏ do ăn phải rau, hoa quả được trừ sâu hoặc bảo quản bằng chất này cũng dễ dẫn đến chết người.

“Trong khuyến cáo của ngành BVTV, hóa chất BVTV không được khuyến khích sử dụng mà dùng khi thật cần thiết. Các sản phẩm này dù ít hay nhiều đều có thể làm ô nhiễm môi trường, tiêu diệt các vi sinh vật trong đất gây thoái hóa đất và ảnh hưởng sức khỏe con người” - Phó Chánh thanh tra Cục BVTV Hà Nội, Vũ Thị Thắng, cho biết.

Khó kiểm soát

Theo bà Thắng, hiện nay Việt Nam chưa sản xuất được hóa chất BVTV mà chủ yếu mua của nước ngoài về gia công. Nhiều loại thuốc Trung Quốc giá rẻ hơn, có thể làm cỏ hoặc sâu bệnh chết nhanh khiến người dân thích sử dụng hơn vì họ cho rằng như vậy là thuốc tốt.

Hàng năm, thanh tra các chi cục vẫn đi kiểm tra các doanh nghiệp và các cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV. “Những thuốc quá hạn, ngoài danh mục hoặc thuốc cấm đều bị thu gom, tiêu hủy – Bà Thắng nói. Tuy nhiên, cái khó là không thể xử phạt được nông dân”.

Khó khăn nữa là vấn đề sân bãi, kho chứa. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay ngành BVTV chưa có kho chứa thuốc nào đạt tiêu chuẩn quốc gia.

Một cán bộ Cục BVTV kể lại, gần đây có một vụ công an cửa khẩu bắt được một xe chở thuốc. Nhưng sau khi báo chi cục BVTV thì không có cách nào giải quyết vì không có kho nào chứa nổi lượng thuốc trên. Việc tiêu hủy cũng không phải ngay một lúc thực hiện được vì cần phải làm đơn xin kinh phí của địa phương rồi chờ đợi duyệt. Mỗi tấn thuốc BVTV để tiêu hủy cần từ 300 – 800 triệu đồng.

Theo Nghị định về quản lý thuốc BVTV, người sử dụng thuốc không đúng quy định có thể bị phạt từ 200.000 đến 3.000.000 đồng. Nhưng “Thực tế không phải ở Hà Nội mà cả nước chưa có ai phạt được nông dân. Họ cho mình ký biên bản thoải mái, nhưng khất nợ” - Bà Nguyễn Thị Hoa, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội thở dài.

“Thực tế hiện nay chỉ quản lý được thuốc BVTV qua con đường chính ngạch còn bó tay với các loại thuốc ngoài danh mục, trôi nổi qua con đường tiểu ngạch, nhập lậu. Thanh tra ngành cũng chỉ kiểm soát được các cửa hàng kinh doanh còn trên đồng ruộng nông dân dùng cái gì, dùng như thế nào, chúng tôi không thể theo dõi hết được” – Cán bộ ở Cục BVTV giãi bày.